NHÂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2553 - NĂM 2009:
Những tấm lòng con nhà Phật
8:58', 8/5/ 2009 (GMT+7)

Làm việc thiện là chuyện bình thường cần làm để chia sẻ với những số phận bất hạnh. Qua hoạt động từ thiện, đời sống tinh thần của mỗi người trở nên thư thái, nhẹ nhõm hơn. Đó là phương châm, triết lý sống của các phật tử trong Ban Từ thiện xã hội thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh (gọi tắt là Ban Từ thiện).

 

Ban Từ thiện tặng quà cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Tâm thần Hoài Nhơn. Ảnh: H.X

 

* Ích đạo, lợi đời

8 giờ, trước sân Ban Từ thiện, đã có mặt rất đông bà con nghèo, người khuyết tật. Họ đang chờ được nhận quà (5 kg gạo/người). Vợ chồng anh Nguyễn Kim Hải và chị Nguyễn Thị Thu Hồng đều bị liệt bẩm sinh, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Chị Hồng kể: “Chúng tôi đồng cảnh với nhau nên yêu thương nhau và cưới nhau; chứ trong một nhà mà cả hai đều tật nguyền như thế này làm sao tránh khỏi những khó khăn, bấp bênh trong cuộc sống!...”. Các thành viên trong Ban Từ thiện đã đem quà đến tận xe lăn trao cho hai vợ chồng. Anh Hải cảm động nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhận được sự sẻ chia của mọi người, chúng tôi thấy được an ủi phần nào!”.

Anh Nguyễn Nhất (ở Cát Nhơn, Phù Cát) làm nghề phụ hồ, bị té gãy cột sống phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; rồi, cháu Nguyễn Văn Thảo (Phù Mỹ) sinh ra không có hậu môn; chị Nguyễn Thị Hạnh (Nhơn Phú, Quy Nhơn) có con bị chết đuối trong một trận lũ; cháu Phạm Thị Thanh Thủy (tổ 17, khu vực 3, phường Nhơn Bình, Quy Nhơn) phải mổ tim tại Bệnh viện Trung ương Huế; ông Nguyễn Văn Phương (Cát Tiến, Phù Cát) bị u não được mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Tất cả họ đều là những hoàn cảnh khó khăn, mà Ban Từ thiện đã tìm đến và hỗ trợ.

Ông Hồ Đắc Hưng, Thư ký của Ban Từ thiện, cho biết: “Ngoài hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp cụ thể, hàng năm, vào các ngày Đại lễ truyền thống của Phật giáo (Phật đản, Vu lan) hay Tết Nguyên đán, Ban Từ thiện thường tổ chức đi thăm và tặng quà tại các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và các gia đình khó khăn, người già yếu bệnh tật, neo đơn; tổ chức cứu trợ thiên tai, mổ mắt từ thiện cho người nghèo… Trong năm 2008, Ban đã tổ chức và phối hợp với các đoàn, tổ chức từ thiện khác, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, cứu trợ với tổng số tiền gần 490 triệu đồng”.

Số tiền này, ngoài tiếp nhận các nguồn cứu trợ từ các phật tử, những người hảo tâm trong và ngoài nước, Ban còn tổ chức đi vận động những gia đình phật tử và người có điều kiện ngoài cộng đồng hỗ trợ, đóng góp. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, ít ai từ chối.

* Làm phúc thì hưởng phúc

Trong suốt buổi phát gạo, tôi thấy một phụ nữ mặc đồ màu lam nhiệt tình đến hỏi thăm gia cảnh của từng người kém may mắn và tặng cho mỗi người một số tiền nho nhỏ. Bà Nguyên Hoa (tên của người phụ nữ) nói: “Đạo Phật là đạo cứu khổ! Nơi nào có người cần giúp đỡ là tôi đến… Mình được thân lành, mạnh khỏe, phước báu là giàu rồi nên phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn hơn…”.

Bà Nguyễn Thị Kỉnh, 61 tuổi (ở đường Hai Bà Trưng, Quy Nhơn) cũng là người khá “mặn mà” với các hoạt động từ thiện. Khi tôi thấy bà đi cứu trợ bà con bị lũ lụt ở Phước Thuận (Tuy Phước); khi lại thấy bà có mặt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thăm hỏi các cháu mồ côi, tàn tật, người già neo đơn; khi khác lại gặp bà ở Bệnh viện Mắt tham gia vào chương trình mổ mắt từ thiện cho bệnh nhân nghèo… Hỏi bà, “đi nhiều như vậy vất vả quá?”. Bà Kỉnh cười: “Tôi chỉ thấy vui và thanh thản vì mình đã góp phần làm được một điều gì đó cho những người khó khăn, hoạn nạn. Làm phúc là được hưởng phúc đấy chứ!”.

Bà Kỉnh có 4 người con đã trưởng thành và đều có gia đình riêng. Các con bà đã góp tiền xây dựng cho má (sống một mình) một căn nhà thật đàng hoàng và hàng tháng chu cấp cho bà đầy đủ về kinh tế. Bà nói, bà thật có phước. Bởi vậy, suốt mười mấy năm qua, bà đã “ăn ít đi một chút” để còn hỗ trợ người nghèo. Khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện, thì bà nhận được một cuộc điện thoại thông báo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có một bệnh nhân phải mổ não, nhưng thân nhân của người bệnh đang gặp khó khăn, vậy là bà vội vàng xin phép tôi để “vô trong đó xem thế nào, đặng còn tìm cách giúp người ta…”.

Còn ông Võ Tấn Lộc, 70 tuổi, (nhà ở đường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) tâm sự: “Tôi tham gia công tác từ thiện của Ban đã 16 năm qua. Mỗi khi thiên tai, bão lũ, hoặc khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, chúng tôi đều tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ”.

Ông Hồ Đắc Hưng cho biết thêm: “Để tiếp tục làm tốt các hoạt động phật sự từ thiện, sắp tới, chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống vi tính nối mạng internet tại văn phòng và mở webside của Ban Từ thiện để có thêm nhiều người, từ nhiều vùng miền khác nhau, thể hiện tâm từ của người con Phật, chia sẻ những khổ đau, mất mát, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh…”.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lắp đặt đường ống dẫn nước sạch cho trường Tiểu học số 1 Bình Tường  (08/05/2009)
Hơn 55.780 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH-CĐ  (08/05/2009)
Sớm triển khai quy hoạch sản xuất các mặt hàng chủ lực  (08/05/2009)
Thăm các vị chức sắc Phật giáo trong tỉnh  (08/05/2009)
Nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái  (08/05/2009)
Triển khai công tác đối phó với bão số 1  (07/05/2009)
UBND tỉnh chỉ đạo xử lý vụ dầu tràn dọc bờ biển  (07/05/2009)
Đoàn thanh kiểm tra liên ngành VSATTP Trung ương làm việc tại tỉnh ta  (07/05/2009)
Cần quan tâm quy hoạch xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (07/05/2009)
Gặp những chiến sĩ Điện Biên năm xưa  (07/05/2009)
Từ Át Lăng đến Điện Biên Phủ  (07/05/2009)
Long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  (07/05/2009)
29.466 học sinh được xét tốt nghiệp THCS năm học 2008-2009  (06/05/2009)
“Ưng cái bụng - sướng con mắt”  (06/05/2009)
Huy động toàn dân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS  (06/05/2009)