Sau hơn hai tháng triển khai thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động (NLĐ) mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, cho thấy: việc triển khai thực hiện quyết định này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
|
Hầu hết công nhân làm việc cho các DN ngoài quốc doanh đều không được ký hợp đồng lao động nên rất khó vay vốn để học nghề, tự tạo việc làm. Ảnh: N.P
|
* Chưa có DN nào đăng ký
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3.155 lao động mất việc; trong đó, các DN trong khu công nghiệp có 2.217 lao động mất việc, các DN ngoài khu công nghiệp có 938 lao động mất việc.
Với số DN gặp khó khăn, theo Quyết định của Chính phủ, được xét vay vốn, mức vay tối đa bằng số kinh phí, để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho NLĐ bị mất việc làm. Lãi suất vay là 0% tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thời hạn vay tối đa 12 tháng.
Theo Sở LĐ-TB&XH, đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng triển khai Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chưa có DN nào trên địa bàn tỉnh lập phương án đề xuất tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Mặc dù sau khi có Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính, Sở đã có thông báo gởi tới các DN.
Nguyên nhân chính dẫn đến các DN không mấy mặn mà với nguồn vốn vay này do thời điểm áp dụng và quy định bó hẹp hỗ trợ NLĐ mất việc chỉ trong năm 2009. Trong khi đó, rất nhiều DN gặp khó khăn lại rơi vào thời điểm cuối năm 2008. Ngoài ra, quy trình, thủ tục cũng là rào cản để DN tiếp cận vốn vay. Bởi muốn vay vốn, DN phải xây dựng phương án sắp xếp lao động báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để xác nhận. Đồng thời, DN phải nộp báo cáo tài chính quý gần nhất và báo cáo các nguồn tài chính của DN cho Sở Tài chính để xác nhận. Sau đó cơ quan cho vay là Chi nhánh Ngân hàng Phát triển căn cứ xác nhận của Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính rồi mới xem xét và xác định mức cho vay đối với DN...
* Lao động khó vay
Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính, thì NLĐ mất việc làm trong năm 2009 (bao gồm cả NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn) được vay vốn từ Quỹ Quốc gia Về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Về việc làm để tự tạo việc làm; được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội như đối tượng chính sách quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13.4.2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày NLĐ bị mất việc làm hoặc ngày NLĐ về nước.
Thủ tục vay vốn theo quy định hiện hành và kèm theo bản sao hợp đồng, bản thanh lý hợp đồng lao động. Riêng đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn, phải kèm theo bản sao hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoặc bản sao hợp đồng cá nhân và xác nhận của DN đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi NLĐ đăng ký hợp đồng cá nhân.
Đến nay, chính sách này cũng chưa triển khai được, bởi hầu hết NLĐ bị mất việc làm đều không được DN ký kết hợp đồng lao động. Mặt khác, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị thực hiện cho NLĐ mất việc vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, NLĐ nếu muốn được vay vốn, phải vào tổ vay vốn tại các thôn, xã. Sau khi được tổ vay vốn kết nạp, danh sách đó phải được chính quyền địa phương phê duyệt. Tiếp đó, chính quyền địa phương phải chuyển danh sách này cho Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện. Ngân hàng này đồng ý, NLĐ mới được vay tiền...
Trước những bất cập trên, UBND tỉnh đã cho thành lập một đoàn công tác đến một số DN để nắm tình hình, tổng hợp ý kiến để tỉnh có kiến nghị trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tháo gỡ.
|