Tuyên truyền miệng đem pháp luật gần gũi với dân hơn
7:33', 11/5/ 2009 (GMT+7)

Hiện nay có nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) mà các địa phương, các ngành và đoàn thể áp dụng. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền miệng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là khu vực nông thôn, khu dân cư lao động phổ thông.

 

Hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật - một hình thức tuyên truyền miệng rất hiệu quả. Ảnh: N.Diên

 

Thời gian qua, nhất là năm 2008, Hội đồng Phối hợp công tác TTPBGDPL các cấp và các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng và đầu tư đầy đủ kinh phí cho hoạt động. Công tác TTPBGDPL đang mang lại những kết quả tích cực, nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ, nhân dân; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định việc phát triển kinh tế, xã hội. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân ở địa phương và các mối quan hệ xã hội khác, như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về xử lý vi phạm lấn, chiếm đất đai, đất đã giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) đối với các trường hợp đủ điều kiện tiếp tục SDĐ; pháp luật về an toàn giao thông, đất đai và các chế độ chính sách khác.

Tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp TTPBGDPL năm 2009 được tổ chức trong tháng 4 vừa qua, các đại biểu đã phân tích tính hiệu quả của các hình thức TTPBGDPL. Trong các hình thức TTPBGDPL được sử dụng thường xuyên, như tuyên truyền miệng; thông qua tài liệu và các hình thức khác là hoạt động hòa giải cơ sở, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động của CLB pháp luật ở cơ sở, qua phiên tòa xét xử lưu động… Mỗi hình thức đều quan trọng và có những đối tượng riêng của mình. Nhưng, tuyên truyền miệng là hình thức chuyển tải thông tin, kiến thức pháp luật một cách trực tiếp, dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất. Trong quá trình tuyên truyền miệng có sự hỏi đáp, trao đổi, giải thích sẽ làm sáng tỏ những vấn đề mà đối tượng được tuyên truyền quan tâm. Hình thức tuyên truyền miệng không những thu hút sự chú ý của đông đảo cán bộ, nhân dân mà còn là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật rất hữu hiệu đối với nông dân và người lao động khác.

Năm 2008, Hội đồng Phối hợp công tác TTPBGDPL tỉnh và các ngành đã tổ chức tuyên truyền miệng tại 26 hội nghị, với hàng chục văn bản luật, thu hút khoảng 3.000 lượt người tham gia. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPL đã tổ chức 33 đợt TGPL lưu động, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn luật trên 2.350 trường hợp, tham gia tố tụng 90 vụ và đại diện ngoài tố tụng 5 vụ; thông qua hoạt động hòa giải cơ sở, đã tuyên truyền, giải thích pháp luật trên 1.400 trường hợp.

Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền miệng đòi hỏi các báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội đồng Phối hợp công tác TTPBGDPL các cấp, nhất là cấp xã, phường phải có kỹ năng truyền đạt, có kiến thức pháp luật thông suốt thì hiệu quả tuyên truyền mới cao. Tuyên truyền miệng còn áp dụng lồng ghép trong các vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và hòa giải cơ sở. Thế nhưng, thực tế hiện nay trình độ hiểu biết pháp luật của một số cán bộ cấp cơ sở còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng giải quyết một số vụ việc sai trình tự, thủ tục, thời hiệu. Nội dung và hình thức giải quyết không đúng quy định, khiến cho vụ việc giải quyết không kịp thời, không dứt điểm ngay tại cơ sở và xảy ra những vụ việc đáng tiếc, khiếu kiện đông người. Nếu có sự tuyên truyền, giải đáp pháp luật về KNTC và các luật về đất đai, môi trường, dân sự… cho người dân; chính quyền cơ sở giải quyết những thắc mắc của dân một cách kịp thời, hợp lý thì có thể các vụ tranh chấp, khiếu kiện này sẽ không xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác tiếp dân của UBND cấp xã chưa duy trì thường xuyên, còn mang nặng về hình thức. Khi tiếp dân chưa chú trọng tuyên truyền, giải thích hướng dẫn pháp luật, để kịp thời giải quyết những thắc mắc ngay từ cơ sở; còn mang nặng tính nguyên tắc hành chính, ít gần gũi với dân, chưa chú trọng công tác hòa giải cơ sở... Vai trò giám sát, tham gia của HĐND, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể và các ban thanh tra nhân dân ở cơ sở trong công tác giải quyết KNTC và thi hành các quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật chưa được phát huy, thậm chí có nơi không thực hiện.

Để công tác phối hợp TTPBGDPL mang lại nhiều kết quả thiết thực trong thời gian tới, Hội đồng Phối hợp công tác TTPBGDPL các cấp cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác trang bị kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, các tuyên truyền viên, báo cáo viên; phát huy những ưu điểm của hình thức tuyên truyền miệng và sử dụng các hình thức tuyên truyền khác một cách có hiệu quả.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh  (11/05/2009)
Bát cháo tình thương và “hơi ấm” tình người  (10/05/2009)
Quà cho mẹ  (10/05/2009)
Tổ chức Đại lễ Phật đản PL 2553  (10/05/2009)
Nhiều nỗ lực phát triển tổ chức Đảng và đảng viên   (09/05/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng các cơ sở, chức sắc Phật giáo tiêu biểu   (09/05/2009)
Những tấm lòng con nhà Phật  (08/05/2009)
Lắp đặt đường ống dẫn nước sạch cho trường Tiểu học số 1 Bình Tường  (08/05/2009)
Hơn 55.780 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH-CĐ  (08/05/2009)
Sớm triển khai quy hoạch sản xuất các mặt hàng chủ lực  (08/05/2009)
Thăm các vị chức sắc Phật giáo trong tỉnh  (08/05/2009)
Nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái  (08/05/2009)
Triển khai công tác đối phó với bão số 1  (07/05/2009)
UBND tỉnh chỉ đạo xử lý vụ dầu tràn dọc bờ biển  (07/05/2009)
Đoàn thanh kiểm tra liên ngành VSATTP Trung ương làm việc tại tỉnh ta  (07/05/2009)