Lại “đứt” thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn
8:54', 18/6/ 2009 (GMT+7)

Thuốc đặc hiệu Egaten 250 mg trị bệnh sán lá gan lớn (SLGL) đã “đứt” từ nhiều ngày qua, trong khi đây lại là thời điểm bùng phát mạnh bệnh này.

 

Bệnh sán lá gan lớn đang bùng phát mạnh trong khi thuốc điều trị đặc hiệu lại thiếu. Ảnh: Thu Hiền

 

* Bệnh nhân chờ thuốc

Tính từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Phòng chống Sốt rét- Các bệnh nội tiết Bình Định, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, BVĐK Khu vực Phú Phong; các bệnh viện  huyện: Phù Cát, Phù Mỹ và An Nhơn đã tiếp nhận khám và điều trị 441 bệnh nhân mắc bệnh SLGL. Trong đó, số bệnh nhân may mắn được điều trị bằng thuốc đặc hiệu Egaten là 376 người. 

Bác sĩ Trương Công Cẩn, phòng Khám Trung tâm Phòng chống Sốt rét- Các bệnh nội tiết, cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi có 65 bệnh nhân xét nghiệm có SLGL, nhưng chưa có thuốc điều trị. Bình quân mỗi tuần chúng tôi xét nghiệm phát hiện 20-30 bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Điều này cũng đồng nghĩa bệnh nhân SLGL phải chờ thuốc đang tăng lên từng ngày”.

Còn tại khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh, từ đầu tháng 6 đến nay đã tiếp nhận 18 trường hợp mắc bệnh SLGL trong và ngoài tỉnh. Nhưng kho thuốc của khoa đã cạn kiệt thuốc đặc hiệu Egaten 250 mg từ trước đó. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Trung bình một ngày có khoảng 5-7 bệnh nhân SLGL nhập viện. Ở phòng khám cũng có rất nhiều bệnh nhân SLGL, nhưng chúng tôi đành phải hẹn khi có thuốc mới nhập viện điều trị. Ngoài ra, chúng tôi còn khuyên người bệnh đến Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn điều trị, nhưng ở Viện này cũng đã hết thuốc. Nếu tính ra, khoa cần 200 viên Egaten/tháng để điều trị SLGL cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh”.

Đầu năm 2009, từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Bình Định được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn cấp 600 viên Egaten 250 mg, phân về BVĐK tỉnh 250 viên, Trung tâm phòng chống Sốt rét- Các bệnh nội tiết 200 viên, số còn lại chia cho các bệnh viện huyện Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn và Phú Phong. Tuy nhiên, do từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân tăng đột biến, lượng thuốc đã được cấp không đủ sử dụng trong khi bệnh nhân vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đến cuối tháng 5.2009, Bình Định tiếp tục được bổ sung thêm 200 viên Egaten, nhưng cũng chỉ điều trị được số ít bệnh nhân ở Trung tâm Phòng chống Sốt rét- Các bệnh nội tiết.

Hiện nay đang là mùa hè, điều kiện thời tiết thuận lợi bùng phát mạnh bệnh SLGL. Bình Định được xem là một trong những tỉnh trọng điểm SLGL của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ngoài các cơ sở y tế nói trên, bệnh nhân còn điều trị bệnh ở Phòng khám của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, Viện Quân y 13 và Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa. Chỉ tính riêng tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn, trong các tháng đầu năm 2009, điều trị 1.258 bệnh nhân thì Bình Định đã chiếm hết 390 ca. 

* Nhu cầu cấp thiết

Không có thuốc, bệnh nhân “dồn” lại ngày càng nhiều, BVĐK tỉnh đã chủ động sử dụng thuốc Artesunat để điều trị cho bệnh nhân, mặc dù hiệu quả điều trị không cao, thời gian điều trị kéo dài.

Ông Trần Ngọc, 52 tuổi, ở tỉnh Phú Yên, nhập viện tại BVĐK tỉnh đã một tháng nay. Phát hiện mắc bệnh SLGL do đau nhức, kèm theo ho và sốt liên tục, nhưng ở BVĐK Phú Yên không có thuốc điều trị đặc hiệu nên gia đình ông đành phải ra Bình Định. Khổ nỗi, ra đến nơi mới vỡ lẽ bệnh viện cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Gia đình vẫn quyết tâm để ông ở lại để điều trị bệnh bằng thuốc Artesunat. Hay trường hợp ông Ksor Khối, 74 tuổi, ở tỉnh Gia Lai, mắc bệnh rất nặng, được chuyển viện từ BVĐK Gia Lai xuống BVĐK tỉnh.

Theo bác sĩ Cẩn, khi chưa có nguồn thuốc đặc hiệu Egaten, Trung tâm đã áp dụng một phác đồ điều trị bệnh SLGL khác, bao gồm: thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và một số thuốc khác như Albendazole để điều trị triệu chứng và tránh không để gây ra các biến chứng nguy hiểm. Với phác đồ này, ngoài thời gian kéo dài (7-10 ngày/liệu trình), các thuốc trên còn có thêm tác dụng phụ.

Cũng cần nói thêm, năm 2006 khi Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung -Tây Nguyên nói chung bùng phát mạnh bệnh SLGL thì tình trạng “đứt” thuốc điều trị đặc hiệu đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Đến cuối năm 2008, khi tỉnh mở rộng số cơ sở điều trị bệnh đến tuyến huyện và lượng bệnh nhân tăng mạnh thì nguồn thuốc lại tiếp tục bị “đứt”.

  • Hiền Phương

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề  điều trị bệnh SLGL, TS Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cho biết, bệnh nhân mắc bệnh SLGL tăng khoảng 70% so với các năm trước đây.

* Vì sao thuốc điều trị đặc hiệu Egaten thường xuyên bị “đứt” dù  bệnh SLGL ngày càng gia tăng, thưa ông?

- Chúng ta phải dựa vào nguồn thuốc đặc hiệu do Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cung cấp, nhưng không thường xuyên nên Viện cũng không chủ động được thuốc để cung cấp cho các tỉnh.

* Vậy, Viện đã có giải pháp nào để giải quyết tình hình “đứt” thuốc?

- Trước mắt, Viện đã đề nghị Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương hỗ trợ một cơ số thuốc đặc hiệu Egaten 250mg để cung cấp cho các tỉnh có tỉ lệ nhiễm SLGL cao trong khu vực; đồng thời, điều tiết thuốc Egaten từ các tỉnh ít bệnh nhân sang các tỉnh có bệnh nhân cao hơn để kịp thời điều trị nhằm giảm tải áp lực bệnh nhân. Viện cũng đã đề nghị Bộ Y tế cho phép được mua thuốc đặc hiệu Egaten từ nguồn nhập khẩu của các công ty dược phẩm để cung cấp cho các cơ sở y tế trong khu vực và chủ động trong việc điều trị bệnh.

* Nhưng về lâu dài thì không chỉ có thuốc?

- Đúng thế. Viện đã đề nghị Bộ Y tế có chỉ đạo công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SLGL tại các cơ sở y tế thuộc các tỉnh có tỉ lệ nhiễm bệnh cao. Đồng thời, cho phép Viện xây dựng đề cương thực hiện đề tài và kinh phí thực hiện các biện pháp can thiệp khác như truyền thông giáo dục, giải quyết môi trường và các hoạt động phòng chống tại cộng đồng; xây dựng chương trình hoặc dự án cụ thể phòng chống bệnh SLGL ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên, nơi có lưu hành bệnh cao nhất cả nước, nhằm giảm thiểu áp lực bệnh nhân và khống chế sự gia tăng của bệnh một cách bền vững; tổ chức hội nghị liên ngành với Thú y và các cơ quan hữu quan để phối hợp xây dựng kế hoạch phòng chống trên phạm vi cả nước. 

* Xin cảm ơn ông!

  • T.Hiền (Thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo dõi sức khỏe 4 hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm cúm A (H1N1)  (17/06/2009)
Tập trung xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo  (17/06/2009)
Tôn vinh 190 cá nhân, 10 tập thể trong phong trào hiến máu  (16/06/2009)
Phòng chống dịch bệnh và VSATTP là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu  (16/06/2009)
Ghi nhận về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009  (16/06/2009)
Những nghĩa cử cao đẹp  (15/06/2009)
Tuyển lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động   (14/06/2009)
Một giọt máu, vạn tấm lòng   (14/06/2009)
Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2009-2010  (13/06/2009)
Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm  (13/06/2009)
Đình chỉ lưu hành một số loại thuốc giả, không đạt chất lượng  (12/06/2009)
Cần nỗ lực phát triển KT-XH tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương  (12/06/2009)
Phong trào thi đua được phát động sâu rộng, toàn diện  (12/06/2009)
Trên 88 ngàn thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2009 tại Cụm thi Quy Nhơn  (11/06/2009)
Trên 88 ngàn thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2009 tại Cụm thi Quy Nhơn  (11/06/2009)