Tổng kết phong trào thi đua năm 2008 Cụm thi đua 6 tỉnh Duyên hải - miền Trung, tỉnh Bình Định xếp vị trí thứ nhất. Nhân Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước (11.6), PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Binh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, về công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) ở Bình Định.
|
Liên đoàn Lao động TP Quy Nhơn khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc vững mạnh trong hoạt động phong trào. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Thưa ông, điều gì đã giúp cho Bình Định xếp thứ nhất trong Cụm thi đua 6 tỉnh Duyên hải – miền Trung năm 2008?
- Điều cốt lõi, theo tôi, là tỉnh ta đã triển khai thực hiện công tác TĐKT đạt kết quả tốt. Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 01/CT-CTUBND về việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008. UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết phong trào TĐKT năm 2007, phát động phong trào thi đua năm 2008, qua đó các cụm, khối, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổng kết, phát động tổ chức ký kết giao ước thi đua; tổ chức tuyên truyền về thi đua yêu nước; giáo dục, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước, khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức các hoạt động thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng gương điển hình tiên tiến, biểu dương khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2008. Đặc biệt, giữa các ngành, đoàn thể, địa phương đã có sự phối hợp tốt trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, duy trì các phong trào thi đua, các hoạt động của cụm, khối thi đua, hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua. Ngoài ra, công tác khen thưởng trong năm qua cũng đã đi vào nề nếp, được thực hiện đúng quy định về quy trình, đối tượng, tiêu chuẩn và thành tích thực tế…
* Từ thành tích rất tốt trong công tác TĐKT năm 2008 của tỉnh, xin ông cho biết một số kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng?
- Thực tiễn cho thấy, nơi nào lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo công tác TĐKT thì nơi đó phong trào phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra phải kể đến các yếu tố khác như: sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các phương tiện thông tin trong tổ chức phong trào thi đua; việc xây dựng mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, sát thực tiễn, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; thực hiện công tác theo dõi, đánh giá, bình xét kết quả thi đua, đề nghị khen thưởng công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, chính xác, lấy chất lượng phong trào thi đua làm cơ sở xét khen thưởng, tạo niềm tin và động viên các nhân tố tích cực. Bên cạnh đó, việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến kịp thời; nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm công tác TĐKT đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền, góp phần tổ chức tốt các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
* Đối với phong trào thi đua yêu nước 2009, ông quan tâm nhiều đến giải pháp nào?
- Chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2009 của tỉnh đang được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện. Để phong trào thi đua yêu nước năm 2009 đạt kết quả tốt, tôi nghĩ rằng việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành về ý nghĩa và vai trò của công tác TĐKT, đồng thời quan tâm tổ chức các phong trào thi đua phải thiết thực, có hiệu quả, tránh bệnh hình thức; nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua thông qua quy chế hoạt động và công tác kiểm tra của Hội đồng TĐKT các cấp; tạo động lực thi đua giữa các huyện, thành phố, sở, ban ngành và các đơn vị nhằm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2009, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
* Xin cảm ơn ông!
|