Gần chục năm nay, huyện Vĩnh Thạnh triển khai việc xây dựng hương ước, quy ước tại các bản làng người Ba na một cách rất hiệu quả. Dù có nhiều điểm khác nhau giữa lệ làng xưa và hương ước nay, nhưng đại đa số đồng bào Ba na đều phấn khởi, bởi hương ước là chiếc cầu nối giữa những tục lệ truyền thống tốt đẹp của người Ba na và pháp luật hiện hành của xã hội.
|
Già làng đến từng hộ để vận động thực hiện hương ước. Ảnh: Ngọc Diên
|
* Đưa hương ước tham gia quản lý nhà nước ở bản làng
Ẩn dưới những cánh rừng đại ngàn Vĩnh Thạnh là cuộc sống của hơn 6.500 người dân Ba na, những người dân đã bao đời gắn mình với thiên nhiên, với những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp và độc đáo. Cuộc sống hôm nay của bà con Ba na ở Vĩnh Thạnh đã có nhiều đổi mới, cái ăn, cái mặc được đầy đủ hơn, đời sống văn hóa tinh thần được Nhà nước quan tâm chu đáo hơn. Tuy nhiên hầu hết ở các bản làng Ba na vẫn còn tồn tại nhiều luật tục cũ, mà trong đó điều hay, lẽ phải có rất nhiều nhưng điều dở, sự lạc hậu cũng song song tồn tại.
Một điển hình của tập tục cũ là mí H ở làng Đak Tra, Vĩnh Sơn, mới 24 tuổi nhưng đã được gọi là mí (mẹ) từ cách đây 9 năm. Bây giờ mí H đã có 3 con và đứa nhỏ nhất đã 4 tuổi. 15 tuổi, cô bé này vội vã “bắt chồng”, làm vợ, rồi làm mẹ mà chưa kịp hưởng những tháng ngày hồn nhiên của tuổi thơ. Những đứa con của cô do được sinh ra từ cơ thể non nớt của mẹ, nên thể trạng đứa nào trông cũng yếu ớt, còi cọc. Trường hợp của mí H chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tảo hôn khác trong cộng đồng người Ba na ở Vĩnh Thạnh trước đây. Đám cưới của mí H ngày ấy dù chưa được pháp luật công nhận, nhưng cũng không bị luật tục Ba na ngăn cấm.... Còn người Ba na ở Vĩnh Thạnh hôm nay thì đã khác nhiều.
Bắt đầu từ năm 2000 huyện Vĩnh Thạnh triển khai việc xây dựng hương ước, quy ước cho từng làng Ba na trong huyện. Hương ước do người dân trong mỗi làng xây dựng nên, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung trong cộng đồng nhằm phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa của làng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Sau khi thống nhất chủ trương từ các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận từ xã đến huyện, các làng bắt đầu tổ chức cho nhân dân họp để bàn bạc, thảo luận, đóng góp xây dựng hương ước. Bok Tac, già làng K4 ở xã Vĩnh Kim từng nói: “Lệ làng của người Ba na có từ đời ông, đời bà, bây giờ cuộc sống mới rồi, cái gì hay thì giữ, cái gì dở thì phải bỏ”.
* Xây dựng hương ước là dịp loại bỏ những hủ tục
Khi đưa dự thảo hương ước ra thảo luận ở các làng Ba na, điều mà nhiều bà con đặc biệt chú ý là nên chọn giữ lại những lệ làng nào có ích lợi cho cộng đồng và nên xóa bỏ những lệ làng quá lạc hậu, sa vào hủ tục. Có trên 90% bà con các làng nhất trí bỏ lệ phạt vạ quá nặng đối với những trường hợp vi phạm các quy định của làng như: phạt trâu, bò, chiêng, ché.... Đồng thời bà con Ba na ở Vĩnh Thạnh cũng kiên quyết giữ lại những quy định truyền thống phù hợp với đạo lý dân tộc như: Cấm kết hôn cùng dòng máu; cấm trộm cắp; cấm phản bội lại dòng tộc, cộng đồng; phải tham gia sinh hoạt, họp làng đầy đủ; cấm người say rượu không được tham dự bất kỳ cuộc họp nào của làng; cam kết cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc tang, việc cưới, các sinh hoạt cộng đồng khác.... Những nội dung này cũng là những tiêu chuẩn được đưa vào quy chế xây dựng “Làng văn hóa mới”.
Già làng Bá Nganh- làng K4- Vĩnh Sơn còn yêu cầu: “Phải đưa quy ước xuống cho dân học tập cụ thể và cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện theo hương ước”. Người dân Ba na ở Vĩnh Thạnh cũng rất phấn khởi, bởi trong đa số các hương ước, quy ước của làng đều có phần cam kết giúp đỡ nhau về vốn, lao động, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... để mọi người dân trong làng có cơ hội có việc làm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời người dân cũng kiên quyết phê phán những người lười lao động, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Nhiều làng của xã Vĩnh Kim, bà con quy định mỗi hộ gia đình phải có trách nhiệm tham gia xây dựng các công trình phúc lợi và giữ gìn vệ sinh trong gia đình, trong làng và nơi nguồn nước... nếu ai vi phạm thì tùy mức độ nặng, nhẹ sẽ đưa ra kiểm điểm và dân làng thống nhất xử lý.
* Không có ranh giới giữa hương ước và pháp luật
Một điểm hết sức tiến bộ là khi thảo luận để xây dựng hương ước, tất cả các làng Ba na ở Vĩnh Thạnh đều thống nhất việc đưa toàn bộ trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không để trẻ em bỏ học; tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm động viên và khích lệ cho con em trong làng thi đua nhau học tốt.
Cách đây 9 năm, làng K93, Vĩnh Kim xây dựng một lệ mới rất đẹp, như: Trai đủ 20, gái đủ 18 tuổi mới bắt chồng, bắt vợ; khi hai bên đồng ý lấy nhau họ sẽ đến UBND xã đăng ký kết hôn. Chỉ sau khi đôi nam nữ trình giấy đăng ký kết hôn cho già làng thì gia đình mới được tổ chức đám cưới. Tất cả các quan hệ nam nữ bất chính, trái với phong tục người Ba na và pháp luật của Nhà nước đều bị nghiêm cấm.
Cùng với việc xây dựng hương ước, tất cả các làng Ba na ở Vĩnh Thạnh đều lập tổ hòa giải, thành viên của tổ có những già làng có uy tín. Trong công tác hòa giải, các thành viên chủ yếu áp dụng các quy định của hương ước, phối hợp với việc giải thích pháp luật, cho nên hơn 95% số vụ xích mích, tranh chấp và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân các làng Ba na ở Vĩnh Thạnh được hòa giải thành.
|