SỰ CỐ DẦU TRÀN Ở VEN BIỂN TỈNH TA:
Nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái
8:3', 8/5/ 2009 (GMT+7)

Như tin đã đưa, những ngày gần đây tại một số địa phương ven biển tỉnh ta xuất hiện hiện tượng dầu tràn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ven biển. Trước tình hình này, UBND tỉnh và các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai các biện pháp xử lý. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Minh Luận - Phó Giám đốc Sở TN-MT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh - xung quanh vấn đề này.

 

Dầu thô tràn trên bãi biển Cát Tiến.  Ảnh: Đình Lai

 

* Xin ông cho biết thực trạng tình hình sự cố dầu tràn trên biển ở tỉnh ta?

- Qua khảo sát và nắm bắt thông tin từ các địa phương, chúng tôi được biết “sự cố dầu tràn” trên biển bắt đầu xuất hiện ở các địa phương ven biển tỉnh ta từ ngày 1.5.2009. Những địa phương xảy ra nhiều dầu tràn nhất là: Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát); Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn); Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn). Trong đó, tình trạng dầu tràn tập trung nhiều nhất là ở các thôn Chánh Oai, Tân Thắng và Vĩnh Hội thuộc xã Cát Hải (Phù Cát) và xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn).

Theo thông tin ban đầu, tình trạng dầu tràn trải dọc bờ biển suốt chiều dài các thôn thuộc xã Cát Hải khoảng 6-7km; dọc ven biển Tam Quan Nam khoảng 4km. Ngày hôm qua (7.5), chúng tôi lại nhận được thông tin một số xã ven biển của huyện Phù Mỹ cũng đã xuất hiện tình trạng dầu tràn.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, sự cố dầu tràn ở tỉnh ta vừa qua là lượng dầu thải (có thể là dầu FO), vón thành cục, thành mảng (kích thước trung bình khoảng 20-30cm2) và nằm rải rác tại bờ biển thuộc các địa phương nói trên. Đáng lưu ý, khi trời nắng thì số dầu vón cục sẽ nóng chảy và thấm xuống cát… Hiện chưa thể thống kê chính xác lượng dầu tràn, cũng như chưa xác định được nguồn gốc của dầu. Tuy nhiên, so với năm 2007, sự cố dầu tràn lần này ở tỉnh ta có quy mô rộng hơn, có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các địa phương bị dầu tràn (nhất là lĩnh vực du lịch, thủy sản, nông nghiệp); đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái ven biển…

* Ngành chức năng của tỉnh đã giải quyết, xử lý sự cố dầu tràn thế nào, thưa ông?

- Ngày 5.5, UBND tỉnh đã có công văn số 1.300/UBND-NĐ về việc “Xử lý dầu tràn dọc bờ biển”. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Quy Nhơn tiếp tục điều tra, thu thập tình hình dầu tràn tại địa phương; huy động các lực lượng thực hiện thu gom dầu tràn; thông báo cho các gia đình, cá nhân, đơn vị nuôi trồng thủy sản ven biển biết tình trạng dầu tràn trên biển để có các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại; thống kê thiệt hại do dầu tràn trên địa bàn. UBND tỉnh giao Sở  TN-MT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp thu gom dầu tràn; có văn bản báo cáo Tổng cục Môi trường, Chi cục Môi trường miền Trung - Tây Nguyên và Trung tâm Ứng phó sự cố dầu tràn miền Trung để tiếp nhận và xử lý lượng dầu do các địa phương thu gom. Giao cho Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó và xử lý sự cố dầu tràn…

* Vậy, Sở TN-MT, Chi cục BVMT tỉnh đã triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này ra sao?

- Ngay sau khi phát hiện sự cố dầu tràn, Sở TN-MT, Chi cục BVMT tỉnh đã cử cán bộ, nhân viên trực tiếp xuống tận hiện trường để theo dõi, nghiên cứu để có hướng giải quyết, xử lý. Cũng ngay trong ngày 5.5, chúng tôi đã có báo cáo nhanh gửi Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh về tình trạng dầu tràn và đề xuất một số phương án khắc phục. Trên cơ sở tham mưu của Sở TN-MT và Chi cục BVMT, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác xử lý sự cố như đã nêu trên.

 

Dầu tràn ở ven biển Cát Hải (Phù Cát). Ảnh: N.Hân

 

Về phương án cụ thể, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Môi trường, ngày 6.5, Sở TN-MT đã có văn bản gửi các địa phương ven biển về hướng dẫn thu gom dầu tràn; đồng thời yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng phải phối hợp chặt chẽ với Sở trong công tác thu gom, xử lý, tổng hợp và đánh giá mức độ thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã liên hệ chặt chẽ với Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường miền Trung giúp điều tra, khảo sát, lấy mẫu dầu thải để xác định nguồn gốc dầu; đồng thời đề nghị Trung tâm giúp đỡ địa phương trong công tác xử lý lượng dầu thải sau thu gom.

Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra để xác định thêm các địa phương bị ảnh hưởng (nếu có), cử cán bộ trực tiếp tham gia và hỗ trợ địa phương trong công tác thu gom dầu trên địa bàn tỉnh. Sở TN-MT và Chi cục BVMT tỉnh cũng thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để kịp thời có phương án xử lý, nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng do dầu tràn đến kinh tế và môi trường tại các huyện ven biển tỉnh ta.

* Xin cảm ơn ông!

  • Viết Hiền (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai công tác đối phó với bão số 1  (07/05/2009)
UBND tỉnh chỉ đạo xử lý vụ dầu tràn dọc bờ biển  (07/05/2009)
Đoàn thanh kiểm tra liên ngành VSATTP Trung ương làm việc tại tỉnh ta  (07/05/2009)
Cần quan tâm quy hoạch xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (07/05/2009)
Gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (07/05/2009)
Từ Át Lăng đến Điện Biên Phủ  (07/05/2009)
Long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  (07/05/2009)
29.466 học sinh được xét tốt nghiệp THCS năm học 2008-2009  (06/05/2009)
“Ưng cái bụng - sướng con mắt”  (06/05/2009)
Huy động toàn dân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  (06/05/2009)
Khẩn trương triển khai phòng, chống dịch cúm A (H1N1)  (05/05/2009)
Tên tuổi và sự nghiệp của Các Mác sống mãi  (05/05/2009)
Muốn thi cử nghiêm túc, phải dạy và học nghiêm túc  (05/05/2009)
Cô bé mê học tiếng Anh  (05/05/2009)
Dầu tràn lại xuất hiện trên bãi biển Phù Cát  (05/05/2009)