Phong trào thi đua lao động sáng tạo (LĐST) trong công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) đã trở thành phong trào mũi nhọn, phát huy tiềm năng sáng tạo của người lao động. Nhiều công trình, đề tài, sáng kiến ra đời đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm…
|
Các phong trào thi đua LĐST cũng như thi tay nghề sẽ khuyến khích người lao động học tập, nâng cao tay nghề. Ảnh: Bá Phúc
|
* Xét chọn kỹ
Ngay từ đầu, công tác hướng dẫn, phát động phong trào thi đua LĐST trong CNVC-LĐ đã gắn với việc giáo dục nâng cao nhận thức, năng lực, trí tuệ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Phong trào được đông đảo CNVC-LĐ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng.
Trước khi Hội đồng xét duyệt LĐST cấp tỉnh xét duyệt thì các cấp Công đoàn đã phối hợp với Hội đồng thi đua đồng cấp chủ động nghiệm thu đề tài theo đúng quy trình dân chủ, khách quan. Điển hình như: ngành Giáo dục coi việc xét chọn, bảo vệ đề tài LĐST cấp ngành như một diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy; ngành Y tế có sự phản biện, góp ý một cách chân tình trên tinh thần nghề nghiệp, thông qua những thông tin khoa học, kinh nghiệm...
Phương pháp tổ chức và thời gian xét chọn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh diễn ra tương đối suôn sẻ, được tiến hành sớm hơn những năm trước. Những đơn vị chuẩn bị chậm đều không xét, thể hiện tính nghiêm túc, cũng như ý thức trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có đề tài. Hội đồng xét duyệt LĐST cấp tỉnh được kiện toàn, củng cố về nhân sự. Các thành viên của Hội đồng đã đi xuống cơ sở, lắng nghe, nắm bắt thông tin, góp ý kiến từng nội dung đề tài, để kịp thời chỉnh lý báo cáo, từ đó, đánh giá hiệu quả, tính khả thi, xác định giá trị làm lợi của đề tài về kinh tế-xã hội.
* Mang lại hiệu quả
Năm 2008, đã có 20 đề tài LĐST của 19 tác giả được Hội đồng xét duyệt LĐST của tỉnh xét chọn đề nghị và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng và huy hiệu LĐST. Trong đó, ngành Y tế có 5 đề tài, ngành Giáo dục có 5 đề tài, ngành NN - PTNT có 3 đề tài, Công đoàn Viên chức tỉnh có 3 đề tài, Bưu điện tỉnh có 1 đề tài và Công đoàn các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 3 đề tài.
Qua phong trào thi đua LĐST, đãõ xuất hiện nhiều đề tài tiêu biểu và điển hình, như: “Cải tiến hệ thống che chắn lưỡi cưa vòng, bảo đảm an toàn cho người lao động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh” của tác giả Đồng Thị Ánh (Công ty TNHH Ánh Việt). Trước đây, ở các phân xưởng sản xuất và chế biến gỗ trong tỉnh nói chung và Công ty nói riêng, cưa vòng thường có bộ phận che chắn khi lưỡi cưa bị đứt. Vật liệu để che chắn làm bằng tôn. Trong quá trình sản xuất, lưới cưa thường bị đứt không đảm bảo an toàn cho người lao động. Từ khi dùng lốp xe tải cũ gia công thay thế bộ phận che chắn bằng tôn và dùng sắt thiết kế bộ phận bên ngoài để cùm lớp bố, đảm bảo độ bền, chắc khi có sự cố xảy ra, bảo đảm an toàn cho người lao động, mỗi năm tiết kiệm trên 190 triệu đồng.
Đề tài “Cải tiến và chế tạo hệ thống định dạng chi tiết cong trên máy bào cuốn” của tác giả Vũ Thế Hảo và Nguyễn Đình Phượng (Xí nghiệp Chế biến Lâm sản Xuất khẩu PISICO), đã giúp tăng năng suất lao động, độ chính xác cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, không đòi hỏi công nhân có tay nghề cao như trước. Qua tính toán cho thấy, khi áp dụng giải pháp mới vào thực tiễn sản xuất, mỗi năm đã tiết kiệm chi phí 292 triệu đồng.
Đề tài “Cải tiến băng tải, tận dụng dây chuyền sản xuất phân bón một hạt để sản xuất phân bón bột chuyên dùng cho cây cà phê trong dây chuyền sản xuất phân bón NPK tại Nhà máy Phân bón Long Mỹ” của tác giả Nguyễn Đức Tấn và Trương Quang Minh (Nhà máy Phân bón Long Mỹ) tạo ra được sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng năng suất lao động và sản lượng sản phẩm; giảm hỏng rách bao bì. Vì vậy, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm...
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Năm nay, số lượng đề tài đăng ký LĐST chưa nhiều, nhưng tác giả của các đề tài được tặng bằng LĐST đã phân bổ đều khắp ở các ngành. Phong trào đã khuyến khích người lao động học tập, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Phong trào càng sâu rộng càng có lợi cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp có đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Người lao động có cơ hội thăng tiến, cải thiện thu nhập”.
|