KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN (19.5.1959 – 19.5.2009)
Những người làm nên con đường huyền thoại
9:3', 19/5/ 2009 (GMT+7)

50 năm trước, đường mòn Hồ Chí Minh ra đời, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975. Để làm nên con đường huyền thoại này, nhiều người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình, trong đó, có nhiều người đã ngã xuống...

 

Các bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa ôn lại kỷ niệm nhân dịp gặp mặt 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tổ chức tại Quy Nhơn. Ảnh: N.P

 

* Những người tiên phong

Ngày 19.5.1959, Bác Hồ đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện sức người và của cho cách mạng miền Nam và giúp nước bạn Lào, Camphuchia. Tuyến vận tải chiến lược đó mang tên “Đường Hồ Chí Minh”.

Lực lượng ban đầu gồm một tiểu đoàn giao liên làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, dẫn đường và gùi hàng vào miền Nam, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 301 (thuộc Đoàn 559), gồm 440 đồng chí, do đồng chí Võ Bẩm chỉ huy. Tuy mới bắt tay vào làm nhiệm vụ, nhưng Tiểu đoàn 301 đã dàn quân trên một địa bàn khá rộng, triển khai nhiệm vụ vừa mở đường vừa vận chuyển hàng trên nhiều hướng, lấy khu vực làng Ho (Quảng Bình) làm điểm xuất phát tiến quân.

Ông Trương Mai Thuấn, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, một trong những người có mặt đầu tiên ở Tiểu đoàn 301, nhớ lại: Thời gian này địch bắt đầu tập trung kiểm soát chặt chẽ vùng giới tuyến quân sự tạm thời từ hạ đến thượng nguồn sông Bến Hải, dọc đường 9 và các vùng biên giới Việt – Lào. Vì vậy nhiệm vụ phải giữ bí mật tuyệt đối theo yêu cầu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, gùi hàng tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng. Và chuyến hàng đầu tiên được giao cho chiến trường Trị Thiên vào tháng 8.1959. Sang năm 1960, từ Tiểu đoàn 301 ban đầu, thành lập thêm Trung đoàn 70, 71 với nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng vừa mở đường cho các đoàn hành quân. Ngoài gùi bộ, ta dùng thêm một số ngựa và voi để hỗ trợ chuyển hàng. Đến năm 1961, ta lập thêm nhiều phân đội mới vận tải bằng xe đạp thồ...

Đại tá Huỳnh Cao Sơn (nguyên Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn 71 (Đoàn 559), Chính ủy Binh trạm 33, 37 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), Chính ủy Trung đoàn 685) là người có mặt tại chiến trường Trường Sơn từ năm 1959 cho đến năm 1975, hiện ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn. Đối với vị đại tá về hưu này, cứ đến Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là những ký ức năm xưa lại ùa về. Ông Sơn tâm sự: “Không có đường Hồ Chí Minh thì không có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhiệm vụ của đơn vị lúc ấy ngoài vận chuyển hàng bằng gùi, thồ còn tham gia mở đường để vận chuyển hàng hóa và hành quân bằng ô tô. Sau một thời gian, hàng ngàn km đường đã được mở mới, nối dài, nhiều tuyến đường cũ đã được cải tạo làm bàn đạp cho xe cơ giới tiến công. Tháng 10.1965, đoàn xe cơ giới lớn đầu tiên hàng trăm chiếc đưa hàng vào sâu chiến trường, mở đầu cho giai đoạn vận tải cơ giới lớn và liên tục trên đường Hồ Chí Minh...”. 

 

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hôm nay.

 

* Máu có thể đổ, đường không thể tắc

Địch phát hiện con đường chiến lược đã tập trung lực lượng và hỏa lực đánh phá ác liệt, hòng ngăn chặn tuyến chi viện qua con đường này. Lúc này, các chiến sĩ công binh, lực lượng thanh niên xung phong với lời thề “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” đã bất chấp bom đạn, bám đường suốt ngày đêm, cho xe lăn bánh.

Trung tá Nguyễn Văn Trực, nguyên cán bộ Tiểu đoàn công binh 31, 33, 35 (thuộc Binh trạm 33), hiện ở phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn). Dù đã bước sang tuổi 82, những vết thương và chất độc hóa học trong thời gian làm bộ đội Trường Sơn đang ngày đêm hành hạ, nhưng khi nghe nhắc đến thời ác liệt ấy, ông lại say sưa kể: “Năm 1967, lúc này tôi đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 35, Tiểu đoàn có nhiệm vụ mở đường, làm đường, sửa đường, giữ đường bảo đảm giao thông cho tuyến đường trên địa bàn từ đường số 9 qua sông Sê Băng Hiên, vượt đèo Tha Mé đi vào ngã ba Sađi - Mường Noọng đến La Hạp của Lào, với tổng chiều dài gần 100km. Do đây là một trong những điểm trọng yếu của tuyến đường, nên địch trút bom phá hoại, hàng trăm, hàng ngàn quả bom các loại, từ B52, bom na-pan, bom hóa học, bom phát quang, bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi... ném xuống mặt đường. Bom nổ chậm và bom từ trường vùi sâu trong lòng đất, luôn rình rập gieo tai họa. Không những thế chúng còn rải đủ các loại mìn: mìn cóc, mìn vướng, mìn lá... để ngăn chặn không cho bộ đội ta sửa đường. Thế nhưng, khói bom chưa tan, từ trong các khe núi, góc rừng, máy ủi, xe ben và các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong lao ra sửa đường, thông xe”.

Ngày đó, các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong luôn với ý chí “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”. Do đó, những chuyến hàng được thông suốt vào các chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975.

Qua 16 năm (1959-1975), các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn khoảng 120 ngàn người, đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn. Xây dựng gần 20 ngàn km đường ôtô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu... Đã vận chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí cho các chiến trường; bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường. Đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá, san lấp 78.000 hố bom; phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại; đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20 ngàn tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại; bắn rơi hơn 2.450 máy bay các loại.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 - 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733 ngàn chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152 ngàn trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20 ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 30 ngàn người bị thương...

Năm 2000, con đường mòn năm xưa nay đã trở thành đại lộ mang tên Hồ Chí Minh được đầu tư nâng cấp thành tuyến giao thông huyết mạch Quốc gia thứ 2 (sau Quốc lộ 1A) kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau với tổng chiều dài 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km), chạy qua địa phận 30 tỉnh, thành phố.

  • Nguyễn Phúc

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Cô Lê Thị Ngọc Sương đang thồ hàng phục vụ mặt trận Quảng Ngãi, mùa khô 1972. Ảnh: Đoan Hùng

Cô Nguyễn Thị Xuân, ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn) - nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa, đã có hơn 10 năm tham gia tải đạn, lương thực ở Trường Sơn. Giờ đây, cô Xuân đã 65 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như ngày nào. Khi chúng tôi gợi nhớ về một thời “xẻ dọc Trường Sơn”, dòng hồi ức của cô tuôn chảy như mạch nguồn không cạn.

Từ một thiếu nữ mới 17 tuổi, ở làng quê nghèo của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), theo tiếng gọi vì miền Nam, cô xin vào lực lượng TNXP; nhưng gia đình ngăn không cho, vì bảo cô còn nhỏ. Thế là cô phải trốn gia đình làm du kích cho xã, rồi đăng ký tham gia lực lượng TNXP. Năm 1966, cô thoát ly lên Trường Sơn tải đạn, tải gạo chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Những ngày đầu tham gia tải hàng, do chưa quen cô chỉ dám đảm nhận 20-25kg, sau đó tăng lên dần. Có những chuyến hàng đột xuất cô phải gùi trên lưng đến 100kg, trong khi trọng lượng cơ thể cô không đến 50kg.

Trong thời gian từ năm 1966 đến 1972, cô đã tham gia tải hàng đi dọc đường Trường Sơn qua các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum... Đến năm 1973, trong một đợt chuyển hàng thì cô trúng bom, bị thương khá nặng, phải chuyển ra Bắc điều trị cho đến ngày giải phóng.

Còn cô Lê Thị Ngọc Sương, ở đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn), cũng từng tham gia TNXP khá sớm. Mới 14 tuổi, cô đã gia nhập lực lượng TNXP thuộc Liên đội Ngô Mây. Năm 15 tuổi, cô được chuyển lên Trung đoàn 240 để làm nhiệm vụ gùi hàng từ đồng bằng lên dự trữ ở các kho thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 1971, Trung đoàn 240 cho thành lập Đơn vị nữ vận tải 8.3, cô được chuyển về đây. Đơn vị chỉ toàn là nữ, nhiệm vụ vẫn là tải hàng, nhưng chuyển từ gùi sang thồ bằng xe đạp. Cô Sương tâm sự: “Lúc đó, tải hàng dưới làn bom, đạn của kẻ thù, cái chết lúc nào cũng cận kề, nhưng chị em chúng tôi chẳng biết sợ là gì. Có nhiều ngày hết gạo, phải ăn củ mì, bị cơn sốt rét rừng hành hạ, nhưng hàng vẫn được đảm bảo để phục vụ chiến trường miền Nam...”.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, không riêng gì cô Xuân, cô Sương mà còn có hàng ngàn cô gái khác đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn. Nơi đó vô cùng ác liệt, vượt xa sức chịu đựng của người con gái. Nhiều cô đã cống hiến tuổi thanh xuân, một số đã hy sinh xương máu trên đường Trường Sơn lịch sử, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, các nữ TNXP Trường Sơn về với cuộc sống đời thường. Mỗi người một hoàn cảnh thuận lợi có, khó khăn có. Thậm chí vì sức khỏe do những năm tháng tiếp xúc với bom đạn, chất độc hóa học có cô không thể lấy chồng; một số có chồng, nhưng ảnh hưởng chất độc da cam của Mỹ nên vô sinh hoặc sinh con bị dị tật...

  • Phạm Nguyễn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
40 năm thực hiện Di chúc của Bác  (19/05/2009)
Đại hội thành lập Hội Người mù tỉnh Bình Định  (18/05/2009)
Bay lên ước mơ chinh phục bầu trời  (18/05/2009)
Nơi hội ngộ những tấm lòng xa quê   (18/05/2009)
Đình chỉ lưu hành 10 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng  (16/05/2009)
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em  (16/05/2009)
Hóa học là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2009-2010   (15/05/2009)
Cho 10.390 hộ dân vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch   (15/05/2009)
Chủ động, quyết liệt, kịp thời phòng, chống 2 dịch bệnh nguy hiểm   (15/05/2009)
Tầm vóc lịch sử Ðường Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh  (14/05/2009)
Bế mạc Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên  (14/05/2009)
Bị kiểm điểm, treo lương vì… tố cáo tiêu cực?  (14/05/2009)
Doanh nghiệp không mặn mà, lao động khó vay  (14/05/2009)
Tỉnh ta có 17 thí sinh tham gia  (14/05/2009)
Điều tra thực trạng sử dụng và nhu cầu lao động ở doanh nghiệp  (14/05/2009)