Hội của người khuyết tật - tại sao không?
8:20', 27/5/ 2009 (GMT+7)

Việc thành lập và tham gia vào các nhóm tự lực của người khuyết tật (NKT) đang trở thành một xu hướng bởi lợi ích thiết thực của mô hình này. Tuy nhiên, buổi tọa đàm về chủ đề trên, vừa được Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh tổ chức, đã cho thấy nhu cầu của NKT không chỉ dừng lại ở đó.

 

Thành lập một tổ chức hội cho riêng mình là nguyện vọng của nhiều người khuyết tật. Ảnh: N.S

 

* Khơi dậy tiềm năng NKT

Ngày 1.9.2001, nhóm Sức Sống (Quy Nhơn) - nhóm tự lực đầu tiên của NKT Bình Định - được thành lập gồm 5 thành viên ban đầu, với mục đích liên kết để giúp nhau vượt khó. Đến cuối năm 2002, nhóm đã có trên 30 thành viên, được Sở LĐ-TB&XH tỉnh công nhận. Đến nay, nhóm vẫn tồn tại nhưng dưới tên gọi là Chi hội khuyết tật Sức Sống, trực thuộc Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh. Cái “đinh” của nhóm Sức Sống chính là cơ sở chế tạo xe gắn máy ba bánh Hoàng Minh, do anh Võ Đình Minh làm chủ, đã dạy nghề và tạo việc làm cho rất nhiều NKT.

Sinh sau đẻ muộn hơn, nhưng hoạt động cũng đầy hiệu quả, là nhóm tự lực Niềm Tin (Vân Canh), do anh Nguyễn Trần Khiêm là Trưởng nhóm. Nhóm Niềm Tin ra đời vào năm 2007, làm dịch vụ mua bán, sửa chữa máy in, máy vi tính. Anh Khiêm nhớ lại: “Những ngày đầu hoạt động, chúng tôi gặp hai khó khăn lớn là thiếu vốn và không có khách hàng. Có khó khăn thứ hai là do nhiều người, hoặc thiếu tin tưởng vào khả năng của NKT, hoặc nghĩ chúng tôi vừa làm vừa kêu gọi tài trợ, nên giá sẽ cao. Chúng tôi biết vậy và chủ trương lấy chất lượng làm tiêu chí, giá cả thì rất cạnh tranh. Nhờ vậy, dần dà cơ sở đã có khách. Năm 2008 vừa rồi, chúng tôi còn liên kết với một trung tâm tin học ở Quy Nhơn mở chi nhánh đào tạo tin học văn phòng cho cả trăm học viên”.

Ngoài ra, còn có các nhóm tự lực khác hoạt động cũng hiệu quả, như nhóm Nguyễn Nga với việc tổ chức cho NKT học các nghề đan, thêu, may, chế tác đá quý; nhóm tự lực Quy Nhơn với hai nhóm nhỏ, một làm nghề cơ khí và dịch vụ in lụa, một đan giỏ dùng cắm hoa tươi đang triển khai; nhóm Đồng Tâm với nghề may và đan mây...

Có thể thấy, dưới hình thức các nhóm tự lực, NKT đã đoàn kết, giúp nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tình cảm, tư vấn dạy nghề, tạo việc làm. Cũng qua các nhóm tự lực, có thể thấy được ý chí, nghị lực và sự kiên cường của nhiều NKT khi xác định “không đầu hàng số phận”.

Nói về vai trò của các nhóm tự lực đối với NKT, anh Võ Đình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Sức Sống, nhận định: “Không chỉ hỗ trợ nhau tháo gỡ khó khăn về việc làm, học nghề, phục hồi chức năng, chia sẻ tình cảm, kiến thức… các nhóm tự lực còn giúp NKT tự tin hơn nhờ biết cách phát huy tiềm năng bản thân. Các tổ chức tự lực là nơi khơi dậy sức mạnh cho từng thành viên ở mức cao nhất mà khả năng họ có thể”.

* Một tổ chức hội của NKT

Tuy nhiên, nhu cầu của NKT không chỉ dừng lại ở đó. Tại buổi tọa đàm, nhiều NKT đã tha thiết với nguyện vọng muốn thành lập một tổ chức hội của NKT.

Anh Võ Đình Minh nêu ý kiến: “Cả nước đã có Hội NKT, nhiều tỉnh cũng đã có tổ chức hội, sắp tới lại ra đời Liên hiệp Hội NKT. Vì vậy, chúng tôi rất muốn được thành lập Hội NKT Bình Định”. Anh Lê Chí Sĩ, Trưởng nhóm tự lực Quy Nhơn, nhấn mạnh: “Rất cần Hội NKT để NKT chúng tôi có tư cách pháp nhân, từ đó, có cơ sở để kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cũng như tham gia vào các vấn đề xã hội”. Chị Nguyễn Thị Dư, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hiệp (chị Dư là NKT và Công ty Thành Hiệp đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là NKT), cũng khẳng định: “Chúng tôi muốn có Hội NKT vì có Hội, thì tiếng nói của NKT mới có sức nặng hơn”.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, cũng đồng quan điểm: “Rất cần có một tổ chức của NKT để tập hợp, đoàn kết những NKT lại với nhau, để họ giúp nhau trong cuộc sống. Điều quan trọng nhất mà những người đứng ra vận động thành lập Hội cần phải có, theo tôi là 4 chữ T: tâm, tài, tín, tiền”.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Ban hành động vì sự hòa nhập của NKT (Tổ chức IDEA) tại Hà Nội, đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến cách tổ chức và xây dựng các nhóm tự lực của NKT cũng như thành lập Hội NKT. Theo chị Nguyễn Hồng Oanh, Phó Ban hành động vì sự hòa nhập của NKT, muốn thành lập Hội NKT phải lên kế hoạch cụ thể về quá trình thành lập, mà trước tiên là phải có ban vận động thành lập Hội NKT. IDEA cũng cho biết, họ không thể giúp đỡ các hội NKT về vật chất, nhưng có thể giúp đỡ về các kỹ năng cũng như giúp các hội nâng cao năng lực hoạt động.

Như vậy, có thể thấy, thành lập một tổ chức hội cho riêng mình là nhu cầu chính đáng của nhiều NKT trong tỉnh. Thông qua Hội, các nhóm tự lực và NKT sẽ có điều kiện thuận lợi để đoàn kết, tập hợp, giúp nhau trong công việc và cuộc sống cũng như được “danh chính ngôn thuận” vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Để làm được điều đó, ngoài tinh thần tự lực, NKT rất cần sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) và tiêu chảy cấp ở tỉnh ta  (27/05/2009)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (26/05/2009)
Khai mạc Đại giới đàn Giác Tánh  (26/05/2009)
4.400 lao động được đào tạo nghề miễn phí  (26/05/2009)
Hè về !  (26/05/2009)
Mưa lớn gây lũ tiểu mãn ở Phù Cát, Tuy Phước  (25/05/2009)
Thí sinh Đỗ Thị Thanh Liêm đoạt giải Nhất  (25/05/2009)
Tăng cường quản lý nhà nước về lao động  (25/05/2009)
Mong đợi ngậm ngùi…   (24/05/2009)
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Bảo tàng Quang Trung và Trung đoàn Không quân 940  (24/05/2009)
Thành lập Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn  (23/05/2009)
Gần 1 ngàn lượt lao động tham gia  (23/05/2009)
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm và làm việc tại Bình Định  (23/05/2009)
Thư Chủ tịch nước nhân ngày phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai 2009  (22/05/2009)
Nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên  (22/05/2009)