Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm
8:33', 13/6/ 2009 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, từ thực tiễn và qua công tác giám sát chuyên đề quản lý chất lượng VSATTP ở địa phương, Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Đoàn ĐBQH Bình Định) đã phát biểu kiến nghị một số vấn đề về công tác nói trên...

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy phát biểu trên diễn đàn Quốc hội.

 

* Nhiều bất cập

Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể thấy từ khi Pháp lệnh về VSATTP được thực thi, công tác quản lý chất lượng VSATTP có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy kết quả đạt được còn xa so với mong muốn. Nhận thức và ý thức chấp hành chính sách luật pháp về VSATTP của người tiêu dùng (NTD), người sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh còn khiêm tốn; theo báo cáo giám sát mới chỉ đạt 50%, còn quá nửa đang thiếu hụt về kiến thức VSATTP.

Trong cơ chế thị trường, nhiều người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe của NTD. Cả nước có khoảng 9,6 triệu hộ nông dân và có hàng triệu ruộng rau và hàng chục triệu gia súc, nhưng hiện tượng khá phổ biến là người dân sử dụng rất tùy tiện hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng trong cả trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều loại thực phẩm tươi sống, hoa quả được xử lý hóa chất có hại cho sức khỏe vẫn tồn tại như một phần tất yếu của quá trình sản xuất và chế biến. Điều này hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Trong khi đó, cán bộ chuyên môn để hướng dẫn giúp đỡ bà con kiến thức về sản xuất an toàn là rất thiếu. Cán bộ quản lý, thanh tra chất lượng VSATTP quá mỏng, phân tán theo nhiều nhiệm vụ quản lý khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP không đáp ứng được yêu cầu, kết quả đạt thấp. Có khoảng 17.000 lò mổ không được kiểm soát và có tới 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được quản lý về VSATTP.

Một bất cập nữa trong công tác quản lý chất lượng VSATTP là tại các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào của chuỗi sản xuất thực phẩm, ở nhiều nơi chính quyền các cấp chưa vào cuộc, còn khoán trắng cho cơ quan chuyên môn, chủ yếu là ngành Y tế. Mặt khác, cấp này lại chưa được phân bổ kinh phí để hoạt động, kinh phí chung đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP còn rất thấp (1.100 đồng/người/năm).

* Giải pháp kiến nghị

Từ những vấn đề nêu trên, tôi xin kiến nghị và đề xuất một số giải pháp như sau: Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông giáo dục trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về VSATTP; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các thông tin phải hết sức chính xác đảm bảo độ tin cậy cao. Cần quy định chặt chẽ trong việc quảng cáo các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đây là kênh tuyên truyền có tầm ảnh hưởng lớn, nếu thông tin thiếu chính xác sẽ khó khắc phục. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra cần công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để vừa giáo dục, biểu dương, hoặc cảnh báo cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hiện nay có những sản phẩm quảng cáo không đúng về tác dụng của sản phẩm, gây thiệt hại cho NTD. Chẳng hạn, về các loại thực phẩm chức năng (cử tri rất quan tâm), đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước làm rõ về thông tin quảng cáo với những thông số được in trên bao bì, quy định sản phẩm này được bán ở đâu, cửa hàng thực phẩm hay ở hiệu thuốc để định hướng cho NTD.

Thứ hai, trong khi ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của cả người sản xuất và NTD chưa cao, song song với công tác tuyên truyền, giáo dục, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, phạm vi ảnh hưởng rộng, cần phải xử lý về hình sự hoặc tăng chế tài xử phạt. Thực trạng hiện nay việc xử phạt còn nhẹ, phát hiện thì nhiều nhưng xử lý chưa được bao nhiêu, nên chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Thứ ba, cần chỉ đạo, tuyên truyền, nhân rộng hơn nữa mô hình chợ sạch, nhất là chợ đầu mối sạch, ruộng rau an toàn. Xây dựng thêm các mô hình như nhà sản xuất, cơ sở chế biến, nhà hàng sạch, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở này tồn tại trong giai đoạn đầu. Cần quy định các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn có quy mô phục vụ lớn, phải mua nguyên liệu có nguồn gốc và phải đạt tiêu chuẩn sạch. Đồng thời giúp các cơ sở này công bố rộng rãi chất lượng để định hướng tiêu dùng cho xã hội.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là cơ sở. Quan tâm bố trí kinh phí, cán bộ chuyên nghiệp thực hiện công tác quản lý chất lượng VSATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở theo quy mô số cơ sở thực phẩm quản lý trên địa bàn. Đồng thời tổ chức và duy trì hoạt động hệ thống cộng tác viên VSATTP ở các thôn, bản, xã, phường.

Thứ năm, lĩnh vực quản lý chất lượng VSATTP không thể giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm. Cần phải xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng VSATTP theo chuỗi thực phẩm như đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chuẩn quốc gia về xã, phường đảm bảo VSATTP với những tiêu chí cụ thể, coi đây là một tiêu chuẩn để công nhận là khu phố văn hóa. Chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Hằng năm, Chính phủ, UBND các cấp phải duy trì báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP cho Quốc hội và HĐND các cấp để tăng cường công tác giám sát.

  • Song An (Ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đình chỉ lưu hành một số loại thuốc giả, không đạt chất lượng  (12/06/2009)
Cần nỗ lực phát triển KT-XH tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương  (12/06/2009)
Phong trào thi đua được phát động sâu rộng, toàn diện  (12/06/2009)
Trên 88 ngàn thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2009 tại Cụm thi Quy Nhơn  (11/06/2009)
Trên 88 ngàn thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2009 tại Cụm thi Quy Nhơn  (11/06/2009)
Còn nhiều trăn trở  (11/06/2009)
Ký kết giao ước thi đua phải thực sự có hiệu quả, tránh bệnh hình thức…  (11/06/2009)
Khai mạc chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2009  (11/06/2009)
2 trường hợp nghi nhiễm cúm A (H1N1) có kết quả xét nghiệm âm tính  (11/06/2009)
PGS.TS Nguyễn Hồng Anh giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn  (11/06/2009)
Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường  (10/06/2009)
Toàn tỉnh nắng nóng lên đến 37-38 độ C  (10/06/2009)
Công bố quyết định đổi tên thành Trường Cao đẳng Bình Định  (10/06/2009)
Thiếu tướng Trần Đình Dũng - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, thăm và làm việc với BĐBP tỉnh  (10/06/2009)
Lấy mẫu xét nghiệm 2 trường hợp nghi nhiễm cúm A (H1N1)  (10/06/2009)