Điểm tựa cho ngư dân trên biển
7:39', 3/6/ 2009 (GMT+7)

Mỗi khi hết gạo, hết nước ngọt vì bão phải sống dài ngày trên biển hay có người gặp nạn, đau ốm trên tàu không về đất liền kịp, thì các hòn đảo của quần đảo Trường Sa là chỗ dựa tin cậy của ngư dân.

 

Ngư dân Bùi Tèo được quân y đưa từ đảo Song Tử Tây lên tàu HQ 996 để về đất liền tiếp tục điều trị.

 

* Điểm tựa trong bão tố

Đời ngư dân thường đối diện với bão tố, cuồng phong. Trên hành trình dài ngày của các tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân thường chuẩn bị một lượng lương thực, thực phẩm nhất định. Thế nhưng, khi gặp bão hoặc áp thấp nhiệt đới, cần tránh trú ở đâu đó, chỉ cần dài hơn lịch trình 4-5 ngày thì từ lương thực, thực phẩm, nước uống đến dầu chạy tàu đều cạn. Những lúc như thế, giữa biển khơi, ngư dân chỉ còn biết trông cậy vào lính đảo.

So với các đảo nổi khác ở Trường Sa thì Trường Sa Đông là đảo khó cập bến nhất, bởi bao quanh đảo là những rạn san hô. Tàu chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho lính đảo Trường Sa Đông muốn cập bến phải chờ nước lên và cập từø xa, thế nhưng mỗi năm đều có hàng chục tàu cá của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa... cập đảo vì hết lương thực, nước uống.

Đại úy Đỗ Thế Tuyến, Đảo trưởng Trường Sa Đông, cho biết: “Cũng có những tàu cá của ngư dân không thể cập được đảo, chỉ thả neo ở cách xa hơn cây số và phát lệnh cấp cứu. Những lúc như thế, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải vượt sóng mang lương thực, thực phẩm đến tàu để cứu hộ cho ngư dân”.

Hôm đến thăm đảo Đá Tây, các chiến sĩ trên đảo kể rằng vừa cứu được 8 ngư dân tàu đánh cá BĐ-1763 TS do ông Nguyễn Văn Tố, ở Hoài Nhơn làm thuyền trưởng. 3 giờ sáng ngày 31.3.2009, tàu BĐ-1763 TS đang đánh bắt cá ngừ đại dương thì bị sóng đánh va vào rạn san hô và chìm. Trong lúc chuẩn bị rời tàu thì ngư dân thấy chiếc điện thoại di động sử dụng mạng Viettel có sóng. Thế là họ vừa gọi điện về nhà thông báo cứu hộ, vừa đốt quần áo làm ám hiệu cấp cứu. Ngay sau nhận tín hiệu, cán bộ, chiến sĩ ở đảo Đá Tây đã kịp thời đến nơi, cứu các ngư dân và đưa vào đảo Trường Sa Đông chăm sóc. 10 ngày sau, một tàu cá Bình Định đánh bắt gần đó đã vào và đưa 8 ngư dân này về đất liền.

Không riêng gì ở Trường Sa Đông, Đá Tây mà các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lát, Đá Lớn... mỗi năm đều tổ chức cứu nạn cho hàng chục tàu cá của ngư dân gặp nạn, cũng như cung cấp lương thực, nước uống, thậm chí giúp dầu cho các ngư dân.

Đại tá Mai Tiến Tuyên, Phó Chính ủy Vùng D Hải quân, cho biết: “Ngoài việc giúp đỡ lương thực, cứu nạn cho ngư dân, tháng 4.2009, đảo Song Tử Tây cũng đã đưa vào sử dụng âu tàu, trạm cung ứng xăng dầu cho ngư dân. Âu tàu có thể đảm bảo cho 100 tàu thuyền vào trú bão an toàn, còn trạm xăng dầu được bán với giá ngang với đất liền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản quanh khu vực quần đảo Trường Sa”.

 

Trạm cung ứng xăng dầu cho ngư dân tại đảo Song Tử Tây.

 

* Cứu chữa miễn phí trên biển

Không chỉ khi có bão, áp thấp nhiệt đới, mà ngay cả những lúc trời yên biển lặng, không ít tàu đánh cá của ngư dân cũng cập vào các đảo để xin thuốc men. Trong hành trình gần một tháng của những tàu đánh bắt xa bờ, với trung bình mỗi tàu 10 ngư dân, cũng khó tránh những lúc người này đau bụng, người kia bị ngộ độc do ăn phải một loài thực phẩm nào đó vừa bắt từ biển lên hoặc bị tai nạn trong lúc hành nghề.

Do thuốc men mang theo trên tàu thường có hạn, nên khi cần thiết, không cách nào khác, tàu cập đảo để xin cấp cứu. Tại trạm xá các đảo, danh sách các ngư dân, trong đó có ngư dân Bình Định, gặp nạn, ốm đau lên đảo điều trị mỗi năm khá nhiều. Trong số những ngư dân Bình Định lên đảo điều trị có trường hợp ngư dân Trịnh Đan, ở Hoài Nhơn, đánh bắt cá trên tàu BĐ-0812 TS, bị tăng huyết áp, suy tim được đưa vào đảo Trường Sa Đông trong tình trạng nguy kịch và đã được các bác sĩ ở đây cứu chữa kịp thời...

Hôm chúng tôi đến thăm đảo Song Tử Tây, cũng là lúc các quân y trên đảo đang tận tình cấp cứu một ngư dân Quảng Ngãi trên tàu QNg-8388 gặp nạn. Đó là ngư dân Bùi Tèo (36 tuổi, ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ), do sơ suất bị trục cáp cuốn vào gây tổn thương vùng lưng, cổ và bị bỏng nặng, bất tỉnh. Sau khi được các quân y chăm sóc, anh Tèo thoát khỏi nguy kịch và được tàu HQ 996 đưa vào đất liền để tiếp tục điều trị.

Thượng tá, bác sĩ Đào Thanh Tùng, Trưởng Bệnh xá Song Tử Tây, cho biết: “Hiện tại, mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều có trạm xá và một tổ quân y. Đội ngũ quân y ở đây không chỉ có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, mà còn có nhiệm vụ cấp cứu cho ngư dân đánh bắt hải sản quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Riêng tại đảo Song Tử Tây, từ đầu năm 2008 đến nay, trạm xá đã cấp cứu cho 74 ngư dân bị nạn hoặc bị bệnh, trong đó có 4 ngư dân Bình Định”.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
24 tác phẩm đạt Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định năm 2009  (02/06/2009)
Được chăm lo chu đáo  (02/06/2009)
Tặng quà cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6  (02/06/2009)
Các DN chế biến gỗ đang thiếu lao động  (02/06/2009)
Trên 21.300 thí sinh tỉnh ta thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT  (02/06/2009)
5 hành khách ở Quy Nhơn đi trên chuyến bay 869 chưa về Bình Định  (02/06/2009)
Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho trẻ em nghèo  (01/06/2009)
4 DN ngoài quốc doanh thành lập chi bộ Đảng   (31/05/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT   (31/05/2009)
Nhọc nhằn từng bữa ăn   (31/05/2009)
5.400 nông dân được tập huấn nghề  (30/05/2009)
Tập trung cho các huyện, xã nghèo  (30/05/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình tiếp Đoàn công tác của New Zealand  (29/05/2009)
Những thách thức và cơ hội  (29/05/2009)
Hội thảo “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu”  (28/05/2009)