Nhân sự kiện ngày Luật Thi hành án dân sự (THADS) có hiệu lực thi hành (từ 1.7.2009), phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn ông Hồ Quang Vinh, Trưởng THADS tỉnh, một số vấn đề về công tác THADS trong tỉnh và những quy định mới của Luật THADS năm 2008.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình (bên trái) trao quyết định bổ nhiệm CHV cho lãnh đạo và CHV THADS tỉnh.
|
* Ông có thể cho biết những khó khăn cũng như thuận lợi về công tác THADS của tỉnh trong hơn 15 năm qua?
- Trong 16 năm qua, kể từ khi các cơ quan THADS trong tỉnh được thành lập (ngày 1.7.1993), công tác THADS có nhiều thuận lợi. Đó là được sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của xã hội và sự nhiệt tình, yêu nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS trong tỉnh. Qua đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được đó, chúng tôi cũng còn gặp không ít những khó khăn, như: thể chế, cơ chế về THADS vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; công tác phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành án giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; cơ chế quản lý và mô hình tổ chức cơ quan THADS chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao; quyền hạn của Chấp hành viên (CHV) chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ… dẫn đến tình trạng án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong xã hội.
* Luật THADS ra đời sẽ có tác động gì trong việc củng cố tổ chức và việc thực hiện nghiệp vụ thi hành án, thưa ông?
- Luật THADS ra đời khắc phục được những hạn chế, bất cập mà Pháp lệnh THADS năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua chưa quy định. Luật THADS năm 2008 tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ của hệ thống cơ quan THADS theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương; nhiều quy định mới mang tính chất mở nhằm khắc phục tình trạng án tồn đọng, kéo dài, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan THADS; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của các bên đương sự; nâng cao vị thế của cơ quan THADS và CHV; quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động THADS.
* Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS hiện nay chờ đợi gì ở Luật THADS năm 2008?
- Như tôi đã nói trên, Luật THADS năm 2008 có nhiều quy định mới mang tính đột phá; nó vừa bao quát, vừa cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; trước hết là địa vị pháp lý và hệ thống tổ chức của cơ quan THADS được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc về công tác cán bộ, làm cho CHV và cán bộ thi hành án yên tâm công tác, tận tâm với nghề nghiệp; vấn đề tiếp theo là về trình tự thủ tục thi hành án cũng đã quy định rõ ràng, rành mạch hơn, giảm thiểu được nhiều rủi ro trong quá trình tổ chức thi hành án, và đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, CHV cơ quan THADS tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc mà từ trước đến nay chưa có căn cứ để xử lý án, nhằm giải quyết việc thi hành án nhanh chóng và đạt hiệu quả cao trong thời gian đến.
* Xin cảm ơn ông!
LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CÓ HIU LỰC TỪ NGÀY 1.7.2009:
Nhiều quy định mới mang tính đột phá
Luật Thi hành án dân sự (THADS) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14.11.2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2009. Đây là đạo luật quan trọng, quy định nhiều vấn đề mới về THADS, rất gần gũi với đời sống xã hội.
Luật gồm có 9 chương, 183 Điều. Về nội dung cơ bản, Luật kế thừa các quy định của Pháp lệnh THADS năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được thực hiện có hiệu quả trên thực tế pháp điển hóa thành quy định của Luật.
Để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, phát huy hiệu quả hoạt động về THADS trong thời gian qua, hạn chế tình trạng án tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa xử lý được, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định hiện hành, Luật đã bổ sung rất nhiều quy định mới mang tính đột phá. Trong đó, đáng chú ý về 4 vấn đề lớn, như:
Về hệ thống tổ chức, bộ máy cơ quan THADS (theo Điều 13 của Luật): Hệ thống tổ chức cơ quan THADS đã phân định rõ cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể mô hình tổ chức cơ quan THADS. Để khắc phục những vướng mắc trong thời gian qua về công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng, điều động, luân chuyển Chấp hành viên (CHV), Điều 17 Luật THADS quy định CHV cơ quan THADS có 3 ngạch, gồm: CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp, đồng thời quy định việc bổ nhiệm CHV phải thông qua việc thi tuyển và bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm CHV theo nhiệm kỳ (Điều 18). Trưởng THADS cấp tỉnh có quyền điều động đối với CHV, công chức cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn (Điều 23).
Về thủ tục THADS: Đối với thời hiệu yêu cầu thi hành án, Điều 30 quy định: Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm (trước đây, theo Pháp lệnh THADS năm 2004 là 3 năm) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Đối với thời hạn tự nguyện thi hành án, Điều 45 của Luật quy định thời hạn là: 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án (trước đây là 30 ngày). Việc thi hành án có liên quan đến các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, như Ngân hàng, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội (đang quản lý tiền, tài sản, tài khoản của người phải thi hành án), Luật đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan này khi có yêu cầu của CHV về phong tỏa, khấu trừ tài sản, tài khoản, trừ thu nhập… do cơ quan đó đang quản lý. Bên cạnh đó, Luật lần này quy định theo hướng phân biệt rõ điều kiện để miễn và điều kiện để giảm nghĩa vụ THADS nhằm khuyến khích đương sự tích cực chấp hành án (Điều 61). Ngoài ra, còn có nhiều quy định mới liên quan tới các biện pháp bảo đảm THADS; biện pháp và thủ tục cưỡng chế THADS; về định giá, định giá lại, bán đấu giá tài sản kê biên; về thi hành nghĩa vụ buộc nhận người lao động trở lại làm việc…
Về khiếu nại, tố cáo (KNTC) và giải quyết KNTC: Việc KNTC và giải quyết KNTC trong THADS được quy định từ Điều 140 đến Điều 158 của Luật. Đối với việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về THADS, Luật đã quy định mới so với các quy định trước đây, như: về hình thức khiếu nại (Điều 147), thời hạn thụ lý đơn khiếu nại (Điều 148), quy định cụ thể về thành phần hồ sơ giải quyết khiếu nại (Điều 149). Đối với việc tố cáo và giải quyết tố cáo, Luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục giải quyết tố cáo, trách nhiệm của người tố cáo (Điều 157, 158).
Ngoài ra, để thi hành Luật THADS, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thi hành Luật THADS. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1.7.2012. Đồng thời, Nghị quyết còn quy định việc miễn THADS theo thủ tục rút gọn đối với việc thi hành các khoản thu cho NSNN có giá trị không quá 500 ngàn đồng, mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 5 năm, tính đến thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án. Ngoài ra, Nghị quyết còn giao cho Chính phủ quy định những cơ quan THADS thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm chấp hành viên mà không qua thi tuyển trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành.
Hy vọng với những quy định mới nói trên, khi có hiệu lực thi hành, Luật THADS sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời mở sang một trang mới, củng cố vị thế của khối cơ quan THADS để có khả năng đón nhận và hoàn thành tốt hơn trong nhiệm vụ mới.
(Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định) |
|