Xây dựng một môi trường lao động an toàn, tạo sự ổn định về việc làm và thu nhập, thực hiện những chính sách, chế độ chính đáng…cho người lao động (NLĐ) lâu nay vẫn luôn là “bài toán” không dễ có lời giải.
|
Môi trường lao động ở nhiều DN ngoài quốc doanh chưa được quan tâm đúng mức.
|
* Môi trường lao động không an toàn
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) tỉnh ta đã quan tâm đến việc xây dựng môi trường lao động ngày càng tốt hơn, cũng như thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với NLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số DN, chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến công tác này hoặc có quan tâm thì cũng chỉ là “để đối phó”. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do chủ DN sợ tốn kém vì chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, không ít nơi, NLĐ phải làm việc trong môi trường thiếu an toàn, chưa được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân. Lại có nhiều DN, NLĐ được trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, nhưng lại không sử dụng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, qua thanh tra 9 DN sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông thủy bộ, khai thác khoáng sản, khai thác chế biến đá, chế biến gỗ cho thấy, các DN này chỉ thực hiện được một số ít nội dung về chính sách lao động và an toàn vệ sinh lao động. Các DN cũng chưa thực sự quan tâm, nắm bắt các quy định của pháp luật lao động hoặc có nắm bắt nhưng không kịp thời, không đầy đủ, để triển khai thực hiện, cũng như phổ biến cho NLĐ trong DN. Căn cứ các sai phạm của các DN, theo quy định của pháp luật lao động, Đoàn thanh tra đã nêu tổng cộng 189 kiến nghị và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với 7 DN, với tổng số tiền phạt là 45,7 triệu đồng.
Thanh tra việc quản lý và sử dụng các máy, thiết bị tại 9 DN cho thấy, các DN được thanh tra đã thực hiện được một số quy định về an toàn vệ sinh lao động trong việc sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một số DN vẫn chưa nắm bắt được hoặc nắm bắt không kịp thời, không đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, dẫn đến có nhiều tồn tại, sai phạm. Căn cứ sai phạm của các DN, Đoàn thanh tra đã nêu tổng cộng 49 kiến nghị và ấn định thời hạn để các DN khắc phục; đình chỉ sử dụng đối với 27 thiết bị cho đến khi các DN thực hiện xong việc đăng kiểm theo quy định...
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB- XH, phần lớn DN sai phạm đều là các DN ngoài quốc doanh, nên sau khi kiểm tra xử lý, các DN này lại tiếp tục tái phạm trong những đợt kiểm tra lần sau.
* Quyền lợi của NLĐ bị phớt lờ
Không những môi trường làm việc không được DN quan tâm, mà những quyền lợi chính đáng của NLĐ, như: thời gian làm việc, hợp đồng lao động, chế độ tăng lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn.. cũng bị các DN phớt lờ.
Trong đó phổ biến nhất là các DN ngoài quốc doanh né tránh việc đóng BHXH. Ông Huỳnh Quang Trắc, Giám đốc BHXH Bình Định, cho biết: “Việc các DN không đóng BHXH sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của NLĐ; chẳng hạn khi đau ốm, nghỉ đẻ, tai nạn lao động, thất nghiệp... NLĐ sẽ không được hưởng các chế độ”.
Cũng theo ông Trắc, Luật BHXH có hiệu lực hơn 2 năm, cơ chế pháp lý của luật khá hoàn thiện, rõ ràng, thế nhưng các DN chỉ có chuyển biến về nhận thức, còn kết quả thực thi lại không nhiều. Điều này có phần lỗi là do sự lỏng lẻo trong quản lý và thực thi luật pháp của các cơ quan liên quan. Cụ thể, các cơ quan này dễ dãi “cho qua” mỗi khi kiểm tra DN không đóng BHXH, mà không có biện pháp xử lý mạnh. Ngược lại, những DN thực hiện tốt việc đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ thì không được biểu dương, khen thưởng kịp thời...
|