Các bệnh viện đang quá tải vì lượng bệnh nhân nhập viện do nắng nóng ngày càng tăng.
|
Rất đông người dân chờ đến lượt khám bệnh tại BVĐK tỉnh. Ảnh: T.H
|
* Quá tải bệnh nhi và người già
Nắng nóng kéo dài, lượng người đến khám tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tăng vọt, chủ yếu là trẻ em và người già. Trong đó, 10% người già bị bệnh lý tăng huyết áp, 23% trẻ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp, sốt siêu vi và sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Hữu Lành cho biết: “Nhiệt độ môi trường tăng cao 37-380C, trong khi cơ thể người già đáp ứng kém sự thay đổi của thời tiết, làm cho huyết áp tăng cao, dễ dẫn đến đột quỵ”.
Ở các khoa điều trị, lượng bệnh nhân nhập viện tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trước. Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện chỉ có 24 giường bệnh nhưng lượng bệnh nhân tăng gấp nhiều lần, chủ yếu là trẻ mắc các bệnh thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn 30%-40%. Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, còn có nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai.
Trong khi đó, từ tháng 4.2009, cùng với việc phân tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thời tiết nắng nóng gay gắt, nên lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại hai khoa Nội và Nhi của BVĐK TP Quy Nhơn cũng tăng mạnh.
Khoa Nội của Bệnh viện này hiện có 99 bệnh nhân, nhưng người già đã chiếm hết 70%. Người già thường mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp (30%), suy tim, thiểu năng vành (20%) và tai biến mạch máu não (15%-20%). Những bệnh nhân này hầu hết đều mắc bệnh lý mãn tính, nên khi nắng nóng kéo dài, bệnh tái phát nặng hơn. Số bệnh nhân còn lại mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày cấp, tiêu chảy cấp… cũng là những bệnh lý đặc trưng của mùa hè. Ngoài số bệnh nhân của thành phố, khoa còn tiếp nhận và điều trị người bệnh đến từ các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ… Đáng chú ý, phần lớn người bệnh nhập viện trong tình trạng nặng, phải cấp cứu suy hô hấp, tăng huyết áp quá cao và tai biến mạch máu não. Khoa có 99 bệnh nhân nhưng chỉ có 75 giường bệnh.
Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân phải nằm giường đôi, chật chội, nên sinh hoạt và trật tự trong phòng bệnh không đảm bảo. Ngoài ra, do lượng bệnh nhân quá tải, các bệnh viện phải kê thêm giường nên phòng ốc không đủ thông thoáng, không đáp ứng đủ nhu cầu vô khuẩn cho bệnh nhân, dễ dẫn đến tình trạng lây chéo bệnh. Tình trạng quá tải bệnh nhân gây khó khăn trong quá trình theo dõi và điều trị cho người bệnh.
* Các bệnh viện lo... chống nóng
Thật ra, tìn h trạng quá tải bệnh nhân đã là “căn bệnh kinh niên” ở nhiều bệnh viện trong tỉnh. Song, với thời điểm nắng nóng gay gắt và kéo dài như hiện nay, “căn bệnh” này càng trầm trọng hơn. Quá tải bệnh nhân, kéo theo máy móc, nhân lực phục vụ cũng làm việc quá công suất.
Theo bác sĩ Hàn Cảnh Định, khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh, với lượng bệnh nhân tập trung đông, lịch mổ chương trình không kịp, nên nhiều bệnh nhân phải chờ đợi lâu.
Còn tại khoa Nhi và Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, đến thời điểm này, không thể kê thêm giường bệnh nào nữa. Dù không được phép, nhưng nhiều bệnh nhân lớn tuổi cộng với bệnh tật, không thể nằm ghép, nên đã “dạt” ra hành lang Bệnh viện. Trong khi đó, một số bệnh nhân nhi ở nội thành cũng được cha mẹ đưa về nhà vào buổi tối để tránh phải nằm chung.
Nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày nữa thì bệnh nhân sốt siêu vi, hô hấp, tăng huyết áp, tim mạch sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. BVĐK thành phố cũng đang có kế hoạch tăng thêm phòng khám riêng cho 3 khoa Nội, Nhi, Ngoại. Nhưng bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện, cũng trăn trở, bởi nếu bệnh nhân điều trị nội trú vẫn tiếp tục tăng quá nhiều thì chỉ còn phương án kê giường bệnh ở… hội trường hay hành lang Bệnh viện.
Trong khi đó, nhân lực phục vụ, nhất là bác sĩ đang thiếu trầm trọng. Ngoài 50 chức danh khác phải hợp đồng để “gánh” khoảng 100 giường bệnh kê thêm, BVĐK thành phố còn cần khoảng 20 bác sĩ để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tính đến thời điểm này, các bác sĩ đang phải căng sức làm việc. Bởi theo quy định, tối đa một bác sĩ ở bệnh viện hạng II điều trị cho 8-12 bệnh nhân, nhưng bác sĩ BVĐK thành phố phải gánh đến 15 bệnh nhân.
Bác sĩ Bành Quang Khải, Trưởng khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, khuyến cáo: “Với những bệnh thông thường, bệnh nhân nên điều trị ngoại trú để theo dõi và điều trị tại nhà. Chỉ những trường hợp thật cần thiết bệnh nhân mới nên nhập viện, vừa làm giảm áp lực quá tải vừa đảm bảo tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân với nhau”.
Các bác sĩ lưu ý, khi người già có dấu hiệu sốt cao, rối loạn ý thức, lơ mơ hôn mê, khó thở hoặc đau ngực, mệt mỏi, khát nước, nôn mửa, tiêu chảy quá nhiều nên đi khám và nhập viện sớm. Để phòng ngừa được những bệnh nêu trên, người già nên ở trong môi trường thoáng mát, ăn nhạt, uống nhiều nước, theo dõi huyết áp hàng ngày, tránh nắng nóng và tiếp xúc với khói bụi dễ làm cho bệnh lý tái phát. |
|