Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức báo động dịch cúm A (H1N1) lên cao nhất. Số ca dương tính với cúm A (H1N1) ở nước ta cũng đang tăng lên từng ngày. Cuộc họp khẩn do UBND tỉnh tổ chức trong tuần này cũng đã nhấn mạnh: Đây là thời điểm “nhạy cảm” tập trung đông người với lượng khách du lịch, học sinh, sinh viên về thăm gia đình, thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, nên công tác phòng chống dịch bệnh cúm A (H1N1) phải được ưu tiên hàng đầu.
|
Đo thân nhiệt cho hành khách tại Sân bay Phù Cát. Ảnh: Thu Phương
|
* Phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất
Tình hình dịch bệnh cúm A (H1N1) trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Dịch đang bùng phát trên toàn cầu và số ca mắc có kết quả dương tính trong nước ngày càng gia tăng. Tại Bình Định, mặc dù cúm A (H1N1) chưa có ca dương tính, nhưng đã xuất hiện những ca nghi ngờ từ vùng dịch trở về.
Ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay, thời gian qua ngành Y tế đã tiến hành điều tra, cách ly một số trường hợp nghi ngờ từ các vùng có dịch về: 6 trường hợp ở TP Quy Nhơn (5 nhập cảnh, 1 nội địa); 4 trường hợp ở xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn (1 nhập cảnh và 3 tiếp xúc); 1 ở huyện Hoài Nhơn và 1 ở Tuy Phước. Đồng thời, thực hiện việc giám sát các trường hợp tiếp xúc với hành khách nghi ngờ mắc bệnh.
Dù hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có ca dương tính với cúm A (H1N1), nhưng tỉnh đã khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch với mục tiêu chủ động ngăn chặn không để dịch cúm A (H1N1) xâm nhập. Đặt trường hợp nếu có ca bệnh thì phải phát hiện ngay từ ca đầu tiên, bao vây, xử lý triệt để, không để dịch lây lan.
Sở Y tế được giao “cầm trịch”, đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch. Trung tâm Truyền thông -Giáo dục sức khỏe đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm đưa thông tin dịch bệnh đến với cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền trong hội nghị, cuộc họp của địa phương.
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tổ chức kiểm tra và triển khai công tác kiểm dịch y tế tại các “trọng điểm” như Cảng Quy Nhơn, Sân bay Phù Cát, Ga Diêu Trì; đồng thời chỉ đạo các Trung tâm Y tế tổ chức kiểm tra tại các đầu mối giao thông như nhà ga, bến xe, các quán ăn dọc Quốc lộ. Thực tế việc triển khai các hoạt động giám sát, cụ thể là tổ chức đo thân nhiệt tại các sân bay, bến cảng thời gian qua cho thấy, các ngành, đơn vị phối hợp triển khai kiểm dịch y tế chặt chẽ đối với tàu khách, tàu hàng đi từ vùng dịch đến; tổ chức điểm cách ly tạm thời để xử lý các trường hợp nghi ngờ; có phương án xử lý khi có ca dịch; tuyên truyền giáo dục đối với hành khách, nhân viên…
Ngành Y tế cũng đảm bảo có mặt 24/24 giờ tại Cảng Quy Nhơn để tiến hành làm thủ tục cho tàu xuất nhập cảnh, lập tờ khai y tế đối với khách nước ngoài và khách từ vùng dịch đến. Kết quả đã làm thủ tục cho 189 tàu đến với 3.123 thủy thủ và 201 tàu đi với 3.381 thủy thủ tại Cảng Quy Nhơn. Giám sát tại phao số 0 cho 26 tàu đến từ các vùng có dịch, lập tờ khai y tế và đo thân nhiệt cho 334 thủy thủ.
Khâu điều trị, thuốc men, hóa chất, phương tiện cấp cứu và bảo hộ cũng được chú trọng. Hiện, đơn vị chịu trách nhiệm điều trị chính vẫn là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
* Tập trung mọi nguồn lực, cộng đồng cùng vào cuộc
Dù đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A (H1N1), nhưng tại cuộc họp khẩn do UBND tỉnh tổ chức, một số băn khoăn và bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh đã được lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng đưa ra.
Ông Lê Quang Hùng cho rằng, theo quy định, kinh phí để phục vụ và bồi dưỡng cho nhân lực làm công tác giám sát, kiểm dịch chỉ được thực hiện khi có dịch xảy ra. Vì thế, thực tế trong thời gian qua, đội ngũ này chỉ làm bằng trách nhiệm và lòng nhiệt tình là chính. Ông Phan Trọng Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cũng có cùng chia sẻ về vấn đề này.
Hiện tại, Sân bay Phù Cát là cửa ngõ giao lưu của tỉnh với hai đầu đất nước. Do đó, phòng chống dịch bệnh được lãnh đạo Sân bay đặt lên hàng cấp thiết. Song đại diện lãnh đạo Cảng Hàng không Phù Cát cũng trăn trở bởi đơn vị chưa có kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh cúm A (H1N1). Qua đợt kiểm tra thân nhiệt các hành khách ngày 5.6, không có hành khách nào bị sốt, nhưng lãnh đạo Sân bay đặt vấn đề, nếu có hành khách bị lây nhiễm cúm A (H1N1), buộc phải cách ly toàn bộ số khách đi cùng, thì không còn thời gian để làm công tác tiêu độc, khử trùng máy bay (bởi thời gian chuyển tuyến của máy bay chỉ có 1 giờ đồng hồ). Mặt khác, khi hành khách không chịu hợp tác với cơ quan chuyên môn thì phải có giải pháp gì? Phòng cách ly của Sân bay Phù Cát hiện được bố trí tạm thời ở phòng an ninh, nên cũng phải tính đến phương án tiêu độc, khử trùng hợp lý và an toàn.
Trong thời điểm từ nay đến tháng 7.2009, tỉnh ta sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 với khoảng 200 ngàn thí sinh cùng người nhà; tiếp sau đó là Hội thi Giáo viên dạy nghề Toàn quốc với khoảng 1 ngàn giáo viên tham gia. Do đó, đại diện của Ga Diêu Trì lo lắng lưu lượng khách di chuyển trên tuyến giao thông đường sắt khá đông, nên rất khó kiểm soát.
Với những băn khoăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình đã yêu cầu ngành Y tế cùng phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan giải quyết sớm và triệt để; đồng thời, nhấn mạnh sự nguy hiểm của dịch cúm A (H1N1) nhưng cũng khẳng định: có thể điều trị và phòng chống hiệu quả một khi công tác dự phòng và giám sát dịch bệnh được chủ động. Các cấp ngành và địa phương phải coi phòng chống dịch cúm A (H1N1) là nhiệm vụ cấp bách. Ở thời điểm này, công tác tuyên truyền nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch cúm A (H1N1) được đặt lên hàng đầu. Tuyên truyền phải thường xuyên, kịp thời; song cũng cần chú ý tránh làm người dân rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng hay chủ quan, lơ là với dịch.
|