Tăng học phí là cần thiết, nhưng phải đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục, tiết kiệm, chống lãng phí và quan tâm hơn đến chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...
|
Các đoàn ĐBQH: Bình Định, Quảng Nam, Hải Phòng trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Sỹ Nguyên
|
Tại buổi thảo luận tổ (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII) về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bình Định đã thảo luận sôi nổi, chỉ ra một số điểm bất hợp lý trong đề án, trong đó có chính sách đãi ngộ giáo viên, sử dụng sách giáo khoa...
Đề cập đến các nội dung nêu trên, ĐBQH Hồ Quốc Dũng cho rằng trong hoàn cảnh kinh tế suy giảm hiện nay, ngành Giáo dục cần cân nhắc về thời điểm đề nghị tăng học phí, đưa ra lúc này là không phù hợp với chủ trương an sinh xã hội. Cơ sở của việc tăng học phí cũng chưa có tính thuyết phục cao nếu chỉ căn cứ vào thu nhập của hộ gia đình, bởi vì hiện nay nhiều hộ nông dân không thể tính được mức thu nhập cụ thể. ĐB Hồ Quốc Dũng cũng cho rằng nhận định như Đề án: “Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, học phí chỉ là sự đóng góp một phần của nhân dân vào chi phí học tập ở Trường mà Nhà nước là người chi chủ yếu. Học phí không phải là gánh nặng tài chính đối với gia đình mà luôn khả thi” là chưa chính xác. Ngoài ra, việc hạch toán thu chi đối với các cơ sở đào tạo đại học cũng cần phải được hạch toán đầy đủ, nhằm hạn chế tình trạng lãng phí, tạo gánh nặng cho người học. ĐB Hồ Quốc Dũng dẫn chứng tình trạng thu chi không rõ ràng về tài chính ở Trường Đại học Quy Nhơn vừa qua để minh họa thêm những nội dung về tài chính mà Đề án cần phải quy định cụ thể hơn.
Băn khoăn về tính chính xác của các số liệu trong Đề án, theo ĐBQH Nguyễn Đăng Vang, tính bình quân một sinh viên học một năm đã tốn gần 15 triệu đồng, trong khi bình quân một hộ nông dân thu nhập chỉ là 17,5 triệu đồng/năm. Do đó, ông kiến nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét lại nhận định “Học phí và các khoản chi khác bảo đảm cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình”.
ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy cho rằng đi đôi với việc đổi mới cơ chế tài chính cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể để đánh giá đầy đủ về chất lượng đào tạo, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục… Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy, việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) còn lãng phí..., đơn cử là việc chi rất nhiều tiền cho việc biên soạn SGK mới, nhưng chỉ dùng được một năm rồi bỏ (vì học sinh làm thẳng bài tập vào sách). Từ những khó khăn thực tế về đời sống của giáo viên, ĐB Nguyễn Thanh Thụy kiến nghị nên chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, để họ yên tâm công tác, có điều kiện chăm lo giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học; quan tâm hơn đến bậc học mầm non, như ngành Y tế đã làm (cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu dưới sáu tuổi).
Ở góc độ khác, ĐB Trần Văn Bản cho rằng, hiện tại chính là lúc phải có cơ chế để huy động nguồn lực của các thành phần khác tham gia với Nhà nước phát triển giáo dục - đào tạo. Theo ông, về chính sách học bổng khuyến khích cho những học sinh, sinh viên giỏi, có triển vọng, cần phải theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng giá trị của học bổng. Đây sẽ là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhằm khuyến khích, tạo động lực cho người học phấn đấu học tập tốt, góp phần thực hiện chính sách phát triển nhân tài.
|
Việc thu chi của các cơ sở đào tạo đại học cũng cần phải được hạch toán đầy đủ, nhằm hạn chế tình trạng lãng phí, tạo gánh nặng cho người học. - Trong ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: Đ.T.Đ
|
ĐB Nguyễn Viết Lểnh đề nghị để đảm bảo công bằng đối với các học sinh sau trung học cơ sở thì Nhà nước cần hỗ trợ tài chính cho học sinh hệ đào tạo sơ cấp và trung cấp nghề tương xứng với mức hỗ trợ cho học sinh trung học phổ thông; đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở mà hiện nay đang gặp khó khăn. Đồng thời, ông kiến nghị Bộ GD-ĐT cần phải có tiêu chí và cơ chế đánh giá chương trình chất lượng cao thống nhất trong toàn quốc, tránh tình trạng cơ sở giáo dục tự công bố, quảng cáo về chất lượng giáo dục của mình nhưng không đúng thực chất.
ĐB Nguyễn Viết Lểnh khẳng định chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm hiện nay chưa phát huy được tác dụng, rất nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không phục vụ trong ngành giáo dục nhưng chưa có cơ chế buộc họ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi vậy, Đề án đề xuất thay đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng chính sách tín dụng sinh viên và thời gian phục vụ trong ngành của sinh viên sau khi tốt nghiệp tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo để được xóa nợ cả gốc và lãi phần vay để đóng học phí là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 89 Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí…”. Do vậy, ĐB Nguyễn Viết Lểnh cho rằng vấn đề này cần được xem xét trong Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục dự kiến được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
|