Đóng cửa, tắt đèn, lấy vải che bên trong cửa, đăng nhập bằng tài khoản của chủ quán… đó là những chiêu thức mà các quán internet ở TP Quy Nhơn hoạt động quá giờ quy định đang dùng để qua mặt cơ quan chức năng...
|
Quán internet 391 Nguyễn Huệ - địa điểm ưa thích của dân “nét đêm”. Ảnh: N.V.T
|
* Thủ đoạn tinh vi
0 giờ, tôi cùng Khánh, một game thủ lão luyện, dạo một vòng các con đường Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Huệ… - những “thánh địa” của dân chơi internet đêm ở Quy Nhơn. Trừ quán NoVa trên đường Ngô Mây còn công khai mở cửa đón khách, hầu hết các quán internet khác đều tắt đèn, đóng cửa. Nhìn cảnh ấy, dân “ngoại đạo” như tôi không thể nào tưởng tượng được bên trong những cánh cửa khép kín ấy là một thế giới sôi động hơn cả ban ngày.
Khánh kể, các chủ quán internet mở quá giờ rất cảnh giác. Họ chỉ cho những khách “ruột” của mình online suốt đêm, còn những người lạ mặt thì từ chối thẳng thừng.
Ghé quán Sao Băng trên đường Hai Bà Trưng, dù cửa quán đã đóng cẩn thận, nhưng chỉ vừa nghe tiếng dừng xe của chúng tôi, lập tức bên trong đã xuất hiện tiếng hỏi đầy lo lắng của chủ quán: “Làm gì đấy?”. Khi biết chúng tôi là khách lạ, muốn ở lại chơi game qua đêm, chủ quán thẳng thừng: “Quán này không cho chơi đêm”. Thế nhưng, qua khe nhỏ trên cánh cửa, tôi nhìn thấy rất nhiều màn hình vi tính bật sáng cùng tiếng gõ bàn phím, tiếng chửi thề vọng rất to trong đêm vắng.
Rời quán Sao Băng, chúng tôi ghé qua quán 391 Nguyễn Huệ. Đã có kinh nghiệm từ lần trước, tôi xưng là sinh viên mới từ Sài Gòn về, tìm mãi mà không có chỗ nào chơi game Tru tiên. Khánh ngồi sau cũng giả vờ lầm bầm, nhăn nhó vì bỏ lỡ chuyến “công thành”. Lúc này, chị chủ quán mới cảnh giác hé cửa, chỉ vừa đủ để tôi dắt xe vào.
Đập vào mắt tôi là cả căn phòng tối om om, ánh sáng từ các màn hình máy tính chỉ đủ soi sáng những gương mặt non choẹt, hốc hác vì mất ngủ. Không khí ngột ngạt mùi thuốc lá, vì các cửa trong phòng đều đóng kín, cửa chính còn được phủ thêm một tấm vải dày bên trong. Với những chiêu thức tinh vi như vậy, thanh tra có đi ở ngoài cũng chẳng quan sát được gì. Đã vậy, các máy không đăng nhập bằng chương trình quản lý trên máy chủ mà được đăng nhập trực tiếp bằng tài khoản của chủ quán. Thấy tôi thắc mắc, Khánh giải thích: “Nếu đăng nhập bằng chương trình quản lý trên máy chủ thì toàn bộ thông tin về giờ truy cập, các dịch vụ khách hàng sử dụng sẽ bị lưu lại. Vì thế họ mới nghĩ ra cách này để đối phó với thanh tra”.
Thấy tôi lạ mặt, một cậu bé ngồi sát bên, chỉ khoảng 14, 15 tuổi, nhắc: “Quán này đủ các dịch vụ hết, anh có chơi đêm thì cứ tới đây chơi”. Chưa nói hết câu, cậu ta đã giật nảy lên, chửi bới om sòm vì nhân vật của mình trong game Võ lâm truyền kỳ vừa bị PK (bị giết). Có vẻ nản chí, cậu bé kéo 3 chiếc ghế xếp lại với nhau, thản nhiên đánh một giấc ngon lành. Hơn 3 giờ sáng, cửa sắt của quán bị đập rầm rầm. Có lẽ đã quá quen với vị “thượng đế” này nên chủ quán thản nhiên ra mở cửa, rồi quay lại ngủ mà không một tiếng phàn nàn. Những khách hàng còn lại trong quán cũng chỉ liếc qua người mới tới, rồi tiếp tục cắm đầu vào màn hình. Đêm ấy, tôi phải online suốt sáu giờ đồng hồ. Xung quanh tôi đã có một vài game thủ ngủ mê mệt trên những chiếc giường tạm xếp từ vài chiếc ghế. Nhưng vẫn còn rất đông những người khác đang say sưa lắc chuột, gõ phím và chửi thề…
|
Một game thủ lúc 2 giờ sáng. Ảnh: T.V
|
* Hậu quả nghiêm trọng
Một thực tế đáng báo động là thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra một số vụ giết người mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn xảy ra ở các quán internet. Điển hình như vụ giết người ngày 28.5.2009. Từ một mâu thuẫn nhỏ ở quán internet số 13 đường Trần Bình Trọng, Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1990, quê ở Gia Lai đang ôn thi đại học tại Quy Nhơn) đã đâm chết Trần Quốc Hưng (sinh năm 1990, quê ở Gia Lai, là sinh viên Đại học Quang Trung). Hay vụ án Võ Văn Sang dùng dao đâm chết người gần 2 năm trước. Nguyên nhân cũng chỉ là việc mâu thuẫn rất nhỏ trong quán internet ở đường Phan Chu Trinh…
Rồi hàng loạt vụ ẩu đả, đánh nhau, cướp giật mà đối tượng gây án chính là những game thủ. Một khi tình trạng chơi game online mang xu hướng bạo lực, các trang web mang nội dung không lành mạnh vẫn còn chưa được bài trừ, thì sẽ rất khó để hạn chế những mặt trái của internet.
Không chỉ liên quan đến bạo lực, các quán internet còn là “ổ bệnh” đối với khách hàng, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Ở hầu hết các quán internet, máy được kê san sát trong những không gian chật chội; thêm vào đó khói thuốc lá, hơi nóng tỏa ra từ những chiếc máy đã biến các quán internet thành những “lò thiêu”. Đặc biệt, để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các chủ quán cho online đêm còn đóng tất cả các cửa, lấy vải phủ bên trong, làm cho không khí thêm ngột ngạt. Ấy vậy mà vẫn có hàng chục con người, phần lớn là thanh thiếu niên, miệt mài “đóng quân” tại những “lò thiêu” ấy từ ngày này qua ngày khác.
Nhiều quán internet vì muốn giữ chân khách hàng của mình lâu hơn nên còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như: ăn, uống, tắm rửa, cho chơi nợ… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên bỏ nhà đi bụi, trộm cướp, bỏ học… Đặc biệt, khi nghiện game online, các em có thể làm mọi việc để có tiền tiếp tục phiêu lưu trong thế giới ảo.
Đã có quá nhiều thông tin về mặt trái của internet, nhưng những hành động thực tế để chấm dứt sai phạm của các quán internet lại quá ít. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra; dùng các chế tài mạnh tay, để đưa hoạt động internet vào quy củ.
Theo số liệu của Sở Thông tin - Truyền thông, tính đến tháng 5.2009, toàn tỉnh có 659 đại lý và 20.429 thuê bao internet, trong đó có 18.372 thuê bao ADSL, 2.057 thuê bao gián tiếp. Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông đã tiến hành kiểm tra tại 12 đại lý internet trên địa bàn TP Quy Nhơn; phát hiện 5 đại lý vi phạm về điều kiện kinh doanh và nghĩa vụ của đại lý internet; đã phạt 2 đại lý với tổng số tiền phạt là 5,9 triệu đồng; nhắc nhở, cảnh cáo 3 đại lý. |
|