Hơn chục năm qua, hàng trăm người dân xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) phải sống trong nỗi lo mất đất trồng trọt do tình trạng sạt lở ven bờ sông An Lão. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến giờ này, việc xử lý vùng sạt lở vẫn chưa thực hiện.
|
Mỗi năm, nước sông lấn bờ từ 1 đến 2 m. |
* Hồi hộp lo đất lở
Trong ký ức của nhiều người, bờ Nam sông An Lão, thuộc địa phận hai thôn Phú Văn và Hội An, là một soi đất rộng, phù sa màu mỡ, bốn mùa tươi tốt hoa quả, nổi tiếng là “thiên đường” của dưa và bắp.
Đến khi đập Lại Giang đi vào hoạt động, soi đất ấy ngày càng thu hẹp diện tích. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn chảy xuống, bị đập chặn lại nên gây ngập lụt, lở lói. Tháng 2, tháng 3 âm lịch, gió nhiều, sóng chộ vào bờ, cuốn đi từng vạt đất. Lão nông Dương Thành Long (65 tuổi, ở xóm 3, thôn Hội An) vừa cặm cụi tưới nước cho luống đậu phụng, vừa kể: “Có hôm, buổi sáng còn nhổ cỏ, tưới nước cho mấy luống rau, đến chiều quay lại thì chẳng thấy rau của mình đâu nữa!”.
Ông Phan Công Bản (55 tuổi, ở thôn Hội An) trước đây có 3 mẫu hoa màu, giờ bị sạt lở chỉ còn hơn 1 mẫu. Năm 2003, ông bị thiệt hại nặng nề nhất, khi 1.500 cây đu đủ đến thời điểm thu hoạch thì bị mất trắng, lúc ấy, một cây đu đủ đang cho quả trị giá hơn 100 ngàn đồng. Năm ấy, cả xã có hơn 30 mẫu hoa màu bị úng do ngập lụt, thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Ông Bản cho biết, mỗi năm nước sông lấn vào bờ từ 1 đến 2m. Càng tiến sâu vào bờ, tốc độ sạt lở càng nhanh. Từ đầu năm 2009 đến nay, sông đã lấn bờ trên 3m. “Một buổi chiều, có mấy đứa trẻ ngồi câu cá trên bờ, sóng đánh sạt lở bờ đất, rơi tõm xuống nước. May mà tụi nhỏ biết bơi, không thì nguy” - ông Bản kể.
|
Diện tích mặt nước này trước kia từng là soi đất màu mỡ. |
Theo số liệu thống kê của UBND xã Ân Thạnh, từ năm 2003 đến nay, vùng đất bị sạt lở kéo dài đến 1,5 km, tổng diện tích đất mất đi khoảng 2,7 ha. Gần 150 hộ gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở, thiệt hại ước tính mỗi năm từ 45 đến 50 triệu đồng. Trước đây, người dân trồng các loại dưa, đu đủ, chuối… Giờ đây, trước tình trạng sạt lở diễn ra hằng ngày, họ chỉ dám trồng các loại màu ngắn ngày cho thu hoạch nhanh như bắp, đậu, khoai… Tình trạng sạt lở không chỉ làm mất đất trồng trọt, mà còn đe dọa đến đất ở của dân. Như trường hợp của ông Lê Hồng Chiêm ở thôn Phú Văn, nước xâm lấn làm sạt lở cả nhà vệ sinh.
* Chờ đến bao giờ?
Ông Phan Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, cho biết: “Hơn 10 năm qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh rất nhiều về thiệt hại do tình trạng sạt lở ven sông An Lão. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho xây kè bảo vệ, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Về việc xử lý các thiệt hại do việc xây đập Lại Giang gây ra, ông Phạm Bá Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, cho biết: Lúc mới xảy ra tình trạng sạt lở, xã cũng đã tiến hành khảo sát, lập biên bản để đề nghị bồi thường. Năm 2003, đại diện đơn vị thi công (Công ty Xây dựng thủy lợi 26 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng hứa sẽ bồi thường cho nhân dân trong xã 42 triệu đồng/năm, nhưng cũng chỉ là hứa “hão”.
|
Một vạt đất đang sạt lở. |
Ngày 11.6.2009, làm việc tại Đảng ủy xã Ân Thạnh, đồng chí Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã yêu cầu huyện Hoài Ân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định cùng các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát thực trạng, tiến hành các biện pháp xử lý kịp thời để khắc phục tình trạng sạt lở tại xã Ân Thạnh trước mùa mưa lũ năm nay.
Đập Lại Giang được xây dựng từ năm 1984; năm 2003, được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và khôi phục cầu dân dụng trên đỉnh đập. Đập Lại Giang là công trình thủy lợi quan trọng, cung cấp nước tưới cho các xã Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương... của huyện Hoài Nhơn. |
Mới đây, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Đức, Phó Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Hoài Ân, cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình xin chủ trương xây bờ kè và khu dãn dân. Dự kiến, bờ kè dài khoảng 800m, kinh phí khoảng 6 tỉ đồng. Khu dãn dân sẽ thực hiện cho 65 hộ dân ở vùng sạt lở của hai thôn Hội An và Phú Văn, dự kiến kinh phí khoảng 4 tỉ đồng”.
Việc khắc phục hậu quả sạt lở tại xã Ân Thạnh vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, bờ sông An Lão tại hai thôn Phú Văn và Hội An vẫn tiếp tục sạt lở từng ngày. Người dân vẫn thắc thỏm, không biết lúc nào thì tài sản của mình bị “đổ sông đổ bể”…
|