Đến tuần này, các trường phổ thông đã bắt đầu làm lễ bế giảng năm học 2008-2009. Mùa Hè đối với học sinh (HS) vẫn luôn là mùa của… nghỉ ngơi, vui chơi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh thì đầy lo lắng vì không biết làm thế nào để quản lý tốt con em trong dịp Hè.
|
Hè về, không có chỗ vui chơi, một nhóm học sinh tổ chức đá bóng ngay trong lòng đường Phạm Hùng (Quy Nhơn). Ảnh: N.Q
|
* Học Hè
Ngay từ những tháng cuối cùng của năm học, các trung tâm luyện thi, gia sư, các câu lạc bộ luyện viết chữ đẹp… đã đến các trường phổ thông phát tờ rơi quảng cáo mở lớp trong Hè.
Anh Hoàng Thúc (phường Ngô Mây, Quy Nhơn) có 2 con trai, một đã học xong lớp 8, một sắp sửa vào lớp 1, nêu quan điểm: “Cứ để tụi nó vui chơi cho thoải mái. HS đã phải “gò vào khuôn khổ” hơn 9 tháng trong năm học rồi. Hè là dịp để đá banh, chạy nhảy…”. Nhưng đó là với con trai anh, vốn học hành tấn tới, ngoan, hiền, lại có mẹ làm nội trợ ở nhà quản lý, trông coi, chứ nhiều bậc phụ huynh khác, không có ông, bà, có mẹ ở nhà, làm thế nào để “giữ” con trong 3 tháng Hè đang là chuyện “đau đầu”. Giải pháp được nhiều người lựa chọn là tìm thầy cho con học văn hóa (học trước chương trình), ngoại ngữ hoặc tham gia các lớp năng khiếu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi và các CLB.
Anh V. Công (phường Nhơn Bình) tỏ ra lo lắng: “Thằng bé nhà tôi năm học tới vào lớp 11, chuẩn bị thi đại học tới nơi, nhưng nó học hành chểnh mảng quá. Hè này phải tìm thầy cho nó ôn luyện là vừa. Với sức học trung bình của nó, tìm thầy giỏi chưa chắc đã hiệu quả. Bởi vậy, tôi vẫn muốn cháu được học một vài thầy cô giảng dạy phù hợp với sức học của nó…”.
Với những HS chuẩn bị thi chuyển cấp, thi đại học, lịch học thêm còn dày dặn hơn. V. Khoa (HS lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh) cho biết: “Em sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn sắp tới, nên ngoài tham gia lớp luyện thi do Trường Lê Quý Đôn tổ chức, còn phải học thêm một số thầy cô giáo khác…”. Con “chạy đua” với các kỳ thi như vậy, nên ba mẹ cũng phải đua theo. Ba của Khoa cho biết: “Mỗi ngày, phải 5-6 cuốc xe đưa đón con đi học cũng ảnh hưởng khá lớn đến công việc của mình. Nhưng để con đạp xe đi học thì lại không yên tâm…”.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, cho biết: “Tâm lý của đông đảo phụ huynh là muốn con học nhiều hơn chơi trong Hè. Đối với những thí sinh sắp bước vào các kỳ thi thì việc ôn tập là cần thiết, nhưng phụ huynh HS cũng nên lượng sức của con em mình...”.
Mới đây, báo Bình Định đã có bài cảnh báo về tình trạng trẻ em mắc bệnh tâm thần do học hành căng thẳng và sự kỳ vọng quá mức vào việc học của các bậc làm cha mẹ. Bởi vậy, có học thì phải có chơi… Bởi nếu Hè không phải là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bổ ích, thì ngành giáo dục đã không quy định thời gian nghỉ Hè.
* Quản lý HS trong Hè như thế nào?
Để chuẩn bị cho HS có một kỳ nghỉ Hè an toàn, vui tươi, bổ ích, tạo điều kiện tốt nhất cho các em bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường phổ thông kiện toàn Ban Chỉ đạo hoạt động Hè và chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động Hè phù hợp cho HS; chú ý nghiên cứu các nội dung và hình thức hoạt động theo chủ điểm “Hè vui, khỏe, bổ ích” (tài liệu hướng dẫn hoạt động ngoài giờ lên lớp cho giáo viên từ lớp 6 đến lớp 12); định hướng cho HS tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, Đội tại địa phương… Đặc biệt, phối hợp với gia đình HS quản lý con em, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội; chú ý đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra tình trạng chết đuối, té ngã…
Ngành GD-ĐT Tuy Phước là một trong những địa phương được đánh giá là tổ chức tốt các hoạt động cho HS trong dịp Hè. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết: Ban Chỉ đạo hoạt động Hè đã họp và đề ra kế hoạch hoạt động năm nay có phần phong phú hơn so với các năm trước với các cuộc thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ, “Phát thanh măng non”… Ngày 1.6 tới đây, huyện cũng sẽ tổ chức lễ bàn giao HS về địa phương quản lý và tổ chức các hoạt động Hè…”.
Dù tham gia vào hoạt động gì thì hầu hết thời gian trong Hè của HS vẫn phụ thuộc chính vào sự quản lý của phụ huynh. Vừa qua, có dịp đi khảo sát tình hình HS bỏ học ở các địa phương, không chỉ các trường phổ thông ở thành phố mà rất nhiều trường ở nông thôn, có cả ở vùng khó khăn, vùng xa… đã “kêu trời” trước vấn nạn HS bị lôi kéo, mê hoặc vào các tiệm internet, ham chơi, trốn học, dẫn đến bỏ học. Bởi vậy, các bậc phụ huynh HS hãy “để mắt” nhiều hơn đến con mình, nhất là trong thời gian nghỉ Hè và trang bị cho con khả năng “miễn nhiễm” đối với những hành vi không đúng đắn…
|