|
Lao động có tay nghề đang khan hiếm. |
Hiện nay, lao động (LĐ) có trình độ rất khó xin việc; ngược lại LĐ có tay nghề thì khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng...
* Khan hiếm LĐ có tay nghề
Theo các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn LĐ có nghề mộc, may công nghiệp, cơ khí, gò hàn... nhưng không có người để tuyển dụng. Thậm chí, nhiều DN chấp nhận tuyển LĐ phổ thông về đào tạo rồi sau đó bố trí làm việc, nhưng cũng tuyển không ra người.
Ông Trần Hữu Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên, cho biết: Nguyên nhân thiếu LĐ có tay nghề là do đầu vào không có. Hiện nay, các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh rất khó khăn trong việc tìm người học nghề, dù các chính sách cho đối tượng học nghề được quan tâm, ưu đãi rất tốt.
Theo ông Huỳnh Sĩ Hùng, Trưởng phòng Đào tạo - Giới thiệu việc làm và Cung ứng lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Liên đoàn Lao động tỉnh), một số DN thiếu LĐ có tay nghề đã đến Trung tâm liên hệ và họ sẽ tuyển LĐ ngay sau khi ra nghề, nhưng ngặt nỗi, Trung tâm không tìm ra người để học nghề. Trung tâm đã cử cán bộ xuống tận các vùng nông thôn để thông báo tuyển sinh, thế nhưng LĐ ở nông thôn vẫn thờ ơ với việc học nghề, dù ở quê họ chưa có nghề, chưa có việc làm ổn định.
* Thừa LĐ có trình độ
Trong khi LĐ phổ thông, LĐ có nghề đang khan hiếm, thì các trung tâm giới thiệu việc làm mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20-30 hồ sơ của các LĐ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nhờ giới thiệu công việc làm phù hợp.
Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, đầu năm đến nay, đã tiếp nhận 234 hồ sơ có trình độ xin việc, trong khi Trung tâm chỉ giải quyết được 50 chỗ làm; 184 hồ sơ còn lại phải chờ, vì nhu cầu tuyển dụng không có.
Còn tại Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên, đầu năm đến nay cũng tiếp nhận 121 hồ sơ có trình độ. Trung tâm đã nỗ lực liên hệ với các DN trong và ngoài tỉnh, nhưng cũng chỉ giải quyết được 71 hồ sơ, còn tồn 50 hồ sơ...
Theo anh Nguyễn Tiến Sĩ, cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, cứ 10 hồ sơ của LĐ có trình độ nộp tại Trung tâm thì có đến 7 hồ sơ tốt nghiệp Trung cấp Kế toán, trong khi nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực này không nhiều.
Theo khảo sát tại các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, số LĐ thông qua các trung tâm để tìm việc làm, trong đó LĐ có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chiếm đến 80%; LĐ phổ thông và LĐ nghề chỉ chiếm 20%. |
Chỉ trong một buổi sáng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định có 15 đến 20 hồ sơ xin việc chủ yếu là LĐ nữ tốt nghiệp kế toán. Bạn Lệ Thu, 24 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tốt nghiệp Trung cấp Kế toán ngành Hạch toán kế toán của Trường Đại học Duy Tân; hơn 4 năm qua, Thu đã nộp hàng chục hồ sơ xin việc ở khắp nơi mà nay vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Hay bạn Trần Thị Nữ, 23 tuổi, ở xã Phước An, cũng tốt nghiệp Trung cấp Kế toán từ năm 2007, đến nay, vẫn chưa tìm được việc, dù có cả nguyện vọng xin làm nhân viên bán hàng, nhân viên tiếp thị.
Ông Trần Văn Anh, chủ một DN tư nhân ở Quy Nhơn, cho biết: “Mỗi khi DN cần tuyển dụng một vị trí có trình độ cao, nhất là lĩnh vực kế toán, chỉ cần đăng báo là đã có cả trăm người đến nộp hồ sơ xin việc. DN tha hồ chọn lựa những ứng viên đạt yêu cầu”.
Nghịch lý thừa LĐ có trình độ, thiếu LĐ có tay nghề không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh ta mà hầu như ở khắp nơi, nếu Nhà nước không có một hướng điều chỉnh đào tạo cũng như dự báo thị trường LĐ hợp lý, chính xác.
|