Hiện tại, hai khu công nghiệp (KCN) Phú Tài và Long Mỹ đang có khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động với hơn 20 ngàn công nhân (CN) làm việc. CN là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp, nhưng thời gian qua, đời sống tinh thần của họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức…
|
Sau giờ làm việc, công nhân không biết đi đâu để vui chơi, giải trí. |
* Buồn như... đời công nhân!
Một chiều cuối tháng Tư, chúng tôi tìm đến các khu dân cư tập trung đông CN thuê trọ ở phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Những khu nhà trọ chật chội, nóng bức…
Chiều về, mấy cô bạn của Hà (CN gỗ ở doanh nghiệp Tân Phước), “giết thời gian” bằng cách trang điểm, làm đẹp cho nhau. Bộ đồ trang điểm được đựng trong bịch nhựa, hết sức nghèo nàn với kem làm trắng da, kem chống nắng, son môi, nước sơn móng tay… không món nào quá 20 ngàn đồng. Trang điểm xong, họ lại đi… rửa mặt…
Quyên, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, vào Bình Định làm công nhân đã hơn 3 năm, kể: “Những chiều tan ca sớm, nằm nhà chẳng biết làm gì cho thời gian qua mau. Hình thức vui chơi, giải trí thông dụng nhất của cánh phụ nữ là rủ nhau nấu chè, đông sương, đổ bánh xèo… Mặc dù chị em rất thích xuống Quy Nhơn dạo chơi, ngắm phố xá, nhưng hiếm khi đi, vì ngại… tốn tiền. Ngày nghỉ, phòng nào có máy vi tính hay đầu đĩa sẽ được trưng dụng, mọi người góp tiền thuê phim Hàn Quốc về xem”.
Niềm vui lớn nhất của Mai, 19 tuổi, người Thanh Hóa, mới vào làm công nhân ở KCN Phú Tài được 6 tháng, là thỉnh thoảng “quá giang” các anh chị có xe máy ở khu trọ xuống Quy Nhơn dạo phố. “Thích vô cùng, Quy Nhơn đường phố sạch đẹp, có biển mát mẻ, đường điện sáng lấp lánh chứ không buồn và mịt mù khói bụi, ầm ầm xe cộ như ở đây. Nhưng vui hơn hết là khi xuống Quy Nhơn, em ghé vào các tiệm sách, báo cũ mua sách, báo về đọc. Có vài tờ báo Phụ nữ, Tiếp thị và Gia đình… về là chị em tranh nhau đọc đến cũ mèm mới thôi” - Mai chia sẻ.
Đối với CN nam, cách giải trí của họ sau giờ làm việc chủ yếu là tập trung ngồi uống cà phê, nhậu và đánh bài. Diện, công nhân đá, trọ tại khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, cho biết: “Cả ngày làm việc mệt mỏi, về nhà chẳng có tivi, máy hát gì, cũng chẳng biết đi chơi ở đâu, mấy anh em tụ tập làm vài xị rồi ngủ. Hầu như ngày nào cũng thế”.
Tôi kể với họ, mấy hôm trước ở Nhà Văn hóa Lao động có tổ chức Cuộc thi hát karaoke. Các nữ CN xuýt xoa, giá mình được tham gia, hay ít ra được coi người ta hát cũng được. Chị Thủy, quê ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, làm công nhân đã 5 năm, tâm sự: “Những CN như tôi đều ước mong quanh đây có một công viên nho nhỏ để dạo chơi, một cái rạp chiếu phim để cuối tuần có nơi mà hò hẹn. Nhưng chờ hoài không thấy!”.
|
Ở những khu trọ của công nhân, các hoạt động vui chơi, giải trí quá đơn điệu, nghèo nàn. |
* Tiếp tục...chờ!
Hiện nay, hai hoạt động sôi nổi nhất dành cho công nhân trong các KCN ở Bình Định là Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các KCN và Hội thao các KCN, vẫn được Ban Quản lý các KCN tổ chức gối đầu nhau vào tháng 5 hàng năm. Sắp tới, theo dự kiến, thời gian diễn ra Hội diễn, Hội thao sẽ được chuyển sang tháng 7 hoặc tháng 8, nhằm phù hợp với thời vụ sản xuất của các đơn vị, thu hút CN tham gia đông hơn. Có một thực tế là số lượng đơn vị tham gia các đợt Hội diễn, Hội thao thường chỉ dao động trên dưới 10 đơn vị. Chị Huỳnh Thị Hòa, CN Công ty TNHH Mỹ Tài, cho biết: “Tổ của tôi gần 50 chị em, nhưng chỉ có 1 người có năng khiếu điền kinh tham gia Hội thao sắp tới”.
Kế hoạch 22 của Tỉnh ủy về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Từ nay đến năm 2010, KCN Phú Tài, Long Mỹ khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ công nhân gắn với phục vụ nhân dân trên địa bàn (nhà chung cư, các khu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, cơ sở y tế, trường học…). Khu Kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trong quá trình phát triển phải gắn với quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu phục vụ công nhân”. |
Về mặt cơ sở vật chất, đáng kể nhất là Trung tâm Dịch vụ các KCN Bình Định bắt đầu hoạt động từ năm 2006. Trung tâm cũng đã có dự án xây dựng các khu vui chơi, giải trí để phục vụ CN tại KCN Phú Tài, nhưng cái khó vẫn là vấn đề kinh phí chưa thực hiện được. Đến giờ, Trung tâm cũng chỉ bán nước giải khát và phục vụ cơm trưa cho CN.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Lân, cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh, thừa nhận: “Đời sống tinh thần của công nhân các KCN là một vấn đề rất bức xúc hiện nay. Tại các KCN còn thiếu các thiết chế văn hóa cơ sở”. Theo ông Lân, khi quy hoạch các KCN thường có quỹ đất dành cho việc xây dựng khu vui chơi, giải trí cho CN. Tuy nhiên KCN Phú Tài được xây dựng theo kiểu “cuốn chiếu”, giải tỏa đến đâu xây dựng đến đó, nên dẫn đến tình trạng thiếu đất cho vui chơi, sinh hoạt. Hiện tại, tỉnh đã bố trí một khu đất ở KCN Phú Tài để xây dựng Trung tâm Văn hóa cho CN trong tỉnh, nhưng do Khu Kinh tế Nhơn Hội đang hình thành, nên cần phải xem xét lại địa điểm xây dựng Trung tâm này để đáp ứng được nhiều đối tượng CN hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch Công đoàn Các KCN Bình Định: “Sắp tới, các ban, ngành liên quan sẽ vào cuộc, cùng hoạch định đề án xây dựng Trung tâm Văn hóa phục vụ cho CN. Đây là công trình quan trọng, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và hy vọng các thành phần kinh tế sẽ cùng chung sức để cải thiện đời sống tinh thần cho CN”.
|