15 năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh (ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) đã trở thành tổ ấm của hàng trăm con người cơ nhỡ, kém may mắn. Ở đó, có những tấm gương vượt lên số phận. Cũng ở đó, có những con người thầm lặng làm công việc chăm sóc, giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh với tình thương vô biên và một mức lương thật khiêm tốn.
|
Lớp dạy nghề may tại Trung tâm.
|
* Vượt lên hoàn cảnh
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp theo chân một doanh nghiệp đến thăm và tặng quà cho Trung tâm BTXH tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Cái khó của Trung tâm hiện nay là thiếu nhân lực nghiêm trọng: chỉ có 26 cán bộ, nhân viên để phục vụ cho trên 120 đối tượng xã hội tại đây. Trong số 120 đối tượng này, trẻ sơ sinh mồ côi, dị tật chiếm 35%; người già trên 80 tuổi, không nơi nương tựa 27%, trong đó có 4 cụ trên 90 tuổi trong tình trạng “sống thực vật”; còn lại là các hoàn cảnh đặc biệt như tàn phế, gia đình quá khó khăn không thể nuôi dưỡng, được các địa phương gửi về đây. Đặc biệt, có khá nhiều trẻ em bị di chứng chất độc màu da cam”.
Những con số ấy chỉ thực sự gây xúc động cho chúng tôi khi đến thăm các khu vực Trung tâm tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và học tập theo từng lứa tuổi và tình trạng bệnh tật.
Tại khu vực dạy văn hóa, vi tính cho trẻ em mồ côi, dị tật, thật bất ngờ khi chứng kiến các em hồn nhiên, chăm chú vào bài học với mọi nỗ lực nhằm khắc phục những khiếm khuyết của cơ thể mình. Có em viết bằng chân, có em viết bằng hai cùi tay chụm lại, vì hai bàn tay không còn nữa! Em Nguyễn Thành Đạt, đang học lớp 4, tuy bị mù một mắt và liệt một chân, nhưng vẫn đang cố gắng dùng máy vi tính để làm thời khóa biểu cho các bạn cùng lớp.
Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đến khu vực dạy nghề, hướng nghiệp cho các em vừa tốt nghiệp THCS. Đối với trẻ mồ côi có thể chất phát triển bình thường, Trung tâm đã không chỉ nuôi nấng mà còn hướng nghiệp, chuẩn bị cho các em vào đời. Với số vải của cơ quan Quản lý thị trường tỉnh trao tặng, các em đang cắt và may đồng phục cho các thành viên của Trung tâm. Cô giáo Liên, dạy may, cho biết: “Tuy bị khuyết tật nhiều dạng, nhưng em nào có khả năng sử dụng máy may thì tiếp thu rất nhanh. 14 em trong lớp chỉ qua 3 tháng vừa học lý thuyết, vừa thực hành, đã có đường kim, mũi chỉ sắc sảo”. Rồi cô chỉ tay về phía đầu bàn và giới thiệu, em Bùi Thị Lệ, 16 tuổi sau khi học xong đã tự thiết kế và cắt may riêng cho mình bộ váy mà em đang mặc, trông thật dễ thương và ngộ nghĩnh!
|
Lớp dạy vi tính cho học sinh ở Trung tâm.
|
* Thơm thảo những tấm lòng
Khó mà liệt kê hết những vất vả thường ngày của các cán bộ quản lý cũng như nhân viên ở đây. Các cô bảo mẫu, đặc biệt là các cô chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, luôn tất bật cả ngày với việc cho các cháu ăn và dọn rửa, bởi nhiều cháu không nhận biết hành vi của mình. Rồi việc chăm sóc những người già đã lẫn, người tàn tật nặng, người thiểu năng trí tuệ, hoặc tâm thần dạng nhẹ,ï cũng là những việc làm đầy vất vả.
Hình ảnh các cô hộ lý đang đút cháo, tắm, làm vệ sinh cho các cụ già nằm liệt giường ở khu dưỡng lão đã làm cho chúng tôi tò mò hỏi thăm mức thu nhập của một hộ lý ở đây. Cô Mai Thị Hương tâm sự: “Tôi công tác ở đây theo chế độ hợp đồng đã 3 năm, tổng thu nhập chỉ nhỉnh hơn 700 ngàn đồng/ tháng. Nếu gia đình không bám ruộng đồng thì không đủ nuôi con”. Ông Nguyễn Thanh Châu xác nhận: “Mức thu nhập bình quân như vậy, nhưng công việc cứ tất bật suốt ngày, nhất là khu vực các cháu sơ sinh bị bỏ rơi. Nếu các cán bộ, nhân viên ở đây không có tấm lòng thơm thảo, nhân ái, cộng với sự hy sinh cao cả, thì không kham nổi với những chuỗi công việc thầm lặng này”.
Và không chỉ thế, bên cạnh việc vất vả chăm sóc cho các đối tượng xã hội, các cán bộ, nhân viên Trung tâm còn trồng rau xanh, chăn nuôi thêm để bổ sung thực phẩm. Dù từ đầu năm 2009, mức ăn bình quân của các đối tượng tại Trung tâm được Nhà nước nâng lên 10 ngàn đồng/ngày nhưng quả thật, nếu không có nguồn hỗ trợ từ thiện từ các nhà hảo tâm cũng như sự chắt chiu, dành dụm của cán bộ, nhân viên ở đây, thì đời sống các đối tượng xã hội còn khó khăn hơn nhiều.
Chuyện vui, chuyện buồn của những mảnh đời ở đây được ông Châu kể cho chúng tôi nghe không dứt trong suốt thời gian đến thăm Trung tâm. Đã có gia đình Việt kiều đến tỏ thái độ chê trách, thậm chí to tiếng với nhân viên Trung tâm vì cho rằng cha, mẹ họ không được chăm sóc tốt, trong khi chính họ đã từ chối trách nhiệm nuôi dưỡng, bỏ rơi người thân của mình. Rồi có những em mồ côi trưởng thành từ Trung tâm này, học xong đại học và tìm được việc làm tại Bình Dương, vẫn không quên về thăm các cô, các chú đã nuôi dưỡng mình nơi đây. Những cuộc gặp gỡ như thế luôn ngập tràn nước mắt của nhớ nhung và hạnh phúc.
Tạm biệt Trung tâm, chia tay các cán bộ, nhân viên ở đây, tôi thầm nghĩ, những con số và cả những việc làm không thể định lượng bằng con số của Trung tâm BTXH Bình Định sẽ trở thành cảm xúc, những bài học sống về tình đời và tình người cho bất cứ ai đến với nơi này.
|