Hội đồng hương (HĐH) là một tổ chức xã hội khá đặc biệt. Đó là nơi kết nối những người xa quê. Và hơn hết, thông qua những hoạt động từ thiện thiết thực, các HĐH đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương...
|
Hội đồng hương BĐ tại TP Hồ Chí Minh tặng học bổng Quang Trung cho học sinh nghèo. Ảnh: T.X |
* Hơn cả một nơi gặp gỡ…...
Trong các HĐH Bình Định (BĐ) trong cả nước, ra đời sớm nhất có thể kể đến HĐH Tam Quan tại TP Hồ Chí Minh (chính thức hoạt động từ năm 1993). Đến nay, Hội đã có hơn 400 thành viên, duy trì hoạt động thường xuyên. Năm 1995, HĐH BĐ - Tây Sơn ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động. Đến năm 1997, HĐH BĐ tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) chính thức ra mắt…
Tại TP Hồ Chí Minh, có hơn 200 ngàn người BĐ sinh sống, học tập. Ban Liên lạc HĐH BĐ tại TP Hồ Chí Minh hiện tại do Thiếu tướng Trần Tôn Thất, nguyên Tổng cục phó Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an, làm Chủ tịch. Hội quy tụ được phần lớn giới trí thức, doanh nhân BĐ thành đạt ở thành phố. Hội lấy ngày Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa (mồng 5 tháng Giêng âm lịch) làm ngày họp mặt.
Các HĐH thường xuyên tổ chức các hoạt động để người BĐ xa xứ luôn nhớ về cội nguồn. Như Lễ Giỗ vua Quang Trung vào 29 tháng 7 âm lịch (HĐH BĐ- Tây Sơn tại thị xã Long Khánh), Lễ Kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa (HĐH BĐ tại TP Vũng Tàu và HĐH BĐ- Tây Sơn). Đây là dịp để bà con người BĐ xa quê họp mặt thăm hỏi, động viên nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Mặt khác, hoạt động này còn góp phần giáo dục truyền thống quê hương cho lớp con cháu.
Ở phía Bắc, HĐH BĐ tại Hà Nội từ lâu cũng đã có những hoạt động quy tụ nhiều người BĐ. Hội thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt các thế hệ người BĐ, từ đó đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, những sinh viên BĐ đang học tập tại Hà Nội được gặp gỡ, trao đổi với những trí thức, doanh nhân thành đạt, được cổ vũ, động viên tinh thần học tập. Đồng hương gặp mặt không chỉ là để đỡ nhớ quê hương, để chia sẻ động viên, mà còn giúp tìm việc, trao học bổng cho SV…
|
Mổ mắt cho người nghèo là một hoạt động nằm trong chương trình giúp người nghèo tại quê nhà của HĐH BĐ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.X |
* Hướng về quê nhà...…
Tập hợp lại với nhau, việc làm quan trọng nhất của các HĐH là hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, gặp khó khăn ở quê hương.
Từ lâu, hoạt động của HĐH BĐ ở Hà Nội luôn gắn liền với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Nhiều hoạt động thiết thực của Quỹ này do Hội đứng ra tài trợ hoặc vận động tài trợ. Như ngày 19.3.2007, tại UBND xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn), HĐH BĐ ở Hà Nội đã tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 20 van dẫn thủy, trị giá 224 triệu đồng do bà con người Việt sống ở Mỹ quyên góp. Hội cũng vận động Báo Sài Gòn Giải Phóng tặng 60 triệu đồng làm kinh phí phẫu thuật. Trước đó, vào tháng 9.2005, Hội cũng đã vận động được 500 triệu đồng để hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh não úng thủy ở Bình Định. Đến tháng 8.2008, Hội trao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 18 triệu đồng để trao 37 suất học bổng, mỗi suất 500 ngàn đồng, cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi năm 2008. Đây là năm thứ 13 Hội hỗ trợ kinh phí cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao học bổng cho trẻ em nghèo, nâng tổng số tiền hỗ trợ trong 13 năm là 234 triệu đồng, với 482 lượt trẻ em nghèo được nhận học bổng.
Đối với HĐH BĐ tại TP Hồ Chí Minh, Hội có hẳn một chương trình hoạt động giúp người nghèo tại quê nhà. Cuối tháng 3.2009, Ban Liên lạc của Hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh tổ chức khám và mổ mắt miễn phí cho 200 người mù mắt ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Hội còn thành lập Quỹ Quang Trung vì người nghèo, đến ngày 30.10.2008, đã vận động được hơn 1,5 tỉ đồng và đã chi cho các hoạt động từ thiện hơn 500 triệu đồng.
Nói về các hoạt động của các HĐH, không thể bỏ qua công tác khuyến học. Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Công tác khuyến học của các HĐH được tổ chức tốt. Trong đó, 3 Hội có thành tích nổi trội là HĐH BĐ, HĐH Tam Quan, HĐH Mỹ Thọ tại TP Hồ Chí Minh. Các Hội thực hiện chủ yếu bằng 3 cách: cấp kinh phí cho Hội Khuyến học địa phương; trực tiếp về địa phương chọn đối tượng trao học bổng; tài trợ cho sinh viên nghèo ở TP Hồ Chí Minh”.
Tính đến nay, Quỹ học bổng Quang Trung của HĐH BĐ tại TP Hồ Chí Minh (thành lập từ tháng 9.2007) đã huy động được 1,5 tỉ đồng. Hai năm qua, đã có 217 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học trong tỉnh được nhận học bổng Quang Trung. HĐH Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), qua 13 lần trao học bổng, đã trao 226 suất trị giá 52 triệu đồng cho học sinh nghèo học giỏi. HĐH Tam Quan (Hoài Nhơn) cũng đã có 15 năm hoạt động tích cực trong công tác khuyến học, với tổng số tiền 155 triệu đồng. Hằng năm, Hội đều cử thành viên Ban Liên lạc về quê hương trao 24 suất học bổng cho HS nghèo học giỏi và 6 giải “Viên phấn vàng” để hỗ trợ cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn…
* * *
Có thể nói, hoạt động của các HĐH là rất cần thiết cho sự gắn kết cộng đồng. Bạn D.K, một sinh viên từng có thời gian học tập, làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Sống nơi đất khách, người thân không có, bạn bè cũng ít, nên mỗi lần được gặp đồng hương mình thấy rất vui. Lâu lâu gặp mặt người BĐ, thấy những chiếc xe máy biển số 77 xếp hàng cạnh nhau, lại thấy ấm áp hơn…”.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, các HĐH vẫn chưa nắm biết, thống kê tập hợp đầy đủ người BĐ, chưa có những hoạt động hỗ trợ, liên kết giúp nhau trong làm ăn cũng như chưa có những trợ giúp kịp thời cho những người BĐ gặp khó khăn, hoạn nạn. Mối quan hệ giữa HĐH và các tổ chức ở quê nhà chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Và, như nhiều bạn trẻ tâm sự trên các diễn đàn, HĐH chưa thật sự quan tâm đến việc hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho sinh viên BĐ…
|