|
Từ ngày 15.4.2009, nếu chủ xe cơ giới không có giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS sẽ bị xử phạt. Ảnh: Ngọc Diên |
Theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và Thông tư số 35/2009/TTLT-BTC-BCA hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 103, tất cả các chủ xe cơ giới tham gia giao thông đều phải tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS.
* Mua bảo hiểm là bắt buộc
Từ giữa tháng 4.2009, chủ xe cơ giới sẽ bị xử phạt từ 100 - 500 ngàn đồng (xe máy và ô-tô) nếu không có giấy chứng nhận Bảo hiểm TNDS. Thông tư 35 chỉ rõ mục đích của việc bắt buộc các chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm TNDS, chính là nhằm giải quyết những thiệt hại cho chủ xe và người bị thiệt hại khi không may xảy ra TNGT. Bởi khi TNGT xảy ra, chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn do xe gây ra cả về tính mạng, tài sản và bồi thường cho cả hành khách ngồi trên xe, nếu có thiệt hại.
Nghị định 103 và Thông tư 35 cũng đã quy định chi tiết hơn trách nhiệm của các bên liên quan như trách nhiệm của chủ xe, của công ty bảo hiểm, của cơ quan công an,... Thông thường, khi có tai nạn xảy ra, chủ xe phải cung cấp một số giấy tờ như giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực, bản sao giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, CMND hoặc hộ chiếu cho cơ quan công an. Cơ quan CA có trách nhiệm thu thập, hoàn chỉnh hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào đó để bồi thường.
Hiện nay, người dân có thể mua bảo hiểm một cách dễ dàng khi đã có gần 30 công ty bảo hiểm triển khai các gói bảo hiểm trên toàn quốc. Tại Bình Định hiện đã có 8 doanh nghiệp là chi nhánh và 3 văn phòng đại diện của các Công ty bảo hiểm.
* Vẫn còn nhiều người không mua bảo hiểm
Cho đến thời điểm này, tức đã qua thời điểm Thông tư 35 có hiệu lực thi hành đến 2 tháng rưỡi, nhưng số người tham gia mua bảo hiểm còn rất ít. Nhiều chủ phương tiện, nhất là mô-tô, xe máy vẫn còn tâm lý mua bảo hiểm bắt buộc để tránh bị phạt chứ không phải tự giác mua vì thấy lợi ích thiết thực của nó. Các chi nhánh bảo hiểm tại Bình Định, trong thời gian từ trước, trong và sau khi Thông tư 35 có hiệu lực số lượng hợp đồng bảo hiểm ô-tô, xe máy bán ra vẫn không đổi, không có hiện tượng tăng nhanh số lượng hợp đồng bảo hiểm TNDS. Có thể so sánh từ ngày 15.4 đến ngày 15.6.2008, Chi nhánh PJICO Bình Định hợp đồng bảo hiểm được khoảng 400 ô-tô và 6.500 xe máy; thì trong thời gian từ 15.4 đến 15.6.2009 Chi nhánh này hợp đồng bảo hiểm được khoảng 360 ô-tô và 5.500 xe máy.
Số lượng hợp đồng có giảm hơn một ít, khách quan là do: Một số hợp đồng cũ có thời hạn 24 tháng, nên chưa hết hạn; Bộ Tài chính cấm khuyến mãi (mũ bảo hiểm, áo…) về bảo hiểm TNDS; một số ô-tô hết đời.
Hiện nay số xe máy không mua bảo hiểm TNDS còn rất lớn, nhiều vụ TNGT chủ phương tiện không có bảo hiểm, nên giải quyết cho người bị hại không được kịp thời. Trong trường hợp chủ xe không mua bảo hiểm TNDS thì bản thân họ phải tự bồi thường. Nhưng nếu chủ phương tiện không có đủ tiền để chi trả những khoản này, thì sẽ gây khó khăn cho người bị thiệt hại.
Quy định chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua Bảo hiểm TNDS là biện pháp khắc phục hậu quả vụ TNGT cho nạn nhân; bởi chủ xe sắm được xe để sử dụng hoặc hoạt động kinh doanh, nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện về tài chính để đền bù.
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm PJICO Bình Định: “Trong quá trình giải quyết bồi thường cho khách hàng, chúng tôi có gặp một số trường hợp khách hàng không làm theo hướng dẫn của hợp đồng bảo hiểm, dẫn đến một số khiếu nại đáng tiếc. Để đảm bảo lợi ích cho chủ phương tiện tham gia mua bảo hiểm và người bị thiệt hại, chúng tôi lưu ý một số điểm như sau: Khi có TNGT xảy ra, người tham gia bảo hiểm phải báo ngay cho công ty bảo hiểm để họ cử người xuống hiện trường phối hợp giải quyết, sau đó là việc hoàn thiện một loạt các giấy tờ, chứng từ để đưa vào hồ sơ đề nghị bồi thường. Bộ hồ sơ này buộc phải có một số giấy tờ như bản sao bộ hồ sơ TNGT có xác nhận của CA nơi thụ lý tai nạn (bao gồm sơ đồ hiện trường vụ TNGT, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe, biên bản giải quyết TNGT, bản kết luận điều tra TNGT...); Các hóa đơn, chứng từ có liên quan đến việc sửa xe (trong trường hợp xe hỏng), biên bản mất cắp (xe bị trộm cắp); hóa đơn chứng từ xác nhận thiệt hại về hàng hóa; hóa đơn chứng từ y tế xác nhận tình trạng thương tật”. |
|