HỌC SINH NHƠN HẢI BỎ HỌC :
Thực trạng đau lòng
8:58', 28/6/ 2009 (GMT+7)

Cách đây gần chục ngày, chị tôi có nhu cầu tìm người giúp việc, được người quen giới thiệu Linh, 14 tuổi ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Lúc Linh đến nhà, thấy em còn quá nhỏ để đảm đương việc nhà nên chị không nhận, khuyên Linh về nhà và tiếp tục đến trường. Thật bất ngờ, Linh nói em đã quyết thôi học và năn nỉ xin ở lại giúp việc kiếm tiền. Theo lời Linh kể, các bạn cùng lứa tuổi của Linh bỏ học vào các thành phố kiếm sống rất nhiều… Băn khoăn, chúng tôi tìm đến Nhơn Hải…

 

Người dân Nhơn Hải chủ yếu làm nghề biển, nhận thức kém nên thờ ơ với chuyện học hành của con cái. Ảnh: N.V.T

 

* Bỏ học mưu sinh

Ông Ngô Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nhơn Hải, cho biết: Trong năm học 2007-2008, khối cấp 2 của Trường có cả trăm em học sinh có tư tưởng muốn bỏ học. Nhà trường cùng các đoàn thể ở xã vận động 18 em quay lại lớp học, có 33 em chính thức nghỉ học. Bước vào Lễ Khai giảng năm học 2008-2009, 28 học sinh không có mặt. Nhà trường khẩn trương vận động, chỉ có 14 em lại đến trường. Tính đến cuối năm học, có 23/550 học sinh bỏ học (chiếm tỉ lệ 4,18%).

Theo ông Dũng, học sinh Nhơn Hải nghỉ học rơi vào hai nguyên nhân chính: học yếu, chán nản và hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải làm việc kiếm tiền. Ở trường hợp thứ nhất, nhà trường còn có thể vận động được các em quay lại lớp học; còn trường hợp thứ hai hầu như không vận động được. “Vừa nghỉ học bữa trước, bữa sau chúng tôi tìm đến nhà thì các em đã lên xe đi TP Hồ Chí Minh kiếm việc làm rồi. Vận động gia đình gọi các em về thì càng khó gấp vạn lần”- ông Dũng chia sẻ.

Nghỉ học, các em nam sớm trở thành những ngư dân trên biển, các em nữ thì dạt về các thành phố kiếm sống. Gần thì vượt cầu Thị Nại đến Quy Nhơn làm thuê cho các gia đình, quán ăn; xa hơn thì vào TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu làm thợ may, bán vé số…

Em Ngô Tôn Kim Định, ở thôn Hải Nam, bắt đầu nghỉ học từ tháng 3.2009, khi đang học lớp 7. Hiện tại, cô bé 14 tuổi này đang giữ trẻ cho một gia đình ở đường Lê Lợi (Quy Nhơn). Mỗi tháng, em được trả 700 ngàn đồng. Anh trai Định 16 tuổi, cũng nghỉ học từ lớp 8 để đi “bạn”.

Rồi hai chị em Kim Trang, Kim Duyên (thôn Hải Bắc); Linh (thôn Hải Đông) cùng làm thuê cho một cửa hàng trên đường Mai Xuân Thưởng (TP Quy Nhơn). Các em thay phiên nhau, vừa phụ bán hàng, vừa trông trẻ. Chủ của cửa hàng này là một phụ nữ khá đôn hậu, nên các em được đối xử giống như con cháu trong nhà. Bà còn đang có ý định cho Duyên đi học bổ túc ban đêm.

Đào, 15 tuổi, thôn Hải Bắc, phụ quán cho một quán nhậu bình dân trên đường Thành Thái, thì không được may mắn như thế. Công việc nặng nhọc, làm quần quật từ sáng đến tối, nhưng em chỉ được trả 500 ngàn đồng/tháng. Đào đang nhờ bạn bè cùng trang lứa tìm giúp một công việc khác đỡ vất vả hơn…

 

Duyên và Linh, hai cô bé mới 14,15 tuổi, đã  phải bỏ học mưu sinh. Ảnh: N.V.T

 

* “Lá chắn” mỏng manh

Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Xã Nhơn Hải hiện có 1.363 hộ với 5.415 nhân khẩu. Trong đó, có đến 87% hộ gia đình làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Vì đặc thù của nghề nghiệp mang tính thời vụ, thường xuyên di chuyển ngư trường… và đặc biệt, do nhận thức kém, nên có đến 60% số gia đình ở đây phó mặc chuyện học hành của con cho nhà trường. Nhiều bậc phụ huynh bắt buộc con mình nghỉ học để đi làm kiếm tiền.

Mẹ của Duyên là một điển hình. Duyên kể: “Nhà em đến 7 anh, chị em. Em được người dì nhận về nuôi cho ăn học, giúp dì việc gia đình. Nhưng mẹ em không cho, bảo em ở với dì thì không có tiền, nên bắt em nghỉ học để đi làm ở thành phố”. Không những thế, khi làm chưa đủ tháng, người mẹ đã sang tận nơi, ứng trước tiền lương mang đi. Vừa rồi, Duyên nhớ nhà, ứng lương 200 ngàn đồng về cho bà, cho anh một ít. Hai người anh lêu lổng còn lục túi lấy sạch tiền của Duyên. Người cha thì chẳng làm được gì để giúp con, bởi mối quan hệ của ông với mẹ Duyên không được gia đình lẫn pháp luật thừa nhận.

Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải: “Thực trạng học sinh bỏ học mưu sinh là một mối nguy hại thật sự, không chỉ riêng với Nhơn Hải. Nó đang có nguy cơ thành một “mốt”, khi các em đi làm xa về xúng xính áo quần, săm soi điện thoại di động… làm nhiều em khác lao theo. Sắp tới, xã sẽ phân công cho từng tổ chức đoàn thể, theo dõi, động viên từng đối tượng có nguy cơ bỏ học, hy vọng sẽ cải thiện được phần nào thực trạng này”.

Chúng tôi tìm đến nhà của Kim Định ở thôn Hải Bắc. Căn nhà mới xây khang trang. Cha của Định làm nghề chẻ đá; mẹ của Định tuy mới 36 tuổi, nhưng suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, chẳng làm gì ra tiền. Trò chuyện với mẹ của Định, chúng tôi rất thất vọng trước thái độ thờ ơ của bà mẹ với cuộc sống hiện tại và tương lai của con cái mình.

Đến khi rời nhà Định, gặp gần chục người phụ nữ hàng xóm quây quần, chúng tôi mới hiểu rằng, mẹ của Định không phải là trường hợp cá biệt. Với nhiều người phụ nữ ở đây, con cái của họ chẳng cần học hành, miễn đi làm có tiền là được. Những người cha thì ngoài thời gian lênh đênh trên biển, vào đất liền lại túm tụm bên ly rượu, chai bia, phó mặc gia đình cho vợ. Có những người mẹ đồng tình, thậm chí ép buộc con mình bỏ học, rồi phó mặc cho con tự mưu sinh. Họ đổ lỗi tất cả cho cái nghèo, khi mà chính họ không chịu nỗ lực vươn lên, hay ít ra là nhận phần vất vả, thiệt thòi về mình để vun đắp tương lai cho con…

“Gia đình là lá chắn”, một nhạc sĩ đã từng viết như thế. Đối diện với thực tế đau lòng ở đây, chúng tôi chợt nhận ra, đôi khi, cái lá chắn ấy quá đỗi mỏng manh…

  • Văn Trang - Sao Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Biểu dương 31 phụ nữ dân tộc, tôn giáo tiêu biểu  (27/06/2009)
Ra quân hưởng ứng Ngày Thế giới và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy  (27/06/2009)
Đau lòng chuyện con đánh cái  (27/06/2009)
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (27/06/2009)
Sôi động các lớp năng khiếu hè  (26/06/2009)
LỜI CẢM TẠ  (26/06/2009)
Tăng thêm tàu phục vụ thí sinh đi thi ĐH, CĐ  (26/06/2009)
Khánh thành Bia Di tích lịch sử nơi thành lập Trung đoàn 96  (26/06/2009)
Ra quân chương trình “Tiếp sức mùa thi 2009”  (26/06/2009)
Dự án xây dựng Trung tâm Gặp gỡ quốc tế khoa học liên ngành ở Việt Nam  (26/06/2009)
Vừa thiếu, vừa thừa  (25/06/2009)
Bảo vệ quyền lợi kịp thời cho người bị hại  (25/06/2009)
161 học sinh trúng tuyển vào trường chuyên Lê Quý Đôn  (25/06/2009)
Tuyển 12.915 học sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập  (25/06/2009)
TIN BUỒN  (25/06/2009)