KỶ NIỆM 119 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2009)
40 năm thực hiện Di chúc của Bác
8:4', 19/5/ 2009 (GMT+7)

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH (1890 - 1969)

Cách đây 40 năm, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”.

Từ ngày 10 đến ngày 14.5.1965, mỗi ngày Bác Hồ dành từ một đến hai tiếng để viết và đã hoàn thành bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, do chính Người tự đánh máy, ở cuối bản Di chúc đề ngày 15.5.1965. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của Tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 173/CT-TW, ngày 29.9.1969, về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, Chỉ thị nêu rõ: “Mục đích của đợt sinh hoạt chính trị này là, làm cho mọi người thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng ta, dân tộc ta và đối với cách mạng thế giới, thấy rõ hơn phẩm chất cách mạng cao đẹp, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm vươn lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện bằng được Di chúc của Người”.

40 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã triển khai thực hiện theo đúng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 40 năm đã qua, Di chúc của Bác Hồ vẫn in sâu và lắng đọng trong lòng mỗi người chúng ta, từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ.

Trong bản Di chúc, Bác quan tâm “Trước hết nói về Đảng”, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bác căn dặn phải chăm lo giáo dục và đào tạo thanh niên, Bác nói: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Đảng ta đã xác định thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, làm hết sức mình, góp phần quan trọng vào việc xây dựng “Khối đoàn kết giữa các đảng anh em” và phong trào cộng sản thế giới.

Cuối cùng, Bác nhấn mạnh điều mong muốn tha thiết là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứa đựng những giá trị to lớn về tư tưởng và tình cảm của Người, là những di sản bất hủ đối với các thế hệ mai sau. Di chúc mãi mãi là một áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người.

 

Năm 2009, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề: “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” gắn với Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất trong sáng, vĩ đại, lại rất gần gũi, cụ thể, gắn liền với cuộc sống và các mối quan hệ hằng ngày, hun đúc ý chí vươn lên mạnh mẽ của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau. Nâng cao ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tình cảm gắn bó với đồng chí, đồng bào và xây dựng nếp sống lành mạnh, giản dị… không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và viên chức, mà còn phù hợp với nhu cầu hoàn thiện nhân cách cá nhân, góp phần xây dựng gia đình văn hóa và dạy dỗ con cháu nên người…” (Trích trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, số  Xuân Kỷ Sửu 2009).

Tư tưởng của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta, chỉ lối và cổ vũ chúng ta tiến lên phía trước; phấn đấu thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hành động cách mạng, thực hiện đồng bộ cả ba nhiệm vụ, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

  • Lê Minh Tuấn

Bác làm gì trong những ngày sinh nhật?

Dõi theo Bác vào những lần sinh nhật lúc sinh thời chúng ta mới thấy được một nhân cách cao thượng luôn quên mình vì sự nghiệp cách mạng chung.

 

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (tháng 5 năm 1956). Ảnh: TL

 

Ngày 19.5.1955, Bác đã cho một đoàn học sinh “Cháu ngoan Bác Hồ” ở Hà Nội xem quả bí ngô nặng 15 kg của một người dân gửi biếu Bác nhân các cháu đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Ngày 19.5.1956, Bác gửi thư cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thư có đoạn viết: “Bác nhận được rất nhiều thư chúc thọ của các cô, các chú... Bác gửi thư này cảm ơn chung”.

Ngày 19.5.1957, Bác đi thăm chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) rồi về tiếp Chủ tịch Vôlôsilốp (Liên Xô). Tại buổi tiếp, Bác nói: “Quan sang muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Ngày 19.5.1958, Bác đi thăm chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây), ca ngợi cảnh đẹp và căn dặn nhân dân tích cực trồng cây.

Ngày 19.5.1959, Hà Nội Kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đi thăm cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc, thăm Nhà máy Rượu Hà Nội, vãn cảnh chùa Tây Phương.

Ngày 19.5.1960, nhằm tránh việc tổ chức sinh nhật lần thứ 70 của mình, Bác đi thăm Bắc Ninh (Trung Quốc) trước đó 2 ngày.

Ngày 19.5.1961, Bác đi Trung Quốc nửa tháng để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém và lần này Bác yêu cầu không tổ chức chúc thọ bất cứ hình thức nào. Tuy vậy, Bác vẫn hằng theo dõi tin tức trong nước, tặng quà cho các cháu sinh 3, tặng huy hiệu cho 2 cháu dũng cảm cứu bò khỏi chết cháy, lấy thân ngăn nước cứu đê.

Ngày 19.5.1962, Bác lại đi Trung Quốc để tránh nghi lễ mừng sinh nhật phiền phức. Bác dự dạ hội do các bạn Quảng Tây tổ chức và tại đây Bác bắt nhịp bài hát “Đông phương hồng”.

Ngày 19.5.1963, Quốc hội có ý tặng Bác Huân chương Sao Vàng, Bác nói: “Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng Quốc hội cho phép tôi chưa nhận, vì tôi tự thấy chưa xứng đáng. Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng bào miền Nam tặng thì tôi xin nhận”.

Ngày 19.5.1964, Bác lại đi thăm Côn Minh (Trung Quốc) từ ngày 11.5 để tránh phiền phức. Tối 19.5, Bác dự bữa cơm chúc thọ do vợ chồng đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí ở Quảng Châu tổ chức.

Ngày 19.5.1965, Kỷ niệm 75 năm Ngày sinh nhật của Bác, đúng 9 giờ sáng,  Bác đặt bút viết dòng đầu tiên của tài liệu “tuyệt đối bí mật” - bản Di chúc. Sau đó, Bộ Chính trị tranh thủ đến chúc thọ Bác, Bác nói: “Trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang kháng chiến gian khổ mà lại tổ chức chúc thọ cho một cá nhân là không nên”. Rồi Bác mang bánh kẹo ra chiêu đãi, dặn mọi người mang phần về cho người ở nhà.

Ngày 19.5.1966, Bác đi Trung Quốc chữa bệnh và tiếp tục viết Di chúc.

Ngày 19.5.1967, Bác lại đi Quảng Châu (Trung Quốc). Bác điện và cảm ơn đồng bào và nhân dân thế giới đã gửi điện chúc thọ Bác. Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai tặng Bác bức trướng “Nữ chiến sĩ du kích miền Nam” bằng cẩm thạch.

Ngày 19.5.1968, Bác xem và sửa lại tài liệu “tuyệt đối bí mật” và có bài thơ:

“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lợi

Tiến bước ta cùng con em ta”.

Ngày 19.5.1969, đúng 9 giờ sáng Bác ngồi tại nhà sàn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc.

Đúng 10giờ30, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu, Hội LHTNSV Sài Gòn - Chợ Lớn đến chúc thọ. 14 giờ 30 Bác lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên HTX Măng non (Hà Bắc) có thành tích chăm sóc trâu bò, tặng ảnh chân dung của mình cho cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An cũng như công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Đó là Kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 79, cũng là lần cuối cùng của Bác đón sinh nhật mình.

Quả thật Hồ Chí Minh cả cuộc đời không gợn chút riêng tư “Chỉ biết quên mình cho hết thảy”!

  • Trần Quý Cử

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đại hội thành lập Hội Người mù tỉnh Bình Định  (18/05/2009)
Bay lên ước mơ chinh phục bầu trời  (18/05/2009)
Nơi hội ngộ những tấm lòng xa quê   (18/05/2009)
Đình chỉ lưu hành 10 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (16/05/2009)
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em  (16/05/2009)
Hóa học là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2009-2010   (15/05/2009)
Cho 10.390 hộ dân vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch   (15/05/2009)
Chủ động, quyết liệt, kịp thời phòng, chống 2 dịch bệnh nguy hiểm   (15/05/2009)
Tầm vóc lịch sử Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh  (14/05/2009)
Bế mạc Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên  (14/05/2009)
Bị kiểm điểm, treo lương vì… tố cáo tiêu cực?  (14/05/2009)
Doanh nghiệp không mặn mà, lao động khó vay  (14/05/2009)
Tỉnh ta có 17 thí sinh tham gia  (14/05/2009)
Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động ở doanh nghiệp  (14/05/2009)
Hội nghị giao ban ngành TN-MT các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên  (14/05/2009)