Vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Văn Tất Thu dẫn đầu, đã về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về lĩnh vực quản lý cán bộ công chức và chế độ, chính sách trên lĩnh vực quản lý của ngành Nội vụ tại tỉnh ta. Nhìn chung, đoàn đánh giá: hầu hết các văn bản của tỉnh đã được ban hành đúng thẩm quyền và có tính khả thi cao…
* Những kết quả đạt được
Đoàn kiểm tra tiến hành rà soát, kiểm tra 37 văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành từ 5.2004 đến 12.2008, gồm 7 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 30 Quyết định của UBND tỉnh và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Sở Nội vụ và UBND TP Quy Nhơn về quản lý cán bộ, công chức và chế độ chính sách trên lĩnh vực quản lý của ngành Nội vụ đang còn hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu:
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu |
Bình Định đã có vận dụng sáng tạo đúng với thực tiễn địa phương trong ban hành văn bản QPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có quyền ban hành những văn bản QPPL phù hợp với đặc điểm đặc thù để phát huy lợi thế của địa phương, nhưng không được trái với quy định của cấp trên, các chức danh không được phát sinh (chế độ chính sách). Khi ban hành, tỉnh phải hết sức cân nhắc, bởi chế độ chính sách phải có tầm toàn quốc… |
Qua kiểm tra, đoàn đã kết luận: Hầu hết các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền (về hình thức và nội dung), việc soạn thảo, ban hành văn bản về cơ bản đã đảm bảo đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Những văn bản quan trọng đã được tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành, đặc biệt là ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của văn bản trước khi ban hành.
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh thông qua việc ban hành văn bản QPPL đảm bảo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập thể thống nhất quyết định theo đa số về những chủ trương quan trọng, vừa đảm bảo phát huy trách nhiệm và quyền hạn của tâïp thể, vừa đề cao trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch UBND. Các văn bản có tính khả thi cao, tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công và phân cấp. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL về quản lý cán bộ, công chức được tiến hành thường xuyên, theo định kỳ, làm cơ sở pháp lý phục vụ tốt cho công tác kiểm tra; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL của HĐND,UBND tỉnh.
* Thực tế đòi hỏi phải ban hành văn bản ngoài quy định
Đoàn kiểm tra đã góp ý với UBND tỉnh và các ngành liên quan về thể thức ở một số văn bản. Về nội dung, có một số văn bản cùng một nội dung, nhưng UBND tỉnh ban hành nhiều Quyết định, nên dễ nhầm lẫn trong việc tra cứu, triển khai, thực hiện. Tại Nghị quyết số 45 ngày 20.7.2005 của HĐND tỉnh, Nghị quyếùt số 33 ngày 19.12.2007 của HĐND tỉnh và Quyết định số 8 ngày 24.1.2008 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn, tổ dân phố; tỉnh đã bổ sung thêm 10 chức danh hưởng phụ cấp là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 121 ngày 21.3.2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với công chức xã, phường, thị trấn. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách chứ không có thẩm quyền quy định thêm chức danh.
|
Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ làm việc với tỉnh, kết luận về đợt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Minh Toàn
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã giải trình, khẳng định tỉnh luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách cán bộ (đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thu hút nhân tài, phân cấp quản lý cán bộ…). Tất cả các văn bản ban hành đều được lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các cơ quan chuyên môn. Việc ban hành các văn bản QPPL của UBND tỉnh đã bám sát với thực tiễn của địa phương nên hầu hết đã được phát huy rất cao, nhất là chính sách UBND tỉnh ban hành đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn đã được dư luận đánh giá cao.
Về việc ban hành thêm 10 chức danh hưởng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, cho rằng: Thực tiễn bức xúc của cuộc sống yêu cầu phải ban hành những văn bản ngoài quy định của Trung ương và có những chức danh bổ sung nhưng có hiệu quả rất lớn trên thực tế. Về chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Trung ương phải có khung quy định tối thiểu là bao nhiêu. Lương bằng 1/2 hoặc 2/3 so với cán bộ chuyên trách chẳng hạn. Hiện nay, không có khung quy định nên mỗi nơi thực hiện một kiểu. Trên thực tế, lương của cán bộ chuyên trách cấp xã được tăng, trong khi cán bộ bán chuyên trách thì không lên được đồng nào từ nhiều năm qua, nên cán bộ cơ sở rất bức xúc về chuyện này...
|