Vực dậy thị trường xuất khẩu lao động
10:2', 18/6/ 2009 (GMT+7)

Hiện nay, một số thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã có tín hiệu khả quan hơn và có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động. Đây là cơ hội để đẩy mạnh XKLĐ trên địa bàn tỉnh, vốn dĩ im ắng trong suốt thời gian qua.

 

Các nữ công nhân Việt Nam đang làm nghề lắp ráp điện tử tại một nhà xưởng ở Singapore.

 

* Một số thị trường tiềm năng

Theo các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các đơn vị XKLĐ thông qua các trung tâm để tuyển dụng số lượng lớn lao động đưa sang các nước. Trong đó, có một số thị trường XKLĐ đầy tiềm năng, có công việc ổn định, mức thu nhập tương đối cao.

Thị trường Nhật Bản tuyển lao động với 3 trình độ khác nhau. Đối với lao động tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí, tuyển lao động nam, tuổi từ 22-30, chi phí đi 3.000 USD (tương đương khoảng 54 triệu đồng), lương căn bản 27 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền làm thêm giờ). Đối với lao động tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành cơ khí, điện, điện tử, nam tuổi từ 22-30, chi phí đi 3.000 USD (tương đương khoảng 54 triệu đồng), lương căn bản 15 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền làm thêm giờ). Đối với lao động phổ thông hoặc có nghề công nghiệp nhẹ, như: cơ khí, phay, bào, tiện, hàn, cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, lắp ráp điện tử, chế phẩm nhựa, may công nghiệp, tuyển nam, nữ tuổi từ 19-32, chi phí đi khoảng 45 triệu đồng, lương 12 triệu đồng/tháng.

Thị trường Libya, tuyển kỹ sư, đốc công xây dựng và lao động có nghề xây dựng, tuổi 20-45, chi phí đi 400 USD với kỹ sư, đốc công xây dựng và 1.600 USD với lao động có nghề, mức thu nhập từ 5,9 triệu đến 33,3 triệu đồng/tháng tùy công việc.

Thị trường Trung Đông (U.A.E) tuyển thợ hàn, thợ cơ khí chế tạo, thợ máy diesel, chi phí đi 35 triệu đồng, thu nhập 9,6 triệu/tháng; tuyển thợ máy tàu thủy, chi phí đi 45 triệu đồng, thu nhập 17,8 triệu đồng/tháng; tuyển thợ điện, thợ điện công nghiệp, thợ điện lạnh, chi phí đi 30 triệu đồng, thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.

Thị trường Đài Loan tuyển lao động ngành cơ khí, thợ điện công nghiệp, chi phí đi 100 triệu đồng, thu nhập 9,5 triệu đồng (chưa tính tiền làm thêm giờ)...

* Hỗ trợ người nghèo XKLĐ

Theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, Nhà nước sẽ đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng hỗ trợ người dân ở 61 huyện nghèo (trong đó, tỉnh ta có 3 huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh), để phấn đấu đến năm 2020 đưa 100 ngàn lao động đi làm việc ở các nước, góp phần giảm 19% số hộ nghèo ở các địa phương thuộc Đề án.

Giai đoạn 2009-2010, Đề án thực hiện thí điểm đưa 10 ngàn lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (bình quân mỗi năm sẽ xuất khẩu khoảng 5 ngàn lao động), góp phần giảm 6 ngàn hộ nghèo (chiếm 2,8% số hộ nghèo thuộc 61 huyện nghèo nhất nước). Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ 100% kinh phí cho người lao động nghèo, dân tộc thiểu số, hỗ trợ 50% kinh phí cho các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo, để học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ; các cơ sở dạy nghề cho XKLĐ cũng sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Ngoài ra, đối với trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 12 tháng phải về nước thì được hỗ trợ bằng 1 lượt vé máy bay khi gặp một trong các lý do: sức khỏe không phù hợp với yêu cầu công việc; chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên người lao động bị mất việc làm; chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Ông Phạm Văn Lịch, Trưởng phòng Dịch vụ XKLĐ (Công ty Cổ phần Xây dựng 47), đơn vị được UBND tỉnh cho phép tiếp cận 3 huyện nghèo: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh để tạo nguồn XKLĐ, cho biết: “Việc triển khai Đề án hỗ trợ người dân các huyện nghèo tham gia XKLĐ sẽ góp phần vực dậy thị trường XKLĐ vốn trầm lắng bấy lâu nay; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo cho người dân ở các huyện nghèo”.

Tuy nhiên, theo ông Lịch cái khó hiện nay là người dân ở các huyện nghèo trình độ văn hóa còn thấp, nên việc hỗ trợ cho họ học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ phải mất khá nhiều thời gian, chi phí...

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
88,95% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2009  (18/06/2009)
Lại “đứt” thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn  (18/06/2009)
Theo dõi sức khỏe 4 hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm cúm A (H1N1)  (17/06/2009)
Tập trung xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo  (17/06/2009)
Tôn vinh 190 cá nhân, 10 tập thể trong phong trào hiến máu  (16/06/2009)
Phòng chống dịch bệnh và VSATTP là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu  (16/06/2009)
Ghi nhận về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009  (16/06/2009)
Những nghĩa cử cao đẹp  (15/06/2009)
Tuyển lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động   (14/06/2009)
Một giọt máu, vạn tấm lòng   (14/06/2009)
Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2009-2010  (13/06/2009)
Tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm  (13/06/2009)
Đình chỉ lưu hành một số loại thuốc giả, không đạt chất lượng  (12/06/2009)
Cần nỗ lực phát triển KT-XH tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương  (12/06/2009)
Phong trào thi đua được phát động sâu rộng, toàn diện  (12/06/2009)