Gom góp tình người…
9:11', 7/6/ 2009 (GMT+7)

Đến thời điểm này, phong trào hũ gạo tình thương đã đi được một chặng đường khá dài. Ở trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, đều đã có nhiều nơi thực hiện tốt phong trào này. Nhưng phải thừa nhận rằng, ở tỉnh ta, Vĩnh Thạnh là nơi xuất phát điểm của phong trào; ở đó, hũ gạo tình thương bộc lộ tất cả những đặc điểm của một phong trào đầy tính nhân văn…

 

Làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh là một trong những đơn vị có thành tích tốt nhất trong xây dựng “Hũ gạo tình thương”.  Ảnh: Trang Xuân Chi
 

* Từ câu chuyện “miếng đói” và “bữa no”...

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Đảng và Chính phủ đã phát động phong trào toàn dân tham gia diệt giặc đói. Hũ gạo tình thương (hũ gạo cứu đói) ra đời và được mọi gia đình nhiệt tình hưởng ứng. Khi chuẩn bị bữa ăn, trước khi cho gạo vào nồi nấu, người nấu tự bốc bớt một phần gạo cho vào hũ. Gạo trong hũ được định kỳ gửi đến chính quyền cách mạng để ủng hộ những người dân thiếu đói. Bác Hồ cũng tự nguyện thực hiện bằng việc mỗi tuần nhịn ăn một bữa… Câu chuyện “mỗi tuần nhịn ăn một bữa” của Bác đã được tiếp nối trong cuộc sống hôm nay…

Hiện tại, có 6/9 xã của huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng được mô hình hũ gạo tình thương. Riêng xã Vĩnh Thịnh đã thực hiện được ở tất cả 8 thôn, làng. Tính đến thời điểm này, cả huyện Vĩnh Thạnh đã có 1.370 hũ gạo tình thương, thu được 2,35 tấn gạo, trị giá gần 18 triệu đồng. Hằng tháng, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ở các thôn, làng sẽ tập trung hũ gạo của các gia đình lại, công khai mức gạo đóng góp được. Sau đó, tổ chức họp dân, xét chọn gia đình khó khăn, nghèo đói để hỗ trợ gạo (trung bình mỗi hộ được 5-10kg/tháng). Nhiều hộ trong ngày giáp hạt, nhờ những hạt gạo chắt chiu nghĩa tình mà vượt qua được khó khăn. Mô hình này đã nổi tiếng khắp cả nước, được các đoàn Chữ thập đỏ trong và ngoài nước đến tìm hiểu, học hỏi…

 

Bà con làng 4, xã Vĩnh Thuận hưởng ứng phong trào hũ gạo tình thương.  Ảnh: T.X
 

Theo chị Đinh Thị Viên (làng M2, xã Vĩnh Thịnh), phong trào hũ gạo tình thương phát triển mạnh chủ yếu dựa vào tình làng nghĩa xóm. Ở làng của chị, một người đau, cả làng đều biết. Vừa rồi, có gia đình ở đầu làng, cha đi làm rẫy suốt, con ở nhà đau, làng đưa đi viện. Khi cha về thì con đã gần khỏi bệnh.

Anh Bùi Văn Gần, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Thịnh, là một trong những người có công đầu trong sự phát triển của mô hình hũ gạo tình thương ở Vĩnh Thạnh thời gian qua. Anh Gần chính thức làm công tác Chữ thập đỏ từ năm 1990. Khoảng cuối năm 1998, từ thông tin trên tạp chí Nhân đạo nói về mô hình ống gạo tình thương ở Đà Nẵng, anh Gần nảy ra ý tưởng triển khai mô hình hũ gạo tình thương, chọn làng M2 của xã Vĩnh Thịnh là nơi tiến hành đầu tiên. “Trong những ngày đầu, cái khó nhất là làm công tác tư tưởng. Phải làm cho bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa của phong trào này. Khi tư tưởng đã thông, mọi việc tiến hành thuận lợi hơn rất nhiều” - anh Gần tâm sự.

* Đến những “khoảng lặng” của phong trào

Đúng như anh Gần nói, công tác tư tưởng hết sức quan trọng. Gần đây, để triển khai mô hình này ở thôn Vĩnh Thái, anh Gần cũng phải mất 4 đêm ròng đến vận động, “đả thông” tư tưởng cho người dân nơi đây. Đầu tiên là đi cơ sở, nắm tình hình đời sống, tâm tư của bà con. Kế đến, làm việc với Chi bộ thôn, Chi hội Chữ thập đỏ, vận động hai tổ chức này “hợp tác”, “đứng chân” địa bàn để vận động. Bước tiếp theo là họp dân, tuyên truyền vai trò, ý nghĩa; sau đó, lấy ý kiến của dân bằng hình thức biểu quyết. Khi dân đồng thuận, việc xây dựng hũ gạo tình thương mới tiến hành.

 

Mỗi lần nấu cơm, chị Đinh Thị Viên lại bớt một nắm gạo bỏ vào hũ gạo tình thương. Ảnh: N.V.T
 

Vai trò của cán bộ Chữ thập đỏ ở cơ sở là rất quan trọng. Vậy nhưng, hiện nay, các Chi hội trưởng ở các thôn không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào. Trong khi đó, cùng chức danh ở các hội khác như phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân… đều có phụ cấp. Ở tuyến xã, cán bộ Chữ thập đỏ cũng chỉ được hỗ trợ 340 ngàn đồng/tháng. Đây cũng chính là một trong những trăn trở lớn nhất của người làm công tác nhân đạo nói chung, của các cán bộ Chữ thập đỏ ở Vĩnh Thạnh nói riêng. “Cán bộ Hội ở cơ sở vẫn làm việc dựa vào tinh thần là chính. Nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, chính cách làm việc theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công tác Chữ thập đỏ, nhất là trong phong trào hũ gạo tình thương, cần sự năng nổ, nhiệt tình của cán bộ” - ông Phạm Chí Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Thạnh, nói.

Ông Phạm Chí Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Thạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực củng cố cơ sở Hội, đưa phong trào hũ gạo tình thương đi vào nề nếp. Đặc biệt, sẽ đi sâu đi sát, triển khai mô hình này đến các vùng cao vùng sâu như Kon Trú, O2, K8…”.

Trong quá trình thực hiện phong trào, tuy đạt được nhiều thành công nhất định, song vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý. Hũ gạo tình thương là một phong trào tốt, ai cũng thừa nhận. Nhưng không vì thế mà nhân rộng ra quá nhanh, nhất là khi chưa làm tốt công tác tư tưởng cho bà con, dẫn đến ở một vài nơi, số hũ gạo đăng ký thì nhiều, nhưng số gạo thu được lại quá ít. Cần làm theo phương châm “chậm mà chắc”, chú ý duy trì tốt những điển hình đã có; từ đó, mới có cơ sở mở rộng phong trào.

Và, như một cán bộ Hội Chữ thập đỏ (xin được giấu tên) tâm sự: “Nếu chỉ nắm tình hình phong trào qua báo chí, nhiều người dễ lầm tưởng rằng, cứ nơi nào muốn làm là được. Thực tế không phải vậy, để vận động được bà con tích cực tham gia phong trào hũ gạo tình thương, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cán bộ Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt là ở tuyến cơ sở thôn, làng. Khi tiến hành thực hiện mô hình này, đơn giản chúng tôi chỉ muốn gom góp tình thương để san sẻ cho những đồng bào còn đói khổ; mong mọi người đừng thổi phồng phong trào, làm ý nghĩa ban đầu mất đi…”.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009  (06/06/2009)
Nhiều hoạt động nhân Ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam  (06/06/2009)
Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực  (06/06/2009)
Đo thân nhiệt hành khách tại sân bay Phù Cát  (05/06/2009)
Trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng  (05/06/2009)
Thí sinh không vi phạm quy chế thi  (05/06/2009)
Doanh nghiệp đang thiếu công nhân  (04/06/2009)
Sẽ hỗ trợ tỉnh giải quyết khó khăn về lĩnh vực khoa học công nghệ  (04/06/2009)
Có thể yên tâm  (04/06/2009)
Tiếp tục tăng cường, củng cố tổ chức cơ sở Đảng  (03/06/2009)
An toàn, nghiêm túc  (03/06/2009)
Điểm tựa cho ngư dân trên biển  (03/06/2009)
24 tác phẩm đạt Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định năm 2009  (02/06/2009)
Được chăm lo chu đáo  (02/06/2009)
Tặng quà cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6  (02/06/2009)