Từ ngày 15 đến 21.7, tại TP Quy Nhơn, diễn ra Hội giảng Giáo viên dạy nghề Toàn quốc năm 2009. Đây là Hội giảng quy mô nhất từ trước đến nay, hội tụ nhiều giáo viên dạy nghề giỏi về tranh tài, nhằm tìm kiếm những phương pháp dạy nghề tốt nhất, để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội...
|
Ban Giám khảo đang nhận xét bài giảng của giáo viên Hoàng Văn Lộc (Trường Nghiệp vụ Giao thông Vận tải Hải Phòng). Ảnh: Văn Lưu
|
* Hội tụ nhiều giáo viên giỏi nghề
Tham gia Hội giảng năm nay, có 55 tỉnh, thành trong cả nước, tăng thêm 4 tỉnh, thành so với Hội giảng năm 2006. Các tỉnh còn lại tuy không tham gia nhưng cũng cử đoàn quan sát viên học hỏi kinh nghiệm. Đây là Hội giảng có số lượng các địa phương tham gia đông nhất từ trước đến nay. Có 258 giáo viên thuộc 182 cơ sở dạy nghề trong nước có bài dự thi tại Hội giảng, trong đó có 80 bài giảng lý thuyết, 141 bài giảng thực hành và 37 bài giảng tích hợp. Đoàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số bài giảng nhiều nhất với 16 bài, 9 địa phương có 6 đến 8 bài, các địa phương còn lại có từ 3 đến 5 bài. Bình Định tham gia với 8 bài giảng, trong đó có 4 bài lý thuyết, 3 bài thực hành và 1 bài giảng tích hợp.
Số lượng giáo viên và cơ cấu bài giảng tham dự Hội giảng đã có chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng và ngày càng có nhiều giáo viên có khả năng dạy tích hợp. Có 85 nghề trong số các nghề đào tạo hiện hành đăng ký tham gia Hội giảng, như: điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, động lực, giao thông vận tải, nông nghiệp và dịch vụ, may và du lịch...
Hội giảng được tổ chức trong bối cảnh dạy nghề đang chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước; đồng thời, tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong những năm qua, các cơ sở dạy nghề đang nỗ lực phấn đấu xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, bảo đảm về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn kỹ năng nghề, năng lực sư phạm của giáo viên, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp dạy nghề trong tình hình mới.
|
Anh Hoàng Tiến Đạt (ngồi - giáo viên Trường Trung cấp Nghề tỉnh Hòa Bình) đang tham gia bài giảng thực hành “Hàn bằng lấp góc không vát mép”. Ảnh: Văn Lưu
|
* Nâng cao chất lượng dạy nghề
Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề, kiêm Trưởng Ban tổ chức Hội giảng Giáo viên dạy nghề Toàn quốc năm 2009, cho biết: “Nâng cao chất lượng dạy nghề luôn luôn là mục tiêu phát triển lâu dài của toàn ngành, của mỗi cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước. Chất lượng dạy nghề là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề đóng vai trò rất quan trọng. Giáo viên dạy nghề là nhân tố quyết định và phương pháp dạy học chính là chìa khóa góp phần tạo nên chất lượng dạy nghề. Hội giảng Giáo viên dạy nghề Toàn quốc năm 2009 là nơi đua tài của những tài năng sư phạm, kỹ năng nghề điêu luyện nhằm phát hiện những phương pháp giảng dạy tích cực. Những bài giảng đỉnh cao sẽ được lựa chọn, quay video, in thành tập sách các bài giảng mẫu để phổ biến rộng rãi trong toàn ngành, xem xét làm tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề qua truyền hình, từ xa. Hội giảng lần này cũng sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi, rút kinh nghiệm trong giảng dạy; đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Với việc hội tụ đông đảo giáo viên đang giảng dạy ở mọi miền đất nước, ở nhiều ngành nghề, nhiều loại hình cơ sở dạy nghề, có thể xem Hội giảng lần này như một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc, như một kho sách đúc kết những kinh nghiệm quý báu cả về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy nghề theo một tư duy mới, cách tiếp cận mới “dạy những gì doanh nghiệpï, thị trường lao động, xã hội cần”.
Theo ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH, phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực được đào tạo chính là góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế và là đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong cơ cấu nhân lực, đội ngũ lao động kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ là lực lượng lao động đông đảo nhất trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Chính vì vậy, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển dạy nghề, nhằm tạo ra nguồn nhân lực lao động trực tiếp sản xuất đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Từ đó, hệ thống cơ sở dạy nghề phát triển, quy mô đào tạo nghề tăng hàng năm; chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và giữ vai trò chủ yếu trong việc cung cấp lực lượng lao động kỹ thuật cho các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng nhu cầu lao động để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tích cực phục vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và xóa đói giảm nghèo. Hội giảng Giáo viên dạy nghề năm 2009, nhằm khẳng định và minh chứng những nỗ lực, đóng góp to lớn của ngành dạy nghề, của các thầy giáo, cô giáo với việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước…
PGS-TS Bùi Thế Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Động lực 1 của Hội giảng: Chỉ mới trải qua 3 ngày đầu của Hội giảng nhưng có thể thấy, các bài giảng tham gia Hội giảng có chất lượng cao, các giáo viên đều đã chuẩn bị khá công phu, phần trình bày của giáo viên rất tốt, đây là một tiến bộ rõ rệt so với Hội giảng năm 2006. Năm nay, số giáo viên trẻ tâm huyết với sự nghiệp dạy nghề tham gia Hội giảng đông, có năng lực chuyên môn. Đối với những bài giảng có chất lượng nên nhân rộng tại đơn vị mình cũng như nhân rộng ra các địa phương khác, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, qua Hội giảng cho thấy, công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cần phải thiết thực hơn nữa từ khâu chuẩn bị bài giảng đến giờ lên lớp, đổi mới phương pháp dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế.
Giáo viên Hoàng Tiến Đạt, Khoa Cơ khí động lực, Trường Trung cấp Nghề tỉnh Hòa Bình: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Hội giảng Giáo viên dạy nghề Toàn quốc nên rất vinh dự và tự hào. Đợt này tôi tham gia bài giảng thực hành “Hàn bằng lấp góc không vát mép”, dù tôi đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng sau khi trình bày xong, các giám khảo đã chỉ ra nhiều chỗ còn khiếm khuyết trong bài giảng cần phải sửa chữa, bổ sung để bài giảng có chất lượng hơn. Tham gia Hội giảng lần này, bản thân tôi cũng như các giáo viên dạy nghề khác có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các giáo viên dạy nghề giỏi trên toàn quốc, để từ đó, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, nhằm phục vụ tốt hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có chất lượng cao, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của địa phương mình nói riêng.
Ông Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng Tư vấn Học nghề, Việc làm và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Trung cấp Nghề tỉnh Đắc Lắc: Từng tham gia nhiều Hội giảng nhưng tôi thấy Hội giảng lần này có nhiều tiến bộ hơn trước; khâu chuẩn bị cũng rất chu đáo, chặt chẽ. Thiết bị, dụng cụ phục vụ cho Hội giảng được chuẩn bị đầy đủ và khá tốt. Tham gia với tư cách là đại biểu nên những bài giảng có chất lượng tôi đều ghi lại để về áp dụng tại trường mình. Tuy nhiên, tại một số bài giảng, một số vị giám khảo khi nhận xét về bài giảng lại nói quá nhỏ, làm cho người dự thi cũng như những đại biểu tham dự không nghe được để rút kinh nghiệm. |
|