Với những người ngoại đạo, đó là những quán cà phê mà khách đến quán lúc nào cũng có thể vừa uống nước vừa được nghe chim hót. Còn với dân trong nghề chơi chim thì đó đích thị là những “trường chim” - một khái niệm cũng tương tự như trường gà, trường ngựa, nhưng lại nhẹ nhàng và thi vị hơn nhiều.
|
Một buổi đấu chích chòe lửa tại trường chim Trúc Mai. Ảnh: N.S
|
* Say một thú chơi
Đúng hẹn, trưa thứ Hai tôi đến quán cà phê Trúc Mai nằm trên đường Phùng Khắc Khoan (Quy Nhơn). Quán rợp bóng cây và náo nhiệt bởi cả trăm giọng chim: hôm nay đúng lịch thi đấu chích chòe lửa. Có đến gần trăm lồng chim treo khắp nơi trong quán: dưới mái hiên, giữa giàn ngoài trời, trên cành cây. Hầu hết khách trong quán đều đang chăm chú dõi mắt theo những chú “lửa” đang ra sức khoe giọng, khoe dáng, rồi bình luận, khen con này, trầm trồ con nọ. Ở góc quán, khoảng chục người đang chăm chú xem hai con “lửa” của anh Quốc và anh Sơn thi tài qua giọng hót và phong cách (độ dài đuôi, cách đánh đuôi, xòe đuôi, cách sàng cầu - chạy từ bên này qua bên kia lồng trên cây bắc ngang lồng). Hai chú “lửa” này đã đấu với nhau hai tiếng đồng hồ và chưa phân thắng bại.
Quy Nhơn có nhiều trường chim. Những trường chim lớn có thể kể đến là Trúc Mai, Tiếng Chim, Bình Minh, Sơn Ca, Anh Vũ. Đây là nơi những người chơi chim, giới mua bán chim thường xuyên lui tới để trao đổi kinh nghiệm, tổ chức thi đấu... Thường, mỗi trường chim sẽ chuyên về một loại, như chim đầu mũ (chào mào) thì có Bình Minh, Tiếng Chim; chích chòe than có Sơn Ca; trường Trúc Mai thì cả chích chòe than và lửa. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường chim chào mào quy mô nhỏ khác.
Sáng nào cũng vậy, trường chim Bình Minh (đường Phạm Hồng Thái) luôn nhộn nhịp khách ra vào. Người đi không, người xách theo lồng chim, song họ có chung niềm đam mê thả mình theo những bước nhảy và tiếng hót của chào mào trong các lồng treo đầy sân quán.
Anh Thịnh, người thường lui tới trường chim Trúc Mai, cho biết: “Tới trường chim có người chuyên chơi chim, mua bán chim; song cũng có người chỉ thứ Bảy, Chủ nhật mới mang chim đến hội họp cùng bạn bè, vì ngày thường họ bận đi làm. Thế nên vào hai ngày cuối tuần, hầu như trường chim nào cũng rất đông”.
* Nhân lên niềm đam mê
Nhân dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, anh Trần Văn Hà, chủ trường chim Bình Minh, đã giúp Công ty Cổ phần Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn đứng ra lo toàn bộ khâu tổ chức cho cuộc thi chim tại Khu du lịch Ghềnh Ráng. Anh Hà đã huy động được gần 20 người chơi chim tham gia cuộc thi. Chủ nhật vừa rồi, trường chim Olympic, ở thị trấn Diêu Trì, đã tổ chức thi chim chào mào. Trường Sơn Ca cũng vừa tổ chức một trận đấu giữa hai con chích chòe than mà khách là một người nuôi chim từ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) vào.
Tổ chức thi chim chỉ là một trong nhiều hoạt động của các trường chim. Tuy nhiên, hoạt động này ít được tổ chức, trừ trường hợp có nhà tài trợ hoặc các trường chim mới mở, muốn quảng bá hình ảnh của mình, vì chi phí lớn.
Còn lại, vai trò của các trường chim là làm điểm hẹn, cầu nối để những người yêu thích chim có thể tụ họp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ niềm đam mê hoặc mua bán, tổ chức thi đấu nội bộ để luyện chim… Chính vì thế, để mở trường chim, chủ trường trước tiên phải là một người yêu thích chim, am hiểu về chim. Anh Nguyễn Thế Kiệt, chủ trường chim Trúc Mai, cho biết: “Chủ trường chim nhất thiết còn phải có nhiều chim để khuấy động phong trào và phải có những con chim hay để cho khách mượn “dợt” (tức làm “đối thủ” để thử độ nhanh nhạy của con chim kia) hoặc để “tiếp” (tức so tài) với những chú chim do người chơi mang đến”.
Ngoài ra, trường chim cũng là nơi mà người chơi có thể gởi chim lại và hàng ngày đến chăm sóc, nếu không có điều kiện để chúng ở nhà. Như tại trường chim Sơn Ca, có một số chuồng chim chích chòe than do khách gửi. Anh Bình, một khách của trường chim này, cho hay: “Với loài chim đá như chích chòe than thì phải nhốt trong các chuồng rộng rãi để chúng bay nhảy, vận động nhiều cho khỏe, thì đá mới có lực, mới hay. Những người nhà chật hoặc không có sân vườn thường chọn giải pháp gởi chim tại trường như thế”.
Ngoài ra, dù trường chim chưa bao giờ được đề cập đến với tính chất khốc liệt, căng thẳng như trường ngựa, trường gà, nhưng cũng có một mảng ngầm khá “tế nhị” là cá độ. Có những trận đấu chim mà giá trị cá cược chỉ là chầu cà phê, bữa ăn sáng; nhưng cũng có những trận đấu tiền cá cược lên đến vài chục triệu đồng! Song hầu hết các ông chủ trường chim đều vì đam mê mà mở trường. Như anh Trần Văn Hà, có đến 80 con chào mào. Nội chuyện cho ăn và tắm rửa cho chúng cũng đã ngốn hết thời gian của anh. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, hoạt động của các trường chim đã mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ trường, đó là việc kinh doanh cà phê, nước giải khát, cũng như việc mua bán, trao đổi chim.
|