TRƯỚC NGUY CƠ DỊCH CÚM A/H1N1 XÂM NHẬP:
Nỗ lực ngăn chặn là thượng sách
7:56', 28/5/ 2009 (GMT+7)

Dịch cúm A/H1N1 xảy ra đầu tiên tại Mexico vào khoảng trung tuần tháng 4.2009 và lây lan với tốc độ rất nhanh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chúng ta đang ở mức cảnh báo đại dịch giai đoạn 5: giai đoạn sắp xảy ra dịch bệnh trên diện rộng với quy mô toàn cầu. Hiện chưa có vắc-xin phòng dịch cúm này nên nỗ lực chặn đứng hoặc ít ra là làm chậm sự lây lan của dịch được coi là thượng sách.

 

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là giải pháp hiệu quả để phòng virus cúm A/H1N1. - Trong ảnh: Thực tập rửa tay bằng xà phòng ở Trường Tiểu học Ngô Mây (Quy Nhơn). Ảnh: Thu Hiền

 

Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 26.5.2009, nghĩa là chỉ sau khi phát hiện ca dịch cúm A/H1N1 đầu tiên hơn một tháng, đã có 12.954 ca nhiễm cúm A/H1N1 được ghi nhận tại 46 quốc gia và đã có 92 người chết. Hoa Kỳ là quốc gia có số ca mắc nhiều nhất: 6.764 ca (chết 10), tiếp theo là Mexico 4.174 ca (chết 80), Canada 921 ca (chết 1). Cúm A/H1N1 cũng đã lan tới châu Á và đến thời điểm 26.5.2009, ở Nhật đã có 350 ca, Hàn Quốc 21 ca, Trung Quốc 20 ca, Kuwait 18 ca, Thái Lan 2 ca, Malaysia 2 ca, Ấn Độ 1 ca… Đặc biệt, số ca mắc tại Nhật đã tăng nhanh hằng ngày và có hiện tượng lây truyền từ người sang người tại cộng đồng.

Trước khả năng lây lan nhanh chóng của bệnh dịch, WHO đã kêu gọi các nước hãy cùng vào cuộc để sẵn sàng đối phó với một dịch cúm nguy hiểm.

Tại Việt Nam, vấn đề phòng chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Bộ Y tế đã nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu giám sát y tế khắt khe. Tất cả Sở Y tế trên toàn quốc, các Trung tâm Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực, các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phát hiện sớm, để sẵn sàng ứng phó với các ca mắc cúm được xác định mà cụ thể là giám sát chặt chẽ các trường hợp cúm, viêm phổi nặng; thông báo kịp thời diễn biến dịch trên thế giới và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị để phòng trường hợp dịch lớn xảy ra.

Việc tăng cường kiểm soát cũng được thực hiện tại các cửa khẩu sân bay và biên giới. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000-5.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các khu vực có dịch trong đó có thể có bệnh nhân cúm A/H1N1 chưa biểu hiện bệnh. Do đó, theo các chuyên gia y tế, nguy cơ dịch cúm A/H1N1 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch, Bộ Y tế đề nghị các Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố phải có đường dây nóng, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về tình hình dịch cúm, người dân được tư vấn để tránh hoang mang; các Trung tâm Y tế dự phòng cử người trực, giám sát 24/24 giờ các bệnh viện, các cơ sở điều trị trên địa bàn để phát hiện sớm ngay trường hợp đầu tiên và xử lý kịp thời không để dịch lây lan; các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế gửi danh sách những trường hợp về từ vùng có dịch cho y tế địa phương để theo dõi, đồng thời gửi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường).

Để chủ động phòng chống dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng chống dịch cúm A/H1N1:

1. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng; sử dụng thường xuyên thuốc sát trùng đường mũi họng; làm thông thoáng nơi ở, hạn chế sử dụng điều hòa.

2. Các hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch trong vòng 7 ngày qua phải theo dõi sức khỏe bản thân và thông báo với các cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, theo dõi theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

3. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị mắc bệnh, thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ biến chứng dễ dẫn đến tử vong.

4. Khi có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A/H1N1 thì thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115, Fax: 043 7366 241, Email: baocaodich@gmail.com). 

Các cuộc nghiên cứu gần đây đều chứng minh rằng, trên một diện tích da rất nhỏ của người chứa rất nhiều vi khuẩn, chúng “ẩn nấp” và thường không nhìn thấy được. Số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay, vốn là nơi thường xuyên tiếp xúc với mọi vật trong cuộc sống thường ngày.

Vì thế, trước tình hình dịch cúm A/H1N1 ngày một lan rộng và có nguy cơ tử vong cao, một trong những khuyến cáo quan trọng là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ mà hiệu quả nhất là rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt tại những thời điểm sinh hoạt như: khi chuẩn bị nấu ăn, trước khi ăn, sau khi về đến nhà, sau khi tiếp xúc với đám đông, sau khi bắt tay với người có dấu hiệu bệnh cảm, sau khi ho, hắt hơi, sau khi chơi với động vật và nhất là sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý chỉ nên chọn các sản phẩm xà phòng đáng tin cậy về khả năng diệt khuẩn để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Canh Thuận phải khai thác có hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp  (28/05/2009)
Ba mẹ con bị nước lũ cuốn trôi  (27/05/2009)
Trưởng thôn xén tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết  (27/05/2009)
Hội của người khuyết tật - tại sao không?  (27/05/2009)
Kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) và tiêu chảy cấp ở tỉnh ta  (27/05/2009)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (26/05/2009)
Khai mạc Đại giới đàn Giác Tánh  (26/05/2009)
4.400 lao động được đào tạo nghề miễn phí  (26/05/2009)
Hè về !  (26/05/2009)
Mưa lớn gây lũ tiểu mãn ở Phù Cát, Tuy Phước  (25/05/2009)
Thí sinh Đỗ Thị Thanh Liêm đoạt giải Nhất  (25/05/2009)
Tăng cường quản lý nhà nước về lao động  (25/05/2009)
Mong đợi ngậm ngùi…   (24/05/2009)
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Bảo tàng Quang Trung và Trung đoàn Không quân 940  (24/05/2009)
Thành lập Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn  (23/05/2009)