Thời gian qua, nạn móc túi, lấy trộm điện thoại… xảy ra khá thường xuyên tại các cơ sở y tế trong tỉnh, nhất là các bệnh viện (BV), trung tâm y tế vốn tập trung đông đảo người khám chữa bệnh. Những biện pháp chấn chỉnh của các BV dường như vẫn chưa hiệu quả. Để bảo vệ tài sản của mình, bệnh nhân và người nhà phải luôn nâng cao cảnh giác…
|
Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại BV Đa khoa TP Quy Nhơn.Ảnh: N.V.T |
* “Đạo chích” hoành hành ở BV
Khoảng 2 giờ ngày 16.2.2008, lực lượng bảo vệ BV Đa khoa tỉnh đã phát hiện, bắt giữ Bùi Tiến Tốt (26 tuổi, ở thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn), đang lén lút lẻn vào khoa Nhi chuẩn bị trộm cắp tài sản của người nhà bệnh nhân. Lúc bị bắt, tên Tốt đang giấu trong người 3 điện thoại di động mới lấy cắp. Rạng sáng 10.7.2008, nhân viên bảo vệ BV Đa khoa TP Quy Nhơn đã bắt giữ Phan Văn Đạm (21 tuổi, ở Quy Nhn) lúc hắn đang lấy cắp điện thoại di động của bệnh nhân… Đây là hai trong số ít những vụ trộm cắp mà lực lượng bảo vệ BV phát hiện được. Phần lớn các vụ trộm cắp, nạn nhân không khai báo, hoặc có khai báo nhưng khó tìm thủ phạm.
Khuya 22.4.2009, vừa ra ngoài cổng BV Đa khoa tỉnh vài phút, ví đựng tiền và điện thoại di động của chị K.M (người nhà một bệnh nhân điều trị ở khoa Nội Tim mạch, BV Đa khoa tỉnh) đã “không cánh mà bay”. Cũng trong lúc đó, những người đi thăm nuôi thấy một thanh niên lảng vảng ngay trước phòng bệnh, dáng vẻ khả nghi, nên đã báo cáo cho bảo vệ BV. Người thanh niên này bị bảo vệ bắt và nhốt trong phòng, chờ công an xuống giải quyết. Nhưng thừa cơ không ai chú ý, hắn đã mở cửa sổ, nhảy qua hàng rào phía nhà tang lễ BV và chạy thoát.
|
Mũ bảo hiểm để hớ hênh như thế này rất dễ bị mất cắp. Ảnh: N.V.T |
Cũng ở BV này, ngày 22.5.2009, cả bệnh nhân lẫn người thăm nuôi ở khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, đều bị sốc khi biết một bệnh nhân ở buồng bệnh số 6 bị trộm cuỗm mất 19 triệu đồng. Điều đáng nói, tên trộm lại chính là một trong bốn bệnh nhân còn lại của buồng bệnh này. Gần đây nhất, lúc 16 giờ ngày 16.6.2009, tại phòng Nhi C, thuộc khoa Nhi, trong một phút lơ là, chiếc điện thoại di động của chị Trần Thị Thanh H. đã bị trộm lấy mất.
Ngoài tiền bạc, điện thoại di động… mũ bảo hiểm cũng là “đích nhắm” của bọn đạo chích. Anh N.V (Quy Nhơn) bức xúc kể lại: “Tôi đưa người nhà vào BV Đa khoa tỉnh cấp cứu, vội vàng nên để mũ bảo hiểm trên cổ xe. Đến lúc quay ra thì chẳng thấy đâu. Cũng may, lúc về không bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm”, không thì chẳng biết thanh minh thế nào!”.
Tại BV Đa khoa khu vực Bồng Sơn, theo báo cáo của các khoa phòng, từ đầu năm 2009 đến nay đã xảy ra hơn 22 vụ mất trộm. Riêng bệnh nhân và người nhà khoa Sản mất tổng cộng 6 điện thoại di động. Các khoa Truyền nhiễm, Đông y bệnh nhân cũng bị mất nhiều điện thoại di động khi đang sạc pin. Ngoài tiền, điện thoại, bọn trộm còn lấy cả nước ngọt, nước yến.
Tình trạng mất cắp là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay ở các BV, đặc biệt là ở các BV tuyến tỉnh, BV khu vực các huyện có số lượng bệnh nhân lớn. Bọn trộm cắp nhắm đến tất cả các đối tượng. Không ít người gia cảnh đặc biệt khó khăn, vừa nặng nỗi lo ốm đau bệnh tật, lại thêm rầu rĩ vì bị mất tài sản, không có tiền chữa bệnh…
|
Bệnh nhân và người nhà cần nâng cao cảnh giác bảo vệ tài sản của mình. Ảnh: N.V.T |
* Phòng ngừa là chính
Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc BV Đa khoa TP Quy Nhơn: “Để hạn chế tình trạng trộm cắp trong BV, chúng tôi thường xuyên phát trên hệ thống loa nội bộ những cảnh báo cho bệnh nhân và người nhà. Hằng tuần, BV đều tổ chức họp hội đồng bệnh nhân, trong đó có nội dung tuyên truyền về an ninh trật tự trong BV. Khi đến BV đăng ký khám bệnh, đề nghị bà con không được chen lấn, nên ngồi ở ghế đợi; BV đã có hệ thống mạng nội bộ, đảm bảo việc khám chữa bệnh công bằng”. |
Nạn trộm cắp trong BV đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, bọn trộm ngày càng có nhiều thủ thuật tinh vi như trà trộn vào dòng người chen chúc ở các phòng đợi, quầy thuốc, điểm thu viện phí… hay giả làm người nhà bệnh nhân để chờ cơ hội ra tay. Cách đây hơn tháng, tại BV Đa khoa TP Quy Nhơn, xuất hiện một thanh niên ăn mặc lịch sự, xưng là nhân viên của BV, nhận tiền của bệnh nhân và hứa sẽ giúp họ khám chữa bệnh nhanh hơn. Sau khi lừa được hai người, biết mình bị bảo vệ theo dõi, hắn trốn biệt.
Hiện nay, lượng bệnh nhân và thân nhân người bệnh tập trung tại các BV rất đông, như BV Đa khoa tỉnh có hơn 1.000 lượt bệnh nhân, kèm với ngần ấy hoặc gấp đôi gấp ba người nhà đi theo ra vào mỗi ngày. Ở BV Đa khoa TP Quy Nhơn tình hình cũng tương tự. Anh Nguyễn Văn Dũng, nhân viên bảo vệ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bảo vệ - Vệ sĩ Hoàng Long, cho biết: Hằng ngày, anh và hai bảo vệ trực tại BV Đa khoa TP Quy Nhơn, nhưng từ 17 giờ đến sáng hôm sau, chỉ có mình anh trực. Trong khi đó, lượng bệnh nhân và người nhà ra vào rất lớn, không thể bao quát hết được. Với lực lượng bảo vệ mỏng so với số lượng người ra vào đông, tình trạng mất cắp ở các BV là điều khó tránh.
Theo ông Dương Công Quy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, BV Đa khoa khu vực Bồng Sơn, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vụ trộm cắp trong BV thường là do sự lơ là, chủ quan của bệnh nhân và người nhà. Bên cạnh đó, việc theo dõi giám sát của bộ phận bảo vệ còn lỏng lẻo, nhiều đối tượng ở nơi khác trà trộn vào khu vực bệnh nhân điều trị, khám bệnh để gây án.
Vì vậy, để đấu tranh, triệt phá và ngăn chặn loại tội phạm này, mọi người tự mình phải nâng cao cảnh giác. Trước khi đi ngủ phải kiểm tra khóa cửa cẩn thận, không nên để tiền, vàng với số lượng lớn trong người. Khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, cũng như khi xảy ra mất trộm tài sản phải giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho bảo vệ…
|