ĐỒNG BÀO BANA, XÃ BOK TỚI (HOÀI ÂN):
“Ưng cái bụng - sướng con mắt”
7:52', 6/5/ 2009 (GMT+7)

Vượt qua những sườn đèo, xã Bok Tới hiện ra những con đường bê tông chạy thẳng tới từng hộ gia đình. Trong buôn làng, xuất hiện nhiều ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xe máy chạy nhộn nhịp. Cuộc sống thường nhật của đồng bào Bana ở xã vùng cao của huyện Hoài Ân đang thay đổi từng ngày.

 

Ngôi nhà cao tầng đầu tiên đã xuất hiện ở Bok Tới.

 

* Xuống núi dựng làng

Khi đất nước vừa giải phóng, Đảng và Nhà nước kêu gọi đồng bào Bana ở xã Bok Tới xuống núi dựng làng. Những ngày đầu lập làng định cư mới, chỉ có vài hộ, chủ yếu là hộ cán bộ, đảng viên làm gương xuống núi lập nghiệp trước.

Bok Trơn (71 tuổi), làng T2, nguyên Huyện ủy viên huyện Hoài Ân, kể lại: “Ngày ấy, đồng bào mình sống cơ cực lắm. Những mảnh nhà sàn chỏng chơ, vắt vẻo bên nương bên suối. Trong nhà chỉ vài cái chõng, chiếc chăn cũ rách, bếp lửa cháy bên những cái nồi trống huơ trống hoác. Gạo viện trợ, có thì hay, không thì thôi, đồng bào đã quen với cái khổ. Cái đói cứ đến, ai chịu được thì sống, ai không chịu được thì về với đất. Ấy vậy mà, lập làng mới, đồng bào không muốn xuống núi vì nghĩ xa rừng, xa rẫy dễ chết đói”. Một năm trôi qua, đồng bào được tận mắt chứng kiến cảnh các hộ ở dưới làng mới được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp định cư, đem cái chữ, điện, nước sạch và được học cách trồng lúa nước, trồng điều, mì, chăn nuôi… cuộc sống đỡ vất vả hơn trước nhiều. Đồng bào ở trên núi “ưng cái bụng” quá nên rủ nhau xuống núi cùng xây dựng làng mới.

Chỉ trong vòng ba năm 1976 - 1978, các hộ đồng bào lần lượt kéo nhau xuống núi dựng làng. Tuy vậy, cuộc sống ở làng mới vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng bào vẫn giữ tập quán, tục lệ cũ, lạc hậu như tư tưởng “sợ con ma núi, ma rừng”, quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”… Ông Đinh Chắt, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, kể: “Ngày ấy, các cấp chính quyền, đoàn thể cùng chung tay ra sức tuyên truyền, giúp đỡ, nên đồng bào mình đã dần có ý thức xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…”. Những điều mới mẻ và tốt đẹp đã được người dân Bana ở Bok Tới phấn đấu thực hiện, đem lại sự đổi thay rõ nét ở các bản làng.

 

Lớp học ở xã vùng cao xã Bok Tới.

 

* Cuộc sống ở làng mới

Hơn 30 năm qua, người dân Bok Tới đã biết vượt qua đói nghèo bằng khả năng của mình, họ dám nghĩ, dám làm thông qua các mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, làm vườn, làm dịch vụ… Người đã lo được lúa đầy bồ rồi thì nghĩ đến chuyện đào ao thả cá, làm chuồng nuôi heo, gà; ai khá hơn thì đầu tư nuôi bò, trâu. Chẳng bao lâu, tại Bok Tới đã bắt đầu xuất hiện những “triệu phú”. Chính những hạt nhân này đã động viên nhiều hộ khác cùng phấn đấu theo.

Hiện tại, Bok Tới có nhiều gia đình làm kinh tế giỏi như: chị Đinh Thị Quyền, ở làng T2, thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm nhờ chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ kinh tế…; anh Đinh Văn Chia, ở làng T4, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhờ làm trang trại; anh Hồ Nhé, ở làng T1, thu nhập 50 triệu đồng/năm nhờ trồng và khai thác rừng keo…

Ông Đinh Xuân Á, Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới, cho biết: “Đồng bào mình giờ ưng cái bụng, sướng con mắt lắm! Hiện tại, xã đã không còn hộ đói. Năng suất cây lúa đến năm 2009 đã vượt ngưỡng 45 tạ/ha. Số hộ có thu nhập từ 50 triệu đến 80 triệu đồng/năm không còn hiếm nữa”. Ở Bok Tới hiện đã có nhà cao tầng, hàng trăm ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, gần 65% số hộ có xe máy, trên 85% số hộ có ti vi….  Người dân ở Bok Tới không còn đốt rừng làm rẫy mà đã biết làm giàu từ rừng. Hiện tại, có hàng trăm hộ dân trồng trên 200 ha rừng keo. Những cánh rừng bạt ngàn được người dân vun trồng, chăm sóc, tô điểm thêm nét đẹp cho buôn làng.

Kinh tế ổn định, nhận thức về việc học tập của con em đồng bào được cải thiện rõ rệt. Toàn xã có 400 em đi học, trong đó có 11 em học đại học ở các thành phố lớn, 20 em học THPT... Hàng năm, UBND xã đều tổ chức gặp mặt giao lưu, tặng quà cho các em ở xã có thành tích xuất sắc trong học tập và thi đậu đại học. Chị Đinh Thị Sơn, ở làng T2, cho biết: “Bao nhiêu đời trước thất thểu trên cái nương, mong đủ ăn mà không được, giờ mình có thể nuôi hai đứa con, một đứa học đại học năm thứ 3, đứa kia đang học lớp 12. Con mình giờ đã có cái chữ, sẽ không còn đói, nghèo như mình trước kia nữa”.

Bây giờ, cuộc sống của đồng bào Bana ở Bok Tới đã thoát hẳn khó khăn về mọi mặt. Bà con đã biết phát huy các tiềm năng, nội lực. Những công trình điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sạch, bưu điện văn hóa… được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống, sản xuất của đồng bào. Cuộc sống ở vùng đại ngàn này đang tiếp tục đi lên mạnh mẽ.

Dưới ánh nắng vàng của những ngày tháng Tư lịch sử, nhìn ngôi nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi ở cạnh nhà Rông, nhìn những cánh đồng lúa trĩu hạt, những em bé tung tăng đến trường trên con đường bê tông …. chúng tôi cảm nhận được sức sống của một vùng miền núi khó khăn ngày trước, đang vươn lên từng ngày.

UBND huyện Hoài Ân đang tiến hành thi công công trình định canh, định cư xã Bok Tới tại làng T5, với tổng diện tích 5 ha. Công trình gồm các hạng mục: nhà làm việc của UBND xã, trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế xã, đường giao thông nội bộ, khu dân cư, nhà văn hóa… Tổng kinh phí đầu tư cho công trình dự kiến 5 tỉ đồng, trích từ nguồn ngân sách của tỉnh. Công trình hoàn thành sẽ từng bước ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội ở Bok Tới phát triển hơn nữa.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huy động toàn dân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  (06/05/2009)
Khẩn trương triển khai phòng, chống dịch cúm A (H1N1)  (05/05/2009)
Tên tuổi và sự nghiệp của Các Mác sống mãi  (05/05/2009)
Muốn thi cử nghiêm túc, phải dạy và học nghiêm túc  (05/05/2009)
Cô bé mê học tiếng Anh  (05/05/2009)
Dầu tràn lại xuất hiện trên bãi biển Phù Cát  (05/05/2009)
Tàu thuyền tỉnh ta vẫn đảm bảo an toàn  (05/05/2009)
Đồng chí Hồ Quốc Dũng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh  (05/05/2009)
Vì sao quyết định của TAND không được tôn trọng?  (04/05/2009)
Những người giữ đảo  (04/05/2009)
Sức sống ở Trường Sa   (03/05/2009)
Buồn tẻ, nghèo nàn  (03/05/2009)
Hỗ trợ tiền thay thế xe công nông, xe thô sơ   (03/05/2009)
Hơn 54 tỉ đồng xây dựng dự án Làng trẻ em SOS Quy Nhơn giai đoạn 1   (03/05/2009)
Họp mặt các vị chức sắc Phật giáo nhân Lễ Phật đản   (01/05/2009)