Hôm qua (15.7), sau giải trình của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện với 7 giải pháp chủ yếu được nêu ra để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng còn lại của năm 2009, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp 15, HĐND tỉnh khóa X, đã khép lại với 5 ý kiến chất vấn trực tiếp, trong đó, có tới 3 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường…
|
Đồng chí Vũ Hoàng Hà (người đứng), Chủ tọa Kỳ họp, nhận xét về công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: Văn Lưu
|
* “Cộm” vấn đề tài nguyên, khoáng sản
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn là giải trình của Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thành Tiên. Ông Tiên đã cho biết về tình hình sản xuất muối trên địa bàn tỉnh, theo yêu cầu của ĐB Trần Hữu Hạnh: Toàn tỉnh có 1.350 hộ diêm dân, trong đó có 3.653 lao động chính. Diện tích sản xuất muối toàn tỉnh là 218,9 ha, với sản lượng muối ước đạt 6.850 tấn. 6 tháng đầu năm nay, do thời tiết bất lợi, mưa nhiều, sản xuất muối đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ lương thực cho các hộ diêm dân bị thiệt hại và hỗ trợ lãi suất vay để sản xuất muối theo tinh thần Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ.
Về ý kiến diện tích nguyên liệu mía thời gian qua không đạt kế hoạch, ông Võ Thành Tiên cho biết, Sở đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và vận động nông dân thực hiện sản xuất mía theo quy hoạch bằng cách: hướng dẫn cho nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng; dành một phần kinh phí khuyến nông cho cây mía và nghiên cứu khảo nghiệm những giống mía mới; Công ty Cổ phần Đường Bình Định cũng sẽ phải xem xét, rà soát những chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích người trồng mía.
Về ý kiến đề nghị UBND tỉnh có chính sách ưu tiên giao đất, giao rừng cho nhân dân địa phương ở các huyện có rừng để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, theo ông Tiên, về giao rừng, toàn tỉnh còn 78.310,2 ha rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý theo Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở đã hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để có cơ sở xây dựng, triển khai Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Bình Định, giai đoạn 2009-2010”…
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc trả lời chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: V.L
|
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Kim Phương đã cho biết những giải pháp phát triển công nghiệp 6 tháng cuối năm 2009 đối với các lĩnh vực “mũi nhọn” như chế biến gỗ, khai thác và chế biến ti tan, đá các loại… Nhìn chung, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp (DN) tham gia hội chợ trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm thị trường; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nghề cho người lao động (trước đây hỗ trợ 50%)…
Được sự ủy quyền của Giám đốc Sở Xây dựng, ông Đào Quý Tiêu - Phó Giám đốc Sở, đã cho biết quan điểm của Sở Xây dựng về quy hoạch đưa cả huyện Hoài Nhơn lên đô thị loại IV như An Nhơn theo ý kiến của đại biểu (ĐB). Theo ông Tiêu, sẽ gặp khó khăn vì 2 lý do: Tính chất đô thị không rõ nét vì hoạt động nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn; việc đầu tư tập trung sẽ rất lớn và thời gian sẽ phải kéo dài mới đạt được tiêu chí đô thị…
Ông Tiêu cũng thừa nhận tiến độ thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn đã chậm 1 tháng (gói thầu thi công phần móng và tầng hầm) so với cam kết với UBND tỉnh. Sở Xây dựng đã yêu cầu nhà thầu phải có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các phần công việc tiếp theo.
|
ĐB Trần Hữu Hạnh (Phù Cát): “Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường trả lời, tôi không thỏa mãn...”. Ảnh: Q.Hoa
|
Về giải pháp di dời các kho tàng trong nội thành Quy Nhơn, ông Tiêu cho biết: Sở đang tiến hành tìm, lựa chọn địa điểm để quy hoạch khu kho bãi tập trung và đang rà soát, phân loại kho bãi các đơn vị đang sử dụng để xây dựng lộ trình di dời….
Vấn đề quy hoạch quản lý, khai thác và sử dụng nguồn khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng khai thác tràn lan làm ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường và thất thu ngân sách được nhiều ĐB quan tâm. Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Trần Thái Nga cho biết: Để quy hoạch và quản lý hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định… Mới đây, để phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung), UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Nếu được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 thay cho Quyết định số 2668 trước đây.
Không bằng lòng, ĐB Nguyễn Thị Việt Hoa tiếp tục chất vấn: “Trên thực tế, có 33 DN được cấp giấy phép (5 DN được Bộ cấp), trong đó, có 28 DN đang hoạt động khai thác khoáng sản. Chỉ riêng ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) đã có đến 12 DN hoạt động khai thác khoáng sản, rất manh mún và lộn xộn. Sở Tài nguyên- Môi trường quản lý và xử lý ra sao?”. Câu trả lời của ông Trần Thái Nga đối với câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác vẫn còn khá chung chung với hứa hẹn “sẽ tiếp tục giải quyết”, khiến ĐB Trần Hữu Hạnh đã phải thốt lên “trả lời không thỏa mãn”.
|
ĐB Phạm Thị Oanh (Quy Nhơn) chất vấn về tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại TP Quy Nhơn còn chậm và để kéo dài. Ảnh: Q.Hoa
|
* An sinh xã hội còn “nóng bỏng”
Ông Trần Văn Quí - Giám đốc Sở GD-ĐT, đã giải trình về ý kiến cho rằng Tờ trình “Điều chỉnh mức thu học phí ngoài công lập” chưa rõ và chưa cụ thể. Theo ông Quí, lộ trình tăng học phí ngoài công lập và mức hỗ trợ học phí của Nhà nước đã được ghi rất cụ thể trong các phần phụ lục của Tờ trình. Dự kiến mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ khi điều chỉnh mức thu học phí từ năm học 2009-2010 sẽ từ 51-80% đối với nhà trẻ (đối với các vùng, miền khác nhau sẽ có mức khác nhau), từ 56-83% đối với mẫu giáo; từ 74-89% đối với mẫu giáo học 2 buổi/ngày không bán trú; từ 62- 86% đối với mẫu giáo học 1 buổi/ngày (xã, phường, thị trấn); Nhà nước cũng sẽ phải hỗ trợ từ 10-22% học phí cho hệ THPT công lập tự chủ (trừ TP Quy Nhơn, nhưng không trừ các xã đảo, bán đảo)…
ĐB Nguyễn Thị Việt Hoa đã chất vấn thêm về việc Trường THPT Tây Sơn thu học phí con em nhân dân xã Bình Tân, huyện Tây Sơn- xã đang được hưởng Chương trình 135 - là sai quy định, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Ông Trần Văn Quí cho biết: Theo Quyết định 301 của Ủy ban Dân tộc thì xã Bình Tân chỉ có 2 thôn M6 và Thuận Ninh là thôn đặc biệt khó khăn được miễn thu học phí và tiền xây dựng trường. Việc Trường THPT Tây Sơn thu sai quy định đối với học sinh ở 2 thôn này (năm học 2007-2008), đã được Trường THPT Tây Sơn sử dụng để chi trả lương cho giáo viên. Nếu cử tri không thông cảm, Sở GD-ĐT sẽ có kế hoạch chi trả trong năm 2009.
|
ĐB Nguyễn Thị Việt Hoa chất vấn về việc thu học phí ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn. Ảnh: V.L
|
Đối với ý kiến của ĐB Lê Thanh Những (Vân Canh) về việc cấp bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Canh Liên, do cơ quan bảo hiểm y tế ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu là ở Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, nên đã gây khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại, ông Hà Thúc Chí - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, cho biết: “Bảo hiểm Xã hội Vân Canh đã có công văn yêu cầu UBND xã Canh Liên thu hồi thẻ bảo hiểm y tế để đổi lại trong vòng 7 ngày nhưng chưa thấy trả lời. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội huyện rà soát lại danh sách, thông báo lại cho UBND xã, cá nhân nào muốn đăng ký tại trạm y tế thì đến nộp lại thẻ cho xã để đổi”...
|