Ngày hôm nay, giai cấp công nhân và loài người tiến bộ trên thế giới kỷ niệm 191 năm Ngày sinh của C.Mác (5.5.1818 - 5.5.2009) - nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản, nhà khoa học thiên tài, kiệt xuất của nhân loại.
Cuộc đời và sự nghiệp của Người còn sống mãi trong khối óc, trái tim của hàng triệu con người yêu tự do, hòa bình, công lý và chính nghĩa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, học thuyết cách mạng của Mác vẫn còn nguyên giá trị và sức sống trong thời đại ngày nay.
Di sản đồ sộ và sâu sắc mà Người để lại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới là hai phát kiến vĩ đại: phép duy vật biện chứng, mở rộng và áp dụng vào lịch sử xã hội trở thành phép duy vật lịch sử và lý luận về giá trị thặng dư - hòn đá tảng học thuyết kinh tế của Mác.
C.Mác đã xây dựng được thế giới quan và phương pháp luận khoa học và cách mạng, cống hiến cho nhân loại và giai cấp vô sản một thế giới quan khoa học để không chỉ là nhận thức mà còn cải tạo thế giới. Ðây là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học - một hệ thống lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn, tùy tiện vẫn ngự trị trong quan niệm về lịch sử chính trị.
Học thuyết C.Mác chứng minh rằng sự giải phóng nhân loại thống nhất với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân. Coi giải phóng giai cấp công nhân là trung tâm của sự nghiệp giải phóng con người. C.Mác đã phân tích một cách khoa học rằng giai cấp công nhân chỉ có thể tiến hành công cuộc giải phóng mình bằng con đường cách mạng, chứ không bằng con đường cải lương. Giai cấp công nhân phải liên minh với những người bị áp bức, bóc lột để giành lại chính quyền và tổ chức cuộc sống mới theo con đường tiến bộ của nhân loại.
Hiện nay trên thế giới không chỉ có những người cộng sản, mà ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về C.Mác của những nhà khoa học thuộc nhiều trường phái khác nhau. Lý luận của C.Mác là một hệ thống mở, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Bước vào thế kỷ 21, việc vận dụng học thuyết Mác vào thực tiễn đang có cách tiếp cận mới.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát bắt đầu từ Mỹ, lan rộng ra toàn thế giới, sách của Mác, trước hết là bộ "Tư bản" trở thành sách bán chạy ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ðức, Anh, I-ta-li-a, v.v. Năm 2008, nhà xuất bản Cac-di-et Vê-lát ở Béc-lin (Ðức) bán được 1.500 cuốn "Tư bản", tăng gấp ba lần so với năm 2007 và tăng 100 lần so với năm 1990. Ở I-ta-li-a, nhà xuất bản Niu-tơn Com-tơn bán được 5.000 bộ "Tư bản".
Ðầu năm 2009, bộ "Tư bản" của C.Mác trở thành "hiện tượng đặc biệt" trên thị trường sách của Hàn Quốc, Nhật Bản. Trên thế giới, rất nhiều nhà khoa học thuộc các trường phái, quốc gia khác nhau tập trung bình luận, nghiên cứu về C.Mác. Vì sao người ta trở lại đọc C.Mác trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu?
Một là, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã cho thấy rõ: Chủ nghĩa tư bản tự do mới (tân cổ điển) với cả hệ thống lý luận và thực tiễn của nó đã sụp đổ. Chủ nghĩa tư bản không phải là vĩnh hằng. Khi chủ nghĩa tư bản đang thời kỳ bình minh ở đầu thế kỷ 19, nhà lý luận kinh tế học tư bản Ri-cac-đô tin rằng chủ nghĩa tư bản có khả năng tự điều chỉnh, tự cân bằng, không thể để xảy ra khủng hoảng. Nhưng trên thực tế, chỉ hai năm sau ngày ông mất, cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới tư bản đã nổ ra (1825). Khi nghiên cứu một cách sâu sắc chủ nghĩa tư bản từ giữa đến nửa đầu cuối thế kỷ 19, chính C.Mác đã phát hiện tính khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản (khủng hoảng tiêu điều, phục hồi, hưng thịnh rồi lại bước vào khủng hoảng mới, v.v.). Chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách để thích ứng, tiếp tục phát triển thì tính chất, quy mô, thời gian, chu kỳ khủng hoảng càng về sau càng trầm trọng hơn mà thôi. Nghiên cứu khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, người ta thấy rằng có rất nhiều vấn đề đã được C.Mác phân tích, dự báo trong bộ "Tư bản", đặc biệt trong lý luận "tái sản xuất tư bản xã hội". Có rất nhiều mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay với những phát hiện trong bộ "Tư bản" của C.Mác.
Ông Ê-rin Hốp-xbao, nhà sử học nổi tiếng đã trả lời phỏng vấn trên báo Sin Permisso (Ác-hen-ti-na) như sau: "Chúng ta không chút ngạc nhiên rằng các nhà chính trị cũng như các doanh nhân thành đạt nhất phương Tây, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính toàn cầu giờ đây đang quay trở lại nghiên cứu học thuyết của C.Mác và họ tìm thấy trong đó lời giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hệ thống tài chính của thế giới đương đại", "cuộc khủng hoảng tài chính có thể dẫn đến sự suy thoái kinh tế ở Mỹ cho thấy sự thất bại của học thuyết về thị trường tự do phi điều tiết. Việc quay trở lại đọc C.Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người".
Trên tờ nhật báo La-xtam-pa (I-ta-li-a) với bài viết nhan đề "Một bộ râu vẫn đang hoài niệm châu Âu", nhà chính trị học nổi tiếng I-ta-li-a, ông Lu-xi-an-nô Can-pho-ra đã lý giải rằng: "Ðiều có ý nghĩa quan trọng chính là những phân tích của Mác về chủ nghĩa tư bản, cho tới bây giờ, ông là người duy nhất có thể đưa ra sự phân tích cụ thể, tường tận và chi tiết đến như thế về tất cả cơ chế của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã chi phối xã hội đó, cũng như bây giờ, dù đã có sự khác biệt về mặt hình thức". Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho mọi người vỡ mộng về sự bền vững của chủ nghĩa tư bản. Bài viết kết luận: "Cuộc khủng hoảng tài chính đang làm mục ruỗng chủ nghĩa tư bản. C.Mác đã dự kiến điều này trong tác phẩm "Tư bản" bất hủ của ông và do đó những tư tưởng của ông ngày nay đã trở thành thời thượng".
Hai là, giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở mọi quốc gia trên thế giới đều là những người bị tổn thất, mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này. Báo chí, thông tin đại chúng toàn cầu hằng ngày, hằng giờ cập nhật thông tin về đội quân thất nghiệp, bần cùng ngày càng tăng ở các nước phát triển. Ngày Quốc tế lao động 1.5 vừa qua, hàng triệu người trên khắp thế giới đã xuống đường biểu tình để kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các chính sách cải thiện đời sống cho người lao động. Những cuộc đình công làm cho hoạt động công nghiệp, dịch vụ bị tê liệt. Số người thất nghiệp tại Pháp hiện lên đến hai triệu người và tỷ lệ này ước tính sẽ tăng lên 10% trong 12 tháng tới, do có khoảng 350.000 người sẽ bị sa thải cho tới cuối năm. Mỗi ngày, báo chí lại cập nhật thêm thông tin số lượng người lao động gia nhập đội quân thất nghiệp ngày càng tăng. Những người thất nghiệp mà C.Mác đã dự báo gần hai thế kỷ trước, bây giờ đã lên đến con số hàng tỷ người.
Ba là, trên thế giới nghèo đói, bất công xã hội ngày càng gia tăng làm cho những ai có lương tri đều tìm lại những phân tích, luận giải của C.Mác. Trong lý luận về tích lũy, C.Mác đã cảnh báo: Quá trình tích lũy tư bản đã dẫn đến kết quả hai mặt trái ngược: Tích lũy sự giàu sang về phía giai cấp tư sản và tích lũy sự bần cùng về phía giai cấp vô sản. Càng bị bần cùng thì giai cấp vô sản càng phải chấp nhận điều kiện bị bóc lột nặng nề hơn. Ðó chính là bản chất, là nguồn gốc dẫn tới sự bất công, bất bình đẳng xã hội. Trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng cho thấy sự chênh lệch ngày càng lớn giữa kẻ giàu và người nghèo. Một giáo sư người Anh, ông Phran-xít-Uyn đã xuất bản một số sách về Mác như: "Các Mác - tiểu sử bất ngờ", "Bộ Tư bản của C.Mác - một tiểu sử". Ông cho rằng, chủ nghĩa tư bản ngày nay với khủng hoảng tài chính đang diễn ra, có nhiều nét giống với chủ nghĩa tư bản thời Mác sống và đọc tác phẩm của Mác càng thấy cần phải phê phán chủ nghĩa tư bản ngày nay. Toàn cầu hóa tuy có những mặt tích cực, nhưng nó cũng đã đẻ ra sự phân hóa ghê gớm giữa giàu và nghèo. Theo những nghiên cứu của tổ chức Liên hợp quốc, hiện nay, 2% dân số nhân loại sở hữu hơn 50% của cải thế giới, trong khi đó, hơn 50% dân số thế giới chỉ nắm giữ 1% của cải thế giới. Thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, càng đọc C.Mác càng thấy tầm vóc vĩ đại của ông.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay bắt đầu từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ sau đó lan ra nhiều nước. Sự sụp đổ đó không phải do nguyên nhân từ bên ngoài mà nó nằm trong sâu thẳm của chính hệ thống kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản. Các tập đoàn tài chính kếch xù, xuyên quốc gia, đa quốc gia của Mỹ và các nước tư bản đã thao túng, kiếm lợi riêng, thoát khỏi bàn tay kiểm soát của Nhà nước tư sản, đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào thảm họa. Như vậy, Mỹ và các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đã từng áp dụng học thuyết của Keynes, lý thuyết kinh tế hỗn hợp của Xa-mu-en-xơn điều hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường và tiếp đó là lý thuyết của Hayek "giảm thiểu vai trò của Nhà nước" (Nhà nước tối thiểu, thị trường tối đa), v.v. nhưng tất cả những lý thuyết đó đã tan như bong bóng xà-phòng.
Ðể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, thế giới đang cần tìm lời giải mới. Vì thế người ta quay trở lại đọc Mác, tìm hiểu sâu sắc hơn về học thuyết Mác và hướng tới chủ nghĩa xã hội đích thực là hoàn toàn có cơ sở lý luận và thực tiễn. Kỷ niệm Ngày sinh của Mác, chúng ta càng thấm thía câu nói của Ph.Ăng-ghen trước mộ C.Mác, như một tiên định: "Cả tên tuổi C.Mác, cả sự nghiệp của ông đều sống mãi, muôn đời".
. Theo ND |