Cuộc hành quân Át Lăng - một bộ phận quan trọng trong kế hoạch Nava, nhằm xoay chuyển tình thế từ bại thành thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp - đã hoàn toàn bị phá sản. Chính quân và dân Bình Định đã làm nên chiến thắng ấy, góp phần vào thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
|
Năm 2007, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định đã tặng cho Nhà Văn hóa Cựu chiến binh Việt Nam (xây dựng ở Đồi A2, Điện Biên) sa bàn Chiến dịch Át Lăng tại Bình Định. - Trong ảnh: Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Trọng Lư với bản đồ chiến dịch Át Lăng tại Bình Định. Ảnh: N.S
|
Giữa năm 1953, quân Pháp bị vây hãm đến kiệt cùng trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Trong thế nguy, ở Liên khu 5, quân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng. Cuối năm 1953, để đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, quân Pháp mở Chiến dịch Át Lăng. Lúc này, địch tập trung ở đây tới 40 tiểu đoàn, một lực lượng lớn chưa từng có ở chiến trường Đông Dương vào thời điểm đó.
Đại tá Nguyễn Trọng Lư, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: “Chúng ta coi chiến dịch Át Lăng là một phần của đòn thứ 4, trong số 5 đòn phối hợp để tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ (4 đòn còn lại là chiến trường Điện Biên Phủ, Lào, đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Sông Cửu Long)...”.
Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do được Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao cho lực lượng địa phương các tỉnh. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng thứ hai, còn phát triển lên Tây Nguyên mới là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, trong cuộc hội nghị đầu tháng 1.1954, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định đã quyết định huy động sự nỗ lực cao nhất của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, ra sức chiến đấu bảo vệ vùng tự do, đồng thời phục vụ cho thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương, tăng cường bố phòng, nhất là các vùng ven biển Quy Nhơn và giáp ranh An Khê, đẩy mạnh xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân trong tỉnh. Lúc này, về lực lượng chiến đấu, ta có Tiểu đoàn 80, 3 đại đội địa phương và dân quân du kích, cùng một đại đội của Tiểu đoàn 30 do Liên khu tăng cường.
Ngày 10.3.1954, quân Pháp từ Phú Yên tiến vào Quy Nhơn theo hai hướng: hướng Quốc lộ 1 qua đèo Cù Mông và hướng DT 638 từ La Hai qua Vân Canh. Ngày 12.3.1954, quân Pháp dùng 8 tiểu đoàn, nòng cốt là Binh đoàn cơ động số 10, đổ bộ lên Quy Nhơn. Từ phía An Khê, địch đưa 4 binh đoàn đánh chiếm đầu cầu Thượng An, chuẩn bị đánh xuống Bình Khê để nối với cánh quân từ Quy Nhơn lên.
Với thế trận chiến tranh nhân dân bày sẵn, quân và dân Bình Định đã đánh trả quân địch quyết liệt ngay từ đầu, khi giặc Pháp mới vừa đặt chân lên đất Bình Định. Các lực lượng đã vận dụng cách đánh du kích nhỏ lẻ, sử dụng triệt để các loại vũ khí thô sơ, mìn, hầm chông, cạm bẫy đế quấy rối, tập kích, phục kích, vận động tiến công và đánh đặc công, làm cho quân địch tuy đông hơn ta gấp 10 lần và chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí nhưng phải lui về cố thủ.
Ông Nguyễn Đình Khang, 87 tuổi, hiện ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), khi ấy là chính trị viên Tiểu đoàn 80 - tiểu đoàn chủ lực của tỉnh - kể: “Tiểu đoàn chúng tôi đóng tại Tuy Phước, có nhiệm vụ chặn đánh quân Pháp ở đèo Cù Mông. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Tiểu đoàn 30 do Liên khu 5 tăng cường đang đứng chân ở Quảng Ngãi để đánh địch nếu chúng tiến ra ngoài đó”.
Còn ông Đinh Bá Lộc, lúc ấy là chính trị viên Đại đội 100, kể: “Chúng tôi đánh địch từ đèo Cù Mông xuống, ra Diêu Trì, rồi quanh lại đánh dọc từ cầu Sông Ngang xuống Quy Nhơn, nhằm bắt chúng co cụm ở Quy Nhơn, không cho lấn ra các vùng xung quanh. Những trận đánh đáng nhớ là trận đánh ở cầu Sông Ngang (từ ngày 28 – 30.3.1954), ta đã tiêu diệt 80 tên địch; trận phục kích tại Diêu Trì (ngày 2.4.1954) tiêu diệt và làm bị thương 250 tên; trận đánh vào Nhà hát Trung Hoa hý viện ở Quy Nhơn (ngày 3.4.1954) tiêu diệt 200 tên… Lúc ấy, ngoài bộ binh, địch còn có pháo từ ngoài biển bắn vào yểm trợ. Còn bộ đội và du kích của ta thì vũ khí hiện đại nhất là súng cối 60 ly. Nhưng chúng tôi quyết đánh và đã giữ chân chúng ở Quy Nhơn, cho đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Genève thì chúng rút quân”.
Chặn đứng cuộc hành quân Át Lăng cũng có nghĩa là quân và dân Bình Định đã góp phần quan trọng phá tan âm mưu đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 của Pháp, góp phần vào thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
|