So sánh đề thi môn Vật lý (khối A) kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2009 do Bộ GD-ĐT công bố và đề thi phát cho thí sinh (TS) làm bài tại cụm thi Quy Nhơn có 1 câu không khớp nhau.
Nội dung câu hỏi theo nguyên văn của Bộ GD-ĐT như sau: "Nguyên tử hiđrô đang ở trạng thái cơ bản có mức năng lượng bằng -13,6 eV. Để chuyển lên trạng thái dừng có mức năng lượng - 3,4 eV, thì nguyên tử hiđrô phải hấp thụ một phôtôn có năng lượng". 4 lựa chọn đáp án của câu hỏi này gồm các thông số: 4 eV; 17 eV; -10,2 eV; 10,2 eV. Có 5 mã đề thi: 135 (ứng với câu hỏi 26, đáp án B 10,2), 915 (câu 38, D), 257 (câu 6, D), 486 (35, D), 742 (câu 31, A).
Trong khi đó, tất cả các mã đề thi môn Lý tại cụm thi Quy Nhơn đều sao in thành: "Nguyên tử hiđrô đang ở trạng thái cơ bản có mức năng lượng bằng 13,6 eV. Để chuyển lên trạng thái dừng có mức năng lượng 3,4 eV, thì nguyên tử hiđrô phải hấp thụ một phôtôn có năng lượng"; thông số lựa chọn đáp án vẫn như đề chính thức của Bộ.
Sau buổi thi môn Lý, nhiều TS gọi điện đến Báo Thanh Niên phản ánh sự khác thường này. Đến sáng 5.7 kết thúc đợt thi đầu tiên, một số TS có điều kiện đối chiếu đề thi tại cụm thi Quy Nhơn và các cụm thi khác, đặc biệt là đề thi, đáp án công bố trên website của Bộ GD-ĐT đã tỏ ra lo lắng.
Ông Đinh Minh Hùng - Tổ trưởng tổ Lý trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn, Bình Định) nói, nội dung câu hỏi trên áp dụng theo tiên đề 2 - Bohr (quang phổ vạch nguyên tử hyđrô); lượng nguyên tử hiđrô cần hấp thu được tính theo công thức e = hf = Ecao - Ethấp. Nguyên tử hiđrô ở trạng thái cơ bản có năng lượng E1 = - 13,6 eV, muốn chuyển lên trạng thái dừng có năng lượng E2 = - 3,4 eV, thì phải nhận năng lượng phôtôn e = hf = E2 - E1, tương ứng với đề của Bộ, là: -3,4 - (- 13,6) = 10,2 eV (đây là đáp án đúng như Bộ đã chính thức công bố). Như vậy, các thông số đề Lý tại cụm thi Quy Nhơn (trong nội dung đã dẫn ở trên) là không đúng theo lý thuyết của tiên đề 2- Bohr trong sách giáo khoa môn Lý.
Hầu hết các TS tại cụm thi Quy Nhơn đều chọn đáp án không trùng với đáp án chính thức của Bộ. TS T.H.C (quê Quảng Ngãi) làm mã đề 915 chọn đáp C là - 10,2 (đúng ra là đáp án D 10,2); TS T. (học trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) làm mã đề 742 chọn đáp án D là - 10.2 (đúng là đáp án A 10,2)... Theo phản ánh của nhiều TS, chỉ tính dựa vào thông số của đề, thời gian làm bài gấp nên không tính đến chuyện đề ra đúng - sai so với lý thuyết, công thức đã được học. Ông Đinh Minh Hùng nhận xét: "Thông số câu hỏi bị nhầm nên thí sinh không để ý, máy móc áp dụng công thức, vì thế dẫn đến chọn đáp án sai là - 10,2".
Năm nay, cụm thi Quy Nhơn có 33.996 TS dự thi đợt 1, đến buổi thi môn Hóa giảm còn 33.914 TS dự thi, đạt tỷ lệ 72,98%. Như vậy, số TS làm bài với đề thi có sai sót là rất lớn. Chiều 5-7, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Hồng Anh - Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn kiêm Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn rất bất ngờ khi được đề cập đến vấn đề này. PGS-TS Hồng Anh, nói: "Sau khi nhận tin báo từ PV, tôi có xem lại 3 mã đề thi (sau đó cung cấp lại cho PV Thanh Niên), đều thống nhất như nhau (thông số 13,6 và 3,4 eV). Chúng tôi nhận đề gốc của Bộ về và chỉ việc tổ chức in sao theo số lượng TS đăng ký dự thi".
Theo quan sát bằng mắt thường, khoảng cách chữ liền kề trước thông số 13,6 và 3,4 eV rộng hơn nhiều so với khoảng cách giữa các chữ khác của đề thi. Liệu có sai sót trong quá trình in sao đề? PGS - TS Hồng Anh cho biết thêm: "Ban đề thi làm việc độc lập, tuy tôi là chủ tịch hội đồng, song không tham gia vào quá trình in sao đề. Nếu thật sự có xảy ra sai sót, hội đồng thi sẽ từng bước kiểm tra kỹ và sẽ đề xuất hướng xử lý".
|
Ảnh chụp nội dung câu hỏi các mã đề thi môn Lý tại cụm thi Quy Nhơn
|
Ảnh chụp nội dung câu hỏi các mã đề thi môn Lý của Bộ GD-ĐT . |
|
. Theo TNO |