QUA 2 NGÀY THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2009:
Có thể yên tâm
7:28', 4/6/ 2009 (GMT+7)

Chiều qua (3.6), cùng với cả nước, trên 21.800 thí sinh (TS) tỉnh ta tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và THPT hệ giáo dục thường xuyên năm 2009, đã thi xong môn Vật lý- môn thi trắc nghiệm thứ 2 và là môn thi thứ 4 của kỳ thi. Nhìn chung, không khí thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc…

 

TS dự thi ở một phòng thi tại HĐCT Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong buổi thi môn Sinh học.  Ảnh: Q.Hoa

 

* Thi cụm: vất vả nhưng khách quan hơn

Có mặt tại Hội đồng coi thi (HĐCT) Trường THPT Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) vào đầu buổi sáng thi môn Ngữ văn, chúng tôi thấy không khí trường thi khá yên ả. Sau lễ khai mạc kỳ thi diễn ra một cách ngắn gọn, nhanh chóng, 384 thí sinh (TS) đã tỏa về 16 phòng thi để làm các thủ tục vào phòng thi. Ông Lê Bá Thông, Phó Chủ tịch HĐCT Trường THPT Tam Quan, cho biết: “HĐCT có TS của các trường THPT: Nguyễn Trân, Tam Quan và Lý Tự Trọng. Trong gần 100 TS từ Trường Lý Tự Trọng (thuộc xã khó khăn Hoài Sơn) đến dự thi, một số em ở thôn An Đỗ Bắc, thôn xa nhất, phải di chuyển từ 15-17 km...”.

Cũng tại HĐCT Tam Quan, Sở GD-ĐT đã cử 37 giáo viên từ 5 trường THPT: số 1 An Lão, Hoài Ân, Võ Giữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, An Lương và 2 Phòng GD-ĐT Phù Mỹ, Hoài Nhơn làm giám thị coi thi. Mỗi phòng thi có 2 giám thị và mỗi dãy phòng thi cũng có 2 giám thị ngoài phòng thi ngồi ở vị trí đầu dãy và cuối dãy. Ngoài ra, còn có 2 thanh tra của Sở GD-ĐT và 3 thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT tham gia giám sát kỳ thi.

Bà Nguyễn Thị Huân, Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ GD-ĐT tại HĐCT Tam Quan, cho biết: “Điểm thi Trường THPT Tam Quan hơi chật nhưng tường rào, cổng ngõ đảm bảo an toàn, cơ sở vật chất tương đối tốt. Lãnh đạo HĐCT tuân thủ chặt chẽ quy chế thi, TS cũng như giám thị coi thi được phổ biến đầy đủ, nghiêm túc các quy định, yêu cầu khi đi thi…”. Cũng theo bà Huân, nhiệm vụ của thanh tra Bộ là giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi và hoàn toàn độc lập với HĐCT. Chúng tôi đã làm đúng quy chế để kỳ thi đạt được kết quả tốt nhất…”.

Tại HĐCT Trường THPT Nguyễn Trân và Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn), trong môn thi thứ 2 cũng khá nghiêm túc. HĐCT Tăng Bạt Hổ có TS của các trường THPT: Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Du và Phan Bội Châu được trộn lẫn. Bà Trịnh Thị Phụng, 47 tuổi, ở Hoài Hương, ngồi trong nhóm phụ huynh có con đi thi, tâm sự: “Từ Hoài Hương xuống Trường Tăng Bạt Hổ khoảng 25-30 km, nên từ 4 giờ sáng, hai má con đã dậy ăn uống rồi chở nhau đi thi cho kịp giờ…”. Bà Phụng còn cho biết: “Trưa nay, hai má con đã ra chợ Bồng Sơn ăn 2 suất cơm và về quán café gần trường ngồi, chờ buổi thi chiều… Sáng giờ, ngồi bên ngoài, tôi cứ cầu mong cho tất cả TS ở Hoài Hương đều thi đỗ tốt nghiệp, bởi năm nay, không tổ chức thi lần 2; hơn nữa, sang năm thi cử sẽ còn đổi khác. Thi cụm như thế này, TS phải vất vả, khó khăn hơn nhưng tui nghĩ sẽ công bằng, khách quan hơn”.

 

TS tại HĐCT Trường Quốc học Quy Nhơn trao đổi về đề thi sau khi rời phòng thi. Ảnh: Quỳnh Hoa

 

* Tiến gần hơn đến kỳ thi... “2 trong 1”

Với những nỗ lực đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT và chủ trương thay đổi cách dạy và học, tổ chức thi theo tinh thần Cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), càng ngày ý thức trách nhiệm của giám thị coi thi và TS càng được nâng cao hơn. Em Hồ Thanh Phong, thi tại HĐCT Trường THPT Bình Dương, nhận xét: “Trong phòng thi, các giám thị coi thi rất nghiêm túc, các bạn TS đều tập trung làm bài, không thấy có chuyện quay cóp hay lật tài liệu…”.

Ông Trần Hường, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Thanh tra đột xuất của Bộ GD-ĐT, cho biết: “Qua thanh tra một số HĐCT ở Bình Định, nhìn chung, Ban chỉ đạo thi của tỉnh, lãnh đạo các HĐCT, giám thị coi thi đã làm hết trách nhiệm, đúng với quy chế của Bộ. Nhiều điểm thi đã thể hiện sự quan tâm đến chuyện ăn, ở của số TS nhà ở xa trường. Ngày thi đầu tiên ở Bình Định đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Năm nay, Bộ GD-ĐT có một số chỉ đạo mới trong tổ chức thi, nên thực tế đã phát sinh một số tình huống mới làm cho một số HĐCT lúng túng. Chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm cho năm sau”.

Còn ông Đặng Thành Phong, một giám thị ngoài phòng thi ở HĐCT Trường THPT Tam Quan, cho biết: “Tôi đã làm hết trách nhiệm của mình theo quy chế thi. Theo tôi, kết quả dạy- học, thi cử ngày càng được đánh giá đúng thực chất hơn nhờ tinh thần giảng dạy và coi thi nghiêm túc của các giám thị”.

Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi các môn thi năm nay đã có những thay đổi theo hướng đổi mới và sáng tạo. Rõ nhất là đề thi môn Văn đã mới mẻ hơn, không những kiểm tra được kiến thức mà còn có “đất” cho học sinh thể hiện cảm xúc, tư duy.

Thầy Đỗ Em, giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhận xét: “Với câu hỏi phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài dành cho HS học chương trình chuẩn là kiểu ra đề cổ điển, phù hợp với HS có sức học trung bình; câu hỏi theo chương trình nâng cao: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một câu hỏi hay nhưng hơi khó, phù hợp với HS khá; giúp thí sinh vừa thể hiện được nhận thức, vừa thể hiện được cảm xúc trong làm bài”.

Em Nguyễn Mạnh Toàn, HS Trường THPT số 2 Phù Mỹ, thi ở HĐCT Trường THPT Bình Dương (Phù Mỹ), cho biết: “Phần lớn kiến thức trong đề thi nằm ở chương trình lớp 12, tụi em cũng đã được ôn tập nhiều nên làm bài tương đối tốt”. Còn Đồng Nữ Thu Hiền, HS Trường Quốc học Quy Nhơn, thi tại HĐCT Trường Quốc học Quy Nhơn, nhận xét: “Đề thi hay, bám sát chương trình, có những phần tương đối dễ, phù hợp với HS có học lực trung bình, nhưng cũng có những câu hỏi khó, đảm bảo phân loại được năng lực của các đối tượng HS”.

Trong môn thi thứ 3 ở ngày thi thứ 2 (3.6) là Địa lý, toàn tỉnh có 20.606 TS phổ thông dự thi, vắng 24 TS so với đăng ký; đối với hệ GDTX có 1.232 TS dự thi, vắng 38 TS (tỉ lệ bỏ thi là 2,99%). Trong buổi thi này, có 2 TS ở HĐCT Trường THPT Hoài Ân (gồm 1 TS tự do và 1 TS của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) bị lập biên bản hủy bài thi vì sử dụng tài liệu và 1 TS bị ốm phải bỏ thi; 1 nữ thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT bị bệnh phải tạm rời vị trí coi thi. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã điều động thanh tra khác thay thế.

Chiều ngày 3.6, thi môn Vật lý, có 20.603 TS phổ thông dự thi, vắng 27 TS; hệ GDTX có 1.286 TS dự thi, vắng 43 TS (tỉ lệ bỏ thi là 3,31%). TS Phạm Vương Bá, số BD 180028, phòng thi 002, tại HĐCT hệ GDTX Trường THCS Lê Hồng Phong, nhờ người khác thi hộ đã bị phát hiện và lập biên bản.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp tục tăng cường, củng cố tổ chức cơ sở Đảng  (03/06/2009)
An toàn, nghiêm túc  (03/06/2009)
Điểm tựa cho ngư dân trên biển  (03/06/2009)
24 tác phẩm đạt Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định năm 2009  (02/06/2009)
Được chăm lo chu đáo  (02/06/2009)
Tặng quà cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6  (02/06/2009)
Các DN chế biến gỗ đang thiếu lao động  (02/06/2009)
Trên 21.300 thí sinh tỉnh ta thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT  (02/06/2009)
5 hành khách ở Quy Nhơn đi trên chuyến bay 869 chưa về Bình Định  (02/06/2009)
Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho trẻ em nghèo  (01/06/2009)
4 DN ngoài quốc doanh thành lập chi bộ Đảng   (31/05/2009)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT   (31/05/2009)
Nhọc nhằn từng bữa ăn   (31/05/2009)
5.400 nông dân được tập huấn nghề  (30/05/2009)
Tập trung cho các huyện, xã nghèo  (30/05/2009)