Trải qua 55 năm, giờ đây, những chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đều đã tuổi cao, sức khỏe yếu. Nhưng ký ức về trận đánh lịch sử ấy vẫn sống mãi trong họ...
|
Ông Lê Công Tánh (bên phải) đang kể chuyện về trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh: N.P
|
* Mở đường vào trận đánh
Năm nay, ông Lê Công Tánh (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đã 86 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, vậy mà khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây đã 55 năm, ông vẫn kể được cho chúng tôi nghe một cách cặn kẽ, say sưa...
Sinh ra tại một làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước ở xã Cát Tài (Phù Cát), năm 1944, chàng thanh niên 21 tuổi Lê Công Tánh đã tình nguyện tham gia kháng chiến và gia nhập vào Đại đội Việt Trì (thuộc Tiểu đoàn Nguyễn Nhạc) đóng quân tại Phù Cát. Năm 1950, đơn vị của ông được lệnh hành quân ra Bắc (đóng quân ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn..) để tập trung chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, tháng 3.1954, Tiểu đoàn Công binh 106 của ông được nhận lệnh rời Lạng Sơn hành quân về tuyến Yên Bái - Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ mở đường vận tải phục vụ Chiến dịch. Tiểu đoàn đã đảm nhiệm làm nhiều tuyến đường cho xe, pháo của ta vào Chiến dịch. Trong đó, gian khổ nhất là làm đường đèo Pha Đin - đoạn đường đèo dài nhất, cao nhất và nguy hiểm nhất của núi rừng Tây Bắc. Ông Tánh tâm sự: “Dù không có bất cứ phương tiện máy móc, kỹ thuật nào, tất cả đều bằng sức người và cuốc xẻng, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị của tôi cùng các đơn vị khác đã mở được khá nhiều tuyến đường để bộ đội ta kéo pháo và vũ khí vào chiến trường, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Tánh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên... và là Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu Tây Bắc cho đến lúc nghỉ hưu.
* Hoa nở giữa lòng địch
Nhà của ông Lê Văn Cát, 75 tuổi, ở tổ 34, khu vực 4, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Di chứng của chiến tranh vẫn hành hạ ông từng ngày. Nhưng khi chúng tôi hỏi thăm về một thời “hoa ban đỏ”, ông như khỏe ra, vui vẻ hơn. Ông kể lại chuyện xưa cứ rõ mồn một, như mới xảy ra vào hôm qua vậy.
Vừa tròn 16 tuổi, xung phong vào đội thiếu sinh quân và sau hai năm rèn luyện, ông được điều về Tiểu đoàn 375 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 304). Tháng 3.1954, ông cùng Sư đoàn hành quân đến Hòa Bình với nhiệm vụ tiêu diệt và chặn đường tiếp tế, rút lui của địch ở đường số 41 (từ Hòa Bình đi Điện Biên) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đào các đường hầm dẫn đến các căn cứ của địch. Cả ngày lẫn đêm, chúng tôi say sưa, mải miết đào. Mỗi đường hầm được đào thành công, mọi người vẫn gọi vui là “Hoa nở giữa lòng địch”… Ngày 7.3.1954, tôi cùng đồng đội đã được tập kích, đánh địch chính từ những đường hào đó. Chúng tôi đã tiêu diệt được cứ điểm tiền tiêu của địch và nhanh chóng chặn đường rút lui của địch về hướng Thượng Lào…”.
Cũng trong trận đánh tại đường số 41, ông Cát đã bị một quả đạn pháo bay sạt ngang đầu, bất tỉnh. Vừa tỉnh lại sau gần một tháng hôn mê, dù vết thương còn rỉ máu, ông vẫn cố ra dấu để đồng đội kể cho nghe về kết quả của đợt tấn công thứ nhất ấy (trong Chiến dịch Điện Biên Phủ). Khi biết, quân ta đã giành thắng lợi vẻ vang qua hai đợt tấn công, ông nở nụ cười thật tươi rồi lại ngất lịm đi…
Mỗi năm, vào những dịp Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cát không khỏi tự hào về một thời là chiến sĩ Điện Biên. Những năm tháng cuối đời, ông nguyện tiếp tục sống xứng đáng với hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong Chiến thắng Điện Biên Phủ bất hủ năm ấy.
|