TRUNG TÂM Y TẾ VĨNH THẠNH:
Nguy cơ “chảy máu” bác sĩ
8:21', 2/7/ 2009 (GMT+7)

Tại các cơ sở y tế của tỉnh ta, tình trạng thiếu bác sĩ (BS) đang diễn ra phổ biến. Trung tâm Y tế (TTYT) Vĩnh Thạnh cũng không ngoại lệ. Điều đáng nói là, việc bổ sung nguồn BS vốn đã khó, nay lại thêm nguy cơ “chảy máu” BS…

 

Nếu không có biện pháp kịp thời, hiện tượng “chảy máu” BS ở Trung tâm Y tế Vĩnh Thạnh sẽ không chỉ là nguy cơ. Ảnh: N.V.T

 

* Gian nan bài toán nhân lực

Hiện tại, TTYT huyện Vĩnh Thạnh có 10 BS, trong đó có 2 BS đang đi học, 1 BS đang chuẩn bị chuyển công tác. Vậy là, 7 BS còn lại vừa khám vừa điều trị, 2 BS lãnh đạo cũng phải thường xuyên trực tiếp khám bệnh. Từ đầu năm, Sở Y tế giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường cho Trung tâm 2 BS, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy đâu. “Khi Trung tâm quá tải thì kinh phí càng eo hẹp, vì phải gánh thù lao ngoài giờ của các BS. Nhiều BS đêm trước trực, sáng hôm sau phải ở lại khám, không được nghỉ ngơi” - BS Hứa Tự Thảo, Giám đốc Trung tâm, cho biết.

Đầu năm 2009, Trung tâm đã ra thông báo tuyển 30 biên chế, trong đó có 10 BS song đến thời điểm này, chưa có BS nào nộp hồ sơ. Đáng chú ý là, từ năm 1991 đến nay, cả Trung tâm chỉ có 1 BS tốt nghiệp hệ chính quy về công tác, các BS còn lại đều là diện đi học chuyên tu. Đã không thể bổ sung nguồn BS, Trung tâm hiện lại đang đối mặt với nguy cơ “chảy máu” BS.

Về công tác từ tháng 7.2007, BS Nguyễn Thị Cường (quê ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) tâm sự: “Tôi về đây công tác một phần do chồng động viên, song tôi chưa muốn gắn bó lâu dài vì khả năng phát triển chuyên môn rất khó. Ngoài tiền lương, các BS ở đây không có chế độ ưu đãi gì, huyện cũng chưa thật sự quan tâm”.

Bác sĩ Vũ Thị Bính, vốn là y sĩ, được cử đi học chuyên tu ở Huế; sau đó vào TP Hồ Chí Minh học chuyên khoa sơ bộ sản và đã ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Đến khi Ban Giám đốc Trung tâm “làm căng”, BS Bính mới chịu về Trung tâm làm “nghĩa vụ” cho đủ 3 năm. Tháng 7 này, BS Bính sẽ chuyển công tác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, có ít nhất 3 BS có tay nghề vững vàng không có ý định gắn bó lâu dài với Trung tâm. Nguyên nhân quan trọng nhất, theo họ, là không phát triển được chuyên môn; phần khác do chế độ đãi ngộ.

* “Một cây làm chẳng nên non...”

Mỗi ngày, TTYT huyện Vĩnh Thạnh có hơn 200 lượt người khám bệnh, hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong khi đó, Trung tâm chỉ có 60 giường bệnh, tình trạng quá tải là không tránh khỏi. Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, hiện Trung tâm đang cho xây dựng khoa Ngoại – Sản để có thêm 40 giường bệnh.

Để tạo nguồn BS, trước mắt, Trung tâm chủ động cử cán bộ đi học. Năm 2010, sẽ có 2 BS tốt nghiệp ra trường. Mặt khác, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho BS, tập trung vào yếu tố chính: bảo đảm chuyên môn không bị lạc hậu, tăng thu nhập, được đi học nâng cao trình độ, hỗ trợ chỗ ở. Huyện cũng bắt đầu cấp đất cho BS, nhưng mức phí cấp đất 30 triệu đồng/lô (khoảng 150m2) thì quá cao so với điều kiện kinh tế của một BS mới ra trường.

Năm 2008, Trung tâm đầu tư 262 triệu đồng mua máy điện não, máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy phân tích nước tiểu 10 thông số và máy điện tim. Trong năm 2009, Trung tâm tiếp tục huy động gần 1 tỉ đồng ở cán bộ ngành y tế từ huyện xuống xã để mua thêm máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa và máy đo tốc độ lắng máu. Đây là mô hình xã hội hóa đầu tiên ở các huyện miền núi. Về mặt kinh tế, việc làm này cũng được hy vọng là sẽ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của đội ngũ BS.

Tuy nhiên, những việc làm trên vẫn chưa đủ sức “níu chân” BS. Một chút so sánh, như ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, mỗi BS mới ra trường về làm việc được hỗ trợ ngay 10 triệu đồng. Sau đó, hằng tháng hỗ trợ ngoài lương 500 ngàn đồng. “Người láng giềng” này cũng rất mạnh tay trong việc đầu tư cho nguồn nhân lực. Biểu hiện cụ thể nhất là từ đầu năm học 2008-2009, họ bắt đầu hỗ trợ học phí cho 2 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao vào Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Kim Học (xã Tây Giang) và Trần Đức Lợi (xã Tây Phú). Ngoài ra, còn tặng học bổng 500 ngàn đồng/tháng/sinh viên. Đổi lại, các tân sinh viên cam kết sau khi ra trường sẽ trở về công tác tại bệnh viện trong thời gian 5 năm.

BS Thảo cho biết, ông đã đề nghị tỉnh hỗ trợ ngoài lương 500 ngàn đồng/tháng cho BS tuyến xã. Ông cũng đã có tờ trình lên UBND huyện về kế hoạch thu hút BS, trong đó BS mới về được 10 triệu đồng (huyện 7 triệu đồng, Trung tâm 3 triệu đồng), hỗ trợ ngoài lương cho các BS đang công tác tại Trung tâm mỗi người 500 ngàn đồng/tháng (huyện 300 ngàn đồng, Trung tâm 200 ngàn đồng).

So với 2 huyện miền núi còn lại (Vân Canh và An Lão), ngành y tế Vĩnh Thạnh phát triển trội hơn. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, phải luôn luôn “nhìn lên” để không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng lẫn số lượng BS. Và quan trọng nhất là giữ chân đội ngũ BS hiện có. Thế nhưng, đến giờ này, các kế hoạch hỗ trợ cho đội ngũ BS vẫn còn nằm trên giấy. Và hiện tượng “chảy máu” BS sẽ không chỉ là nguy cơ… 

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
3.000 lao động mất việc đi đâu?  (02/07/2009)
Không có thí sinh nào bị xử lý kỷ luật  (02/07/2009)
Luật Thi hành án dân sự ra đời tạo luồng sinh khí mới cho ngành  (01/07/2009)
Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”  (01/07/2009)
Rủ nhau đi... tránh nóng  (01/07/2009)
Hầu hết các văn bản ban hành có tính khả thi cao  (30/06/2009)
“Cháy” phòng trong những ngày thi ĐH, CĐ  (30/06/2009)
Chỉ tiêu ít, cơ hội cũng ít  (30/06/2009)
Thêm 8.600 lao động được giải quyết việc làm  (30/06/2009)
“Oách” như lính… công binh  (29/06/2009)
Đẩy nhanh tiến độ giao đất để xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn  (29/06/2009)
Kiểm tra VSATTP phục vụ Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009   (28/06/2009)
“Bảo hiểm y tế - chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”   (28/06/2009)
Thực trạng đau lòng   (28/06/2009)
Biểu dương 31 phụ nữ dân tộc, tôn giáo tiêu biểu  (27/06/2009)