BÊNH NHÂN ĐIỀU TRỊ TẠI BÊNH VIỆN LAO VÀ BỆNH PHỔI TỈNH:
Nhọc nhằn từng bữa ăn
10:6', 31/5/ 2009 (GMT+7)

Nằm viện điều trị, bệnh nhân (BN) và người nhà chấp nhận điều kiện sinh hoạt không đủ đầy. Nằm viện tại một bệnh viện (BV) không có bếp ăn như BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, chuyện “chén cơm bát canh” càng nhọc nhằn hơn…

 

Bệnh lao và bệnh phổi là loại bệnh truyền nhiễm, nên nhiều bệnh nhân không được người thân quan tâm chăm sóc.

 

Bốn rưỡi chiều, chúng tôi có mặt tại BV Lao và Bệnh phổi tỉnh (khu vực 5, phường Nhơn Phú, Quy Nhơn). Mọi người đang lục đục nấu bữa cơm chiều trong một căn phòng cũ kỹ, ẩm thấp, xung quanh còn nhiều cỏ dại, rác bẩn.

Vừa nhóm bếp, anh Phương (quê ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) vừa kể chuyện. Cha anh nhập viện đã gần 20 ngày, các con phải thay phiên nhau vào chăm sóc cha. Anh ở đây đã hơn tuần. Anh bảo, trời nóng bức, người lành lặn còn ăn không nổi, huống chi mấy người bị bệnh. Mấy ngày đầu vào viện, mua cơm hộp về, cha anh chỉ ăn được vài muỗng là bỏ. Cơm hộp đầy dầu mỡ, ngày nào cũng mấy món quen thuộc, nhiều người điều trị lâu dài ở đây đến bữa đều cố gắng nấu chén cơm nóng cho dễ ăn. Thương cha, ngày nào anh Phương cũng ra chợ, mua thức ăn về cặm cụi nhóm lửa, sửa soạn chút cơm canh. Nhân tiện, có người nhờ, anh bỏ thêm nắm gạo, đổ thêm tí nước vào nồi canh, san sẻ chén cơm, bát canh cho những BN không có người nhà chăm sóc…

 

                                         Chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

 

Trong số những người tôi hỏi chuyện, có lẽ, bà Đinh Thị Đen (người H’rê, ở thôn 2, thị trấn An Lão, huyện An Lão) là người có thời gian gắn bó với BV lâu nhất. Chồng bà là thương binh, bị bệnh lao trở đi trở lại. Mỗi lần ông nằm viện, bà lại “tay xách nách mang” đủ thứ xoong nồi, gạo mắm xuống lo cơm nước cho chồng.

Trong khi đó, những BN nhà ở gần BV thì được người thân mang cơm nước đến. Như chị Thơ, nhà ở xóm Tiêu (phường Quang Trung, Quy Nhơn) thường mang cơm lên cho chồng. Nhưng số này không nhiều. Đa phần BN ở đây vẫn ăn cơm hộp ở những quán cơm gần BV. Tất nhiên, khi ấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, liều lượng dinh dưỡng gần như bị thả nổi…

Trong BV hiện cũng có căng tin, nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ cơm trưa cho cán bộ, nhân viên của BV là chính. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, BV cũng có nhà bếp để BN tự nấu, nhưng giờ đã xuống cấp. Nên dù muốn dù không, BV cũng không thể cấm BN và người nhà nấu nướng trong khuôn viên BV.

Bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: “Hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho BN và người nhà đang là một vấn đề khá bức xúc. Ban giám đốc BV mong các đơn vị, cá nhân có điều kiện đầu tư xây dựng bếp ăn trong BV. Nếu thực hiện được mô hình bếp ăn tình thương như các địa phương khác trong tỉnh đã làm, BV sẽ nhiệt tình ủng hộ”.

Theo bác sĩ  Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, hiện nay BV còn gặp khó khăn trong việc giúp đỡ những BN trong diện chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo xin ăn, đặc biệt là các BN nhiễm HIV bị gia đình bỏ rơi. “Đặc thù của bệnh lao là dễ lây lan, lại thêm định kiến xã hội, nên nhiều BN thiếu sự quan tâm chăm sóc của người nhà. Từ đó, nhu cầu được hỗ trợ bữa ăn là rất lớn. Nhiều đối tượng chúng tôi đã làm thủ tục xuất viện nhưng vẫn ở lại BV để xin ăn. Dù rất cố gắng, chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ cho mỗi đối tượng được 40 ngàn đồng/ngày, nhưng số lượng cũng rất hạn chế” - ông Thanh cho biết.

Đến thăm khoa Lao, chúng tôi được chị Đặng Thanh Thủy, điều dưỡng trưởng, cho biết: hiện ở khoa Lao có 2 trường hợp được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, đó là BN Đinh Văn Ước (dân tộc H’rê, ở huyện An Lão) và BN Đoàn Văn Cọt (dân tộc Chăm, ở huyện Vân Canh). Chị Thủy chia sẻ: “BV chỉ giúp những trường hợp quá ngặt nghèo; còn nhiều trường hợp khác, dù biết là có hoàn cảnh khó khăn nhưng chúng tôi cũng chỉ động viên họ cố gắng tự lo lấy, vì quỹ phúc lợi của BV có hạn”.

Hiện tại, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh có 9 khoa phòng, 130 giường bệnh, điều trị thường xuyên cho 130-140 bệnh nhân. Theo bác sĩ Thanh, BV chưa thực hiện xã hội hóa nên còn nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động, ảnh hưởng đến chế độ chính sách, đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên. 2 năm qua, BV đã “thất thoát” 3 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, nhiều y tá có tay nghề cũng bỏ việc. Thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến chế độ dinh dưỡng cho BN chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. “Nếu được đầu tư kinh phí, BV sẽ cố gắng xây dựng một bếp ăn an toàn cho BN” - bác sĩ Thanh khẳng định.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
5.400 nông dân được tập huấn nghề  (30/05/2009)
Tập trung cho các huyện, xã nghèo  (30/05/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình tiếp Đoàn công tác của New Zealand  (29/05/2009)
Những thách thức và cơ hội  (29/05/2009)
Hội thảo “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu”  (28/05/2009)
Công nhân học nghề miễn phí  (28/05/2009)
Thêm cơ hội tìm việc  (28/05/2009)
Nỗ lực ngăn chặn là thượng sách  (28/05/2009)
Canh Thuận phải khai thác có hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp  (28/05/2009)
Ba mẹ con bị nước lũ cuốn trôi  (27/05/2009)
Trưởng thôn xén tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết  (27/05/2009)
Hội của người khuyết tật - tại sao không?  (27/05/2009)
Kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) và tiêu chảy cấp ở tỉnh ta  (27/05/2009)
Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1)  (26/05/2009)
Khai mạc Đại giới đàn Giác Tánh  (26/05/2009)