Ngày 6.4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2009/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung sẽ áp dụng từ 1.5.2009 là 650.000 đồng/tháng và Nghị định 34/2009/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 5% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ đã nghỉ việc. Việc điều chỉnh lương lần này sẽ tạo không khí phấn khởi, bù đắp được một phần trượt giá, đảm bảo cuộc sống và thu nhập thực tế của người lao động (NLĐ)…
|
Mức lương, phụ cấp đối với CB-CC-VC từ 1.5.2009 sẽ bằng mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số lương hiện hưởng. - Trong ảnh: Nhận lương qua ATM. Ảnh: Văn Lưu
|
* Lộ trình nhiều tính toán, cân nhắc
Trước khi xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu và đưa ra 2 phương án tăng lương tối thiểu: phương án 1 là tăng 15%/năm và phương án thứ 2 tăng 20%/năm.
Phương án tăng lương tối thiểu lên 540.000 đồng/tháng bắt đầu từ ngày 1.1.2008 và tăng đều 20%/năm trong Dự thảo Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012 đã không được Chính phủ chấp nhận. Bởi nếu theo phương án này, tổng chi cho tăng lương sẽ chiếm tới 95% ngân sách Nhà nước; ngân sách không đủ khả năng chi trả. Do vậy Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã tính toán lại để đệ trình một phương án tăng khả thi và sát với thực tế hơn; thời gian thực hiện cũng được dãn ra. Năm 2008 chỉ thực hiện việc tăng lương trước một bước với đối tượng hưu trí và người có công, cũng như trợ cấp cho CCVC có hệ số lương thấp. Đến đầu năm 2009, đi qua lộ trình thực hiện việc tăng lương với khối doanh nghiệp và đến ngày 1.5.2009 nâng mức lương tối thiểu chung từ 540.000 đồng/tháng lên 650.000đồng/tháng (tăng khoảng 20%), áp dụng cho tất cả các đối tượng đang hưởng lương ở khu vực nhà nước.
Lộ trình này đã được tính toán rất kỹ. Từ mức hưởng, thời điểm điều chỉnh tới nguồn trả lương... đều đã có trong dự toán ngân sách, được Quốc hội thông qua.
* Tác động xã hội
Mặc dù tiền lương đã nâng lên 20% vẫn chưa bù đắp được trượt giá năm 2008 và của quý I.2009 song trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay việc nâng lương tối thiểu lần này là một sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, góp phần đáng kể cải thiện đời sống CB-CNV-LĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Song chính việc tăng lương trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn này không ít dư luận lo ngại về những tác động xấu có thể xảy ra như: nguồn ngân sách không bảo đảm, tăng giá, ảnh hưởng đến việc làm…
Mức lương, phụ cấp đối với CB-CC-VC từ 1.5.2009 sẽ bằng mức lương tối thiểu chung 650.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số lương hiện hưởng. Mức phụ cấp bằng mức lương tối thiểu nhân với hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thì căn cứ vào mức lương tối thiểu chung để tính mức lương ghi trong hợp đồng; tính đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT; tiền lương ngày nghỉ lễ, nghỉ hằng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Đối với đại biểu HĐND các cấp thì căn cứ vào hệ số hoạt động phí. Mức hoạt động phí sẽ bằng lương tối thiểu chung nhân với hệ số hoạt động phí theo quy định… |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều cơ sở để xác định việc tăng lương lần này không gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội. Trước hết, về thực chất khoảng chênh lệch sau tăng lương chỉ đủ để bù đắp trượt giá. Vả lại số người hưởng lợi từ đợt tăng lương này chỉ từ 6-8 triệu người trong tổng số khoảng 46 triệu lao động trong cả nước nên việc ảnh hưởng về ngân sách đã được dự lường và không đủ quy mô để tác động đến việc tăng giá.
Điều chỉnh lương tối thiểu theo từng năm là việc làm bình thường của mọi quốc gia để bù đắp cho mức độ tăng trưởng, hiệu quả năng suất lao động và bù vào trượt giá. Ý nghĩa lớn của việc điều chỉnh lương lần này là tạo không khí phấn khởi, bù đắp được một phần trượt giá, đảm bảo cuộc sống và thu nhập thực tế của người lao động.
Theo Nghị định 34/2009/NĐ-CP, từ 1.5.2009, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của 5 nhóm đối tượng sau sẽ được tăng thêm 5%, gồm:
1. CB,CC,CN,VC và NLĐ; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, ngày 21.10.2003 của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, ngày 23.1.1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, ngày 4.8.2000 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP, ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT, ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
5. Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, ngày 27.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ. |
|