Ngày 18.6, Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2009- kỳ thi tập dượt cho kỳ thi THPT Quốc gia dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2010. Với công đoạn cuối này, dư luận đã có được những điều kiện “cần” để đánh giá về hiệu quả của thi cụm. Bài viết ghi nhận những thành công bước đầu về kỳ thi này.
|
Thí sinh tại Hội đồng coi thi Quốc học Quy Nhơn vui vẻ rời phòng thi. Nhiều em cho biết làm bài khá tốt. Ảnh: Q.Hoa
|
* “An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”
Sau mỗi kỳ thi, câu nói này luôn được nhắc đến như một điệp khúc đánh giá sự hoàn thành một kỳ thi, mặc dù có thể “phao” vẫn rơi đầy trên sân trường. An toàn nghĩa là không có sự cố bất thường nào diễn ra như không bị lộ đề, không bị lập biên bản cả thí sinh (TS) và giám thị… Trước đây, không ai dám chắc rằng hội đồng thi của mình là nghiêm túc, bởi sự lỏng lẻo trong phòng thi là thực trạng chung. Hiện tượng nhốn nháo bên trong, “nóng” bên ngoài phòng thi là không thể chối cãi. Tâm lý giám thị coi thi rất nặng nề nhưng cũng không muốn TS phòng mình “thiệt thòi” so với phòng khác nên nhiều khi cố tình làm ngơ trước hiện tượng quay cóp hoặc xem tài liệu. Chuyện gởi gắm hay bỏ tiền ra chiêu đãi giám thị mong được chiếu cố đến con em mình của phụ huynh diễn ra… ngang nhiên…
Tuy nhiên, những điều đó đã biến mất trong kỳ thi năm nay. Từ trong phòng thi đến ngoài sân trường đều nghiêm túc. Một giám thị coi thi kể: “Chưa bao giờ giám thị coi thi nhẹ nhàng như năm nay. Học sinh làm bài rất nghiêm túc, hầu như không thấy có tài liệu mang theo. Cái tôi thấy lạ là không có “người quen” nào gởi số báo danh như những năm trước”. Theo đánh giá của thầy giáo này, chất lượng coi thi ở hầu hết các hội đồng là rất tốt.
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới trong công tác coi thi. Tuy nhiên, không phải nghiêm túc vì giám thị coi gắt hay thanh tra Bộ nhiều, mà cốt lõi là ở nếp nghĩ tích cực được hình thành trong tư tưởng của học sinh. Ngay đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã thể hiện quyết tâm “làm sạch” những tiêu cực trong thi cử. Điều này đã được hiện thực hóa thành quy chế, văn bản tuyên truyền rộng khắp, liên tục và được giáo viên luôn nhắc nhở học sinh trong những giờ dạy. Trước quyết tâm này, học sinh không còn chủ quan, dựa dẫm kiểu “học tài thi phận”. Bước vào mùa thi, mặc dù không nắm chắc bài, nhưng TS vẫn không dám đem theo tài liệu.
Năm nay, việc chấm thi cũng có sự đổi mới. Bài thi tự luận được đổi đi tỉnh khác chấm (Bình Định chấm bài của Quảng Nam, Quảng Ngãi chấm bài của Bình Định), giám khảo làm việc cũng hết sức công bằng, vô tư, không còn tâm lý du di cho con em trong tỉnh, sợ trúng bài trường mình dạy hay làm dấu bài, gởi gắm. Đây thực sự là thành công trong mùa thi năm nay. Kết quả thi dù sẽ như thế nào cũng là thực chất của quá trình dạy - học.
* Vẫn còn “tiền hậu bất nhất”
Tuy nhiên, cùng với những thành công bước đầu được ghi nhận, kỳ thi năm nay cũng lộ ra những điểm lỏng lẻo trong quy chế, gây hoang mang tâm lý cho cả người học lẫn người dạy.
Trước ngày thi, quy chế quy định: “TS học phần nào làm phần riêng phù hợp với chương trình đó”. Tuy nhiên, quy định này lại thay đổi trước khi chấm thi. Khi đăng ký dự thi, TS có bản đăng ký trong đó ghi rõ chương trình học để đăng ký chương trình thi. Ứng với quy định đó, trong đề thi có phần dành riêng cho chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Nhưng trong tờ bài của TS làm thì không có mục nào để giám khảo phân biệt TS đó học chương trình nào. Trước ngày chấm, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép chấm các bài thi làm nhầm phần riêng, coi như TS có quyền chọn một trong hai đề. Giải pháp cấp bách này có phần lợi cho TS, nhưng phần nào đó biểu hiện những thiếu sót khi đưa ra quy chế và gây ảnh hưởng tâm lý đến TS.
Trong đề thi môn Văn, câu 2 (3 điểm) yêu cầu viết bài văn ngắn không quá 400 từ (có thể hiểu bài làm khoảng 400 chữ) nhưng trong hướng dẫn chấm lại không nói gì đến yêu cầu trên. Hướng dẫn chấm chỉ yêu cầu đạt kỹ năng và kiến thức là cho điểm tối đa. Như vậy, TS có thể làm 200 từ (chữ), 800 từ hoặc hơn nữa nhưng nếu đảm bảo kỹ năng và kiến thức thì vẫn có thể đạt điểm tối đa. Trong quá trình làm bài, chỉ có TS không đọc kỹ đề mới làm không đủ hoặc quá số từ quy định. Nhiều TS, vì lo ngại, nên công phu ngồi đếm từng chữ rồi ghi dưới bài làm là bao nhiêu từ! So với làm tự do, yêu cầu diễn đạt trong khuôn khổ 400 từ là khó hơn rất nhiều.
Những thành công bước đầu của mùa thi năm nay phát ra được những tín hiệu vui cho những người làm giáo dục và cho toàn xã hội. Hiện tượng mất công bằng trong quá trình thi được hạn chế thấp nhất, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập ngày càng chất lượng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thực hiện quy chế vẫn còn nhiều hạt sạn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cho TS tham gia những kỳ thi tiếp theo. Nhiều quy chế, công văn thay đổi liên tục thiếu sự ổn định, làm cả người dạy cũng dò dẫm trong quá trình hướng dẫn cho học sinh.
Bên lề chuyện chấm thi
Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2009 được tiến hành từ ngày 10 đến 17.6. PV Báo Bình Định đã ghi lại những câu chuyện bên lề chấm thi từ một giám khảo vừa hoàn thành nhiệm vụ.
|
Ngày mai (17.6), công tác chấm thi tốt nghiệp THPT hoàn thành, Sở GD- ĐT sẽ công bố kết quả vào ngày 18.6. Ảnh: Quỳnh Hoa
|
* Giám khảo môn Địa lý... quá tải
Do Bộ GD-ĐT thực hiện đổi bài thi tự luận cho tỉnh khác chấm, nên nhiều giám khảo có con em thi vẫn được các hiệu trưởng cho đi chấm thi. Tuy nhiên, Hội đồng chấm thi đã không chấp nhận những giám khảo có con em thi trong kỳ thi này được chấm bài thi dù là của TS tỉnh Quảng Nam. Thực ra quy định này có giá trị khi giám khảo chấm bài trong tỉnh, nhưng Hội đồng chấm thi đã quá cứng nhắc khi cho gần 20 giám khảo nghỉ chấm, nên giám khảo môn Địa lý đã ít lại thiếu trầm trọng. Tỉ lệ bài chấm của giám khảo môn Địa lý đã gấp hai lần môn Văn, Toán; nên giám khảo môn này phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm.
* Điểm môn Văn khó cao
Đề thi môn Văn năm nay được cho là vừa sức, hay và đảm bảo chương trình. Tuy nhiên, để phân tích được câu 3: “Giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài)” không phải là dễ. Hầu hết TS làm lạc đề, chỉ kể hoặc phân tích cuộc đời của Mỵ và A Phủ chứ ít đề cập đến yêu cầu đề. Trong cấu trúc đề thi có hai câu thuộc về văn nghị luận đều cần đến thao tác, kỹ năng rất nhiều, trong khi kỹ năng của học sinh 12 còn non nớt, nên để đạt được điểm 8 trở lên là rất khó. Tuy nhiên, ba câu trong cấu trúc đề bao quát được nhiều vấn đề, nên TS ít bỏ giấy trắng và cũng ít bị điểm quá thấp. Với cấu trúc đề thi này thì TS dễ đạt điểm từ 4 đến 6.
* Những đoạn văn siêu... “chuối”
Công tác chấm thi được thực hiện nhanh, khẩn trương và tuyệt đối chính xác lại diễn ra ngay những ngày trời nóng như đổ lửa, cùng với áp lực chấm cho kịp tiến độ, đã tạo sự căng thẳng cho giám khảo. Nhưng hầu hết giám khảo làm việc vẫn trôi chảy, an toàn, nhờ tinh thần trách nhiệm cao. Có những đoạn văn hết sức ngớ ngẩn của TS làm cho họ không thể nhịn cười, giúp... giảm bớt căng thẳng.
Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, có bài viết: Mỵ là một cô gái nhà nghèo bị Bá Kiến (một nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao- NV) bắt về hành hạ, cho ở trong một túp lều. A Phủ cũng là một nô lệ của Bá Kiến bị hắn bắt đánh đập suốt ngày. Một hôm A Phủ mò vào bóp đùi cho Mỵ là người cũ của A Phủ, bây giờ là vợ của Bá Kiến bị Bá Kiến bắt được trói vào gốc cột cho đến chết. Thấy vậy Mỵ thương quá lén cắt dây tời cởi trói cho A Phủ, hai người cao chạy xa bay…
Chuyện lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy không thể kể hết. Một bài thi khác: Mỵ thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên má Hạ Du (nhân vật trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn-NV); Mỵ gặp Tràng (nhân vật trong tác phẩm “ Vợ nhặt” của Kim Lân-NV) trong một lần anh kéo xe thóc lên tỉnh, Mỵ nghĩ đến cái chết bằng bánh bao tẩm máu người… Hoặc những câu vô cùng ngớ ngẩn: “Vợ chồng A Phủ” là bài thơ của Tố Hữu mang tính chất sử thi bi tráng. Mỵ thổi lá ngón rất hay. A Phủ là người làm công cho Thống lý Pá Tra, thấy Mỵ thương nhưng không biết làm sao để cứu Mỵ. Đến mùa xuân A Sử đi chơi trói Mỵ vào cột nhà. A Phủ thấy vậy nên đã cởi trói và nói với Mỵ là cùng mình trốn khỏi chỗ này, lúc đó Mỵ không định đi vì trong trạng thái không tự chủ được bản thân nhưng được A Phủ thuyết phục Mỵ cùng A Phủ chạy trốn. Mỵ ngồi nhìn ra cửa sổ thấy hoa thuốc phiện nở và băn khoăn khi thấy A Sử đi “chơi gái” về…
Khi làm câu lý thuyết về tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn, TS miêu tả rất “khủng khiếp”: Lỗ Tấn chặt Hạ Du ra để lấy máu chấm bánh bao. Người ta chặt Lỗ Tấn ra làm ba khúc, chặt hai chân rồi chặt đầu để lấy máu chữa bệnh lao cho thằng Thuyên. Những tiếng thì thầm vang lên ầm ĩ trong quán trà. Trong quán trà người ta bàn chuỵên bánh bao tẩm máu người rất sôi nổi, ai cũng tin rằng sẽ chữa hết bệnh lao nhưng Hạ Du là người phản đối quyết liệt nhất…
Ở môn Toán đôi lúc cũng có những ý giống những câu văn siêu “chuối” như: Đồ thị không có đường cận thị!
| |