Những người giữ đảo
7:9', 4/5/ 2009 (GMT+7)

Cuối tháng 4.2009, chúng tôi có dịp ra thăm quần đảo Trường Sa. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở đảo mới biết, hầu hết họ đều tình nguyện ra đây làm nhiệm vụ. Hết nghĩa vụ, họ lại viết đơn xin tiếp tục ở lại đảo, bởi với họ, nơi “đầu sóng ngọn gió” này đã thật sự là nhà, là quê hương...

 

Các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Đông trò chuyện với khách từ đất liền ra thăm.

 

* Khó khăn... vẫn vượt qua

Làm lính đảo Trường Sa là phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt của biển và điều kiện sống thiếu thốn. Biết vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ nào đã ra đây đều cố gắng… “khó khăn nào cũng vượt qua”. Đều ở đảo nhưng chúng tôi thấy, các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các đảo chìm có phần gian nan nhất. Khi nước triều lên, nhìn từ xa đảo chỉ còn là một ngôi nhà đa giác màu vàng nhô lên trên mặt nước với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Chịu đựng gian khó vẫn chưa đủ, nhiệm vụ tập luyện và sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ ở đảo xa luôn vất vả và căng thẳng. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sĩ đã xác định vai trò vô cùng quan trọng của mình trong nhiệm vụ bảo vệ biển, thềm lục địa của Tổ quốc nên hăng say luyện tập và sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài ra, tăng gia sản xuất cũng là một nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là niềm vui của những người lính đảo xa. Mỗi sáng, họ lại dậy thay bướm, thay ong để thụ phấn các loại cây cho quả. Mỗi ngày, nhìn cải vươn cao, quả bầu, quả bí lớn nhanh hoặc những con gà, vịt đẻ trứng là niềm vui của cả đơn vị.

Chiến sĩ Nguyễn Bá Thục, mới tình nguyện ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông được 3 tháng, cho biết: “Ngày đầu mới ra đảo, thấy cuộc sống ở đây khác nhiều so với đất liền, tôi nhớ nhà lắm. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, được sự quan tâm, giúp đỡ của đơn vị và đồng đội, tôi đã lao vào tập luyện, tham gia trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm. Đó cũng là cách để thích nghi với cuộc sống và làm vơi đi nỗi nhớ nhà. Giờ tôi đã quen với cuộc sống ở đảo và bắt đầu cảm thấy yêu đảo rồi”.

Tại đảo chìm Đá Nam, đại úy Lê Thanh Tố, đảo trưởng, cho biết: “Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều coi nhau như anh em ruột thịt, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Những cán bộ, chiến sĩ lần đầu tiên ra đảo được quan tâm đặc biệt hơn… Mọi người trên đảo cùng một ý chí vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”.

 

Chiến sĩ Đỗ Đình Thiện (20 tuổi, ở Khánh Hòa) đang nắm chắc tay súng bảo vệ đảo chìm Đá Nam.

 

* Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Dù phải sống và làm nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn, nhưng hầu hết các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các đảo ở Trường Sa đều gật đầu không cần suy nghĩ khi được hỏi có muốn tiếp tục làm nhiệm vụ trên đảo khi hết nghĩa vụ hay không. Chiến sĩ Nguyễn Hữu Số, 22 tuổi, quê ở Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp THPT, đã xung phong ra đảo làm nhiệm vụ và được điều về đảo Nam Yết hơn một năm nay. Ngoài làm nhiệm vụ hàng ngày theo sự phân công của đơn vị, vào thời gian rảnh rỗi, Số ôn bài để khi ra quân có thể đăng ký thi vào Học viện Hải quân. Số tâm sự: “Sau một thời gian làm nhiệm vụ trên đảo, tôi thật sự yêu đảo và muốn gắn bó lâu dài với đảo. Tôi đã viết đơn tình nguyện ở lại đảo phục vụ lâu dài bằng cách sẽ đăng ký thi vào Học viện Hải quân. Sau khi ra trường, tôi sẽ lại xin ra đảo làm nhiệm vụ”.

Trong số những người đăng ký ở lại phục vụ lâu dài trên đảo có cả những cán bộ, chiến sĩ đã có thâm niên ở đảo. Thiếu úy Đinh Văn Thinh, 33 tuổi, quê ở Thái Bình, đang công tác trên đảo chìm Đá Tây, đã có 11 năm làm nhiệm vụ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa. Anh Thinh đã có vợ và 2 con trai; đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới sinh vào đúng đêm 30 Tết vừa rồi. Dù chưa biết mặt con nhưng anh Thinh vẫn khẳng định sẽ tiếp tục xin ở lại đảo công tác. Hay trung tá Phan Anh Linh, 47 tuổi, quê ở Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ trên đảo chìm Đá Nam. Anh Linh có thâm niên 21 năm công tác ở đảo. Bàn chân anh đã đặt đến hầu hết các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Với thời gian công tác khá dài trên đảo, trung tá Linh đã được đơn vị chuyển vào đất liền công tác. Nhưng rồi chỉ được một thời gian,  nhớ đảo, anh lại viết đơn xin ra đảo. Trung tá Linh, lý giải: “Ra làm nhiệm vụ ở đảo thì nhớ nhà, về nhà thì nhớ đảo. Nhưng, ở đảo nếu có nhớ nhà thì còn xin phép về thăm, chứ ở nhà mà nhớ đảo thì không thể ra thăm được”.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - nhiều cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đã khẳng định với chúng tôi như vậy. Chính vì vậy mà họ gắn bó, không muốn rời xa đảo.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sức sống ở Trường Sa   (03/05/2009)
Buồn tẻ, nghèo nàn  (03/05/2009)
Hỗ trợ tiền thay thế xe công nông, xe thô sơ   (03/05/2009)
Hơn 54 tỉ đồng xây dựng dự án Làng trẻ em SOS Quy Nhơn giai đoạn 1   (03/05/2009)
Họp mặt các vị chức sắc Phật giáo nhân Lễ Phật đản   (01/05/2009)
Người lao động phấn khởi hơn  (30/04/2009)
Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc các thành viên MTTQ tỉnh  (30/04/2009)
Thăm, tặng quà các gia đình chính sách  (30/04/2009)
Giảm án, tha tù trước thời hạn cho 241 phạm nhân  (30/04/2009)
Giai cấp công nhân Bình Định vươn lên đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH  (30/04/2009)
Tuyến dưới “gánh” cho tuyến trên  (30/04/2009)
Mỹ Lộc phát huy truyền thống xã anh hùng  (30/04/2009)
Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ tại Bình Định  (30/04/2009)
Ăn lễ  (29/04/2009)
Phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị sứt môi hở hàm ếch  (29/04/2009)