Nhu cầu gửi trẻ của công nhân (CN) ở các khu công nghiệp (KCN) ngày càng cao, nhưng trường lớp lại quá thiếu. Hầu hết họ phải gửi con ở những điểm giữ trẻ gia đình, vốn tiềm tàng nhiều nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. CN đang mong ước có một nơi gửi trẻ an toàn, tin cậy…
|
Tại nhiều điểm giữ trẻ, việc dạy dỗ và chế độ dinh dưỡng hoàn toàn bị bỏ ngỏ. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: N.V.T |
* Gian nan chuyện gửi trẻ
Sau thời gian nghỉ sinh, chị Lan, CN gỗ, đi tìm chỗ gửi con gái. Đắn đo, suy tính mãi, cuối cùng chị phải chọn một điểm giữ trẻ gần nhà. Tại đây, đã có gần chục cháu từ 4 tháng đến 5 tuổi do một phụ nữ ngoài 50 trông coi.
Ba ngày đầu con đi nhà trẻ, về nhà đôi mắt con sưng húp, đỏ hoe… chị rất xót. Đến ngày thứ tư, chị đến đón bé sớm hơn và bắt gặp người giữ trẻ đang đút sữa đã nguội lạnh cho các bé uống chung một bình. Con gái chị và hai bé trai được đặt nằm dưới đất, lưng áo ướt đẫm nước tiểu do một bé lớn trong nhóm trẻ vừa tè ra. Hãi quá, chị thôi không gửi con ở đó nữa.
Chúng tôi đến một điểm giữ trẻ ở khu vực 5, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) lúc gần tối. Nhìn quanh, chẳng có một món đồ chơi nào cho trẻ. Sàn nhà là nơi các cháu ăn uống, chơi, ngủ, thỉnh thoảng kiêm luôn chức năng của “nhà vệ sinh”. Người giữ trẻ, một phụ nữ ngoài 40 tuổi đang cố đút cháo cho một bé trai vừa ăn, vừa “ngồi bô”. Bà còn gọi một bé gái lại gần, rồi đút cho bé một muỗng cháo.
Không riêng điểm giữ trẻ này, nhiều điểm giữ trẻ xung quanh KCN Phú Tài đều có chung đặc điểm là người giữ trẻ không được đào tạo bài bản, thiếu phương pháp sư phạm lẫn khả năng am hiểu tâm lý trẻ. Trẻ gửi ở đây chỉ được đáp ứng mỗi việc là… giữ; còn dạy cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của một đứa trẻ hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Thế nhưng, bố mẹ các bé vẫn không có sự chọn lựa nào khác. Ngày làm 2 ca, rồi tăng ca liên tục, không thể chăm sóc con. Mặt khác, lương của cả hai vợ chồng thường chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi các điểm giữ trẻ ở ngã ba Phú Tài đều lấy giá hơn 300 ngàn đồng/tháng, không cao so với mặt bằng chung nhưng đối với CN đã là một khoản “đáng kể”. Bà Phạm Thị Thanh, một người giữ trẻ, cho biết: “Nhiều CN đến năn nỉ tôi giữ theo ngày, có người chỉ trả 8.000 đồng/ngày. Thậm chí, có người còn xin tính theo buổi, để khi cúp điện hay hết hàng, đón con về cho đỡ tốn”.
Nhiều CN nữ chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con, đồng nghĩa với mất việc làm. Chị Trần Thị Phượng là một trường hợp như thế. Sau khi sinh con trai, vì không nhờ được người chăm sóc, nên chị phải ở nhà chăm con. Đến khi con 3 tuổi, chị mang con ra tận ngã ba Phú Tài gửi. Nghỉ sinh, mất việc ở công ty cũ, chị xin vào làm ở Công ty Cổ phần Phú Tài. Thế nhưng, số người may mắn tìm lại việc làm như chị Phượng không nhiều. Đa phần nữ CN mất việc phải đưa con về hẳn ở quê, quay lại với ruộng đồng…
|
Nhà trẻ cho KCN là niềm mơ ước của công nhân. Ảnh: Hoàng Vân |
* Mong đợi ngậm ngùi..…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thừa nhận, nhu cầu được gửi trẻ đảm bảo chất lượng và an toàn của CN là rất lớn. Nhiều cặp vợ chồng cưới nhau rồi rất băn khoăn trong việc quyết định sinh con vì sợ không tìm được nơi gửi trẻ. Nhiều nữ CN, vì muốn có con mà phải chấp nhận bỏ nghề, không thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. “Trong các văn bản pháp luật có quy định, khi thành lập các KCN, khu chế xuất phải quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà trẻ cho con CN… Nhưng trước đây, chúng ta chỉ chú trọng thu hút đầu tư mà không ràng buộc phần này. Nếu tình trạng này kéo dài, CN sẽ không yên tâm sản xuất dẫn đến ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” - ông Anh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, chỉ tính riêng KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ đã có hơn 2.300 CN đang làm việc, trong đó hơn 40% là CN nữ. Có đến 80% số CN nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Thiết nghĩ, để ổn định nguồn lao động trong các KCN, cùng với việc nâng cao thu nhập, các doanh nghiệp, ngành chức năng, những người có trách nhiệm không chỉ coi trọng đào tạo, nâng cao tay nghề mà còn phải chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, điều kiện ở, các loại hình vui chơi giải trí và nhất là xây nhà trẻ, trường mẫu giáo cho CN yên tâm gửi con khi đi làm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, hiện tại Liên đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về vấn đề này. Hướng giải quyết sắp tới là sẽ thành lập dự án xây nhà trẻ tại các KCN. Có hai phương án thực hiện: một là Nhà nước đầu tư, giao cho ngành giáo dục quản lý; hai là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (giao đất, miễm giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…) bỏ vốn xây dựng nhà trẻ.
Trong khi chờ các ngành hữu quan vào cuộc, xem ra CN còn đối mặt dài dài với nỗi khổ tìm nơi gửi con…
|