Chuyện “cổ tích” của Võ Ngọc Anh
10:14', 26/7/ 2009 (GMT+7)

27 năm về trước, khi Võ Ngọc Anh được sinh ra với cái bớt đen trên cánh tay phải, cha mẹ của Ngọc Anh là anh chị Võ Kim Tới (58 tuổi, ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước), không biết đây sẽ là khởi nguồn của những bất hạnh trong cuộc đời của Ngọc Anh và cả gia đình. Nhưng những bác sĩ quân y ở Học viện Quân y 103, cùng những tấm lòng nhân ái trong xã hội, đã giúp Ngọc Anh có thêm cơ hội để tiếp tục sống và làm người.

 

Võ Ngọc Anh và khối u trước khi mổ lần 2. Ảnh: T.X.C

 

* “Đắng con mắt” vì bệnh của con

Năm Ngọc Anh 6 tuổi, cái bớt đen lớn dần. Chị Phụng đã đưa con đi nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh để khám, nhưng các bác sĩ nói không thể giải phẫu được vì có khả năng Ngọc Anh bị u xơ thần kinh do nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin… Trong những lần cố công tìm kiếm sự sống cho con, gia sản lớn nhất của anh chị Tới là mấy con bò đã lần lượt đi. Nhà chỉ còn 5 sào ruộng, đủ để có gạo ăn. Anh Tới phải làm thêm “thợ đụng”- ai kêu gì làm nấy. Còn chị Phụng, làm gánh chuối vặt, lang thang khắp các chợ quê để kiếm thêm tiền rau cháo. Năm tháng trôi qua, khối u trên cánh tay Ngọc Anh cứ lớn dần lên cùng với nỗi lo đến “đắng con mắt” vì không có tiền, và cũng không biết phải làm gì để chữa bệnh cho con của người cha, người mẹ.

Ham học nhưng chuyện học của Võ Ngọc Anh cũng đành “đứt gánh” vì khối u quá nặng, không sao cầm được cây bút để viết. Nhưng vì không muốn trở thành gánh nặng cho cả gia đình, Ngọc Anh đã xin cha mua cho một cái xe đạp cũ để đạp xe đi bán vé số. Thương con, không muốn con đã bệnh tật mà còn phải chịu vất vả, lúc đầu, anh Tới không muốn. Anh nói với con: “Gia đình mình khổ thì ăn nhín, nhịn thèm chứ ba mẹ không muốn con phải ra đường kiếm sống”. Nhưng Ngọc Anh nhất định không chịu. Anh nói với ba mẹ: “Chỉ khi được làm việc, con mới thấy mình sống có ý nghĩa…”. Vậy là chị Phụng phải làm một sợi dây vải cột lấy khối u đeo vào cổ con, để nó bớt trì kéo xuống đất và may cho con một chiếc áo đặc biệt có tay phải to và rộng hơn bình thường, để Ngọc Anh “thả” cánh tay bệnh ở trong, đạp xe đạp với đôi chân và cánh tay còn lại rong ruổi khắp các đường phố quanh thị trấn Diêu Trì để bán vé số.

 

Bác sĩ Trần Đình Chiến, phẫu thuật viên chính của kíp mổ đã trực tiếp mổ và cắt khối u nặng 7kg cho Võ Ngọc Anh. Ảnh: T.X.C

 

Ngọc Anh đã tự nuôi được mình cho đến khi khối u ở cánh tay phải càng ngày càng to, đến mức không thể “đeo” nổi nó nữa (lúc mổ lần 1, khối u cân nặng đến 29,3 kg). Ngọc Anh đành chỉ quanh quẩn ở nhà, không thể làm gì được. Nhiều đêm, vợ chồng chị Phụng không chợp được mắt khi chứng kiến những cơn đau quằn quại của con. Họ ôm nhau khóc. Khóc đến cạn nước mắt vì bất lực khi nhìn đứa con trai bất hạnh có lẽ cũng sắp từ giã cõi đời…

* Và “cổ tích” thời hiện đại

Nhưng câu chuyện thương tâm của Võ Ngọc Anh đã có hậu bằng tấm lòng của bác sĩ Trang Xuân Chi ở Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Năm 2000, ông Chi đã liên hệ được với một “Mạnh Thường Quân” (Công ty Hương Sen, TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ 70 triệu đồng để Ngọc Anh được vào Bệnh viện Chợ Rẫy mổ cắt khối u 29,3 kg ấy. Nhưng, 5 năm sau “bóng ma” bệnh tật lại trùm lên Ngọc Anh khi khối u trên cánh tay lại tiếp tục “mọc” ra.

Và rồi tại Hội nghị Nội khoa Toàn quốc lần thứ 6, được tổ chức vào tháng 4.2009 tại Quy Nhơn, khi gặp lại người bạn học cũ sau 30 năm xa cách là PGS-TS Đỗ Quyết - Phó Giám đốc Viện Quân y 103 (Học Viện Quân y, Bộ Quốc phòng), bác sĩ Chi biết được Viện này vừa thành lập khoa Điều trị bệnh nhân phơi nhiễm da cam/dioxin dành cho con em cựu chiến binh. Vậy là bác sĩ Chi đã trình bày về trường hợp của Võ Ngọc Anh. Thật không ngờ, Ban lãnh đạo Viện đã quyết định phẫu thuật miễn phí cho Ngọc Anh. Đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên không phải là con em cựu chiến binh được Viện phẫu thuật miễn phí.

Vừa từ Hà Nội trở về nhà sau chuyến đi chữa bệnh cho con gần một tháng rưỡi, anh Tới, vẫn còn nguyên niềm vui trên nét mặt, hồ hởi nói: “Các bác sĩ ở Viện Quân y 103 đã “sinh” ra con tôi lần thứ 2. Lần đầu tiên đưa con ra Hà Nội còn quá nhiều bỡ ngỡ, nhưng mọi thứ đều đã diễn ra suôn sẻ. Cha con tôi được ở miễn phí trong Viện. Tiền ăn uống của cháu cũng được Viện chu cấp (ăn ba bữa, 28 ngàn đồng/ngày). Trước khi mổ, đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn đến thăm và tặng cháu 5 triệu đồng…”.

 

Bác sĩ Trang Xuân Chi (bìa phải) xem lại vết mổ cho Võ Ngọc Anh khi anh vừa ra viện và từ Hà Nội về nhà. Ảnh: Hoa Hiền

 

Điều làm anh Tới cảm động nhất là con anh tuy chỉ là một bệnh nhân bình thường, nhưng đã được các bác sĩ: Đại tá, TS Hoàng Mạnh An - Viện trưởng; PGS-TS Trần Đình Chiến - Chủ nhiệm bộ môn khoa Chấn thương Chỉnh hình; PGS-TS Đỗ Quyết… thường xuyên đến thăm động viên. Ngay các y sĩ, điều dưỡng như chị Hà, chị Hải, chị Lơn… cũng đã hết lòng chăm sóc Ngọc Anh… Rồi cả bác sĩ Chi nữa. Ông đã chuẩn bị cho chuyến đi chữa bệnh của cha con anh Tới còn tận tâm hơn cả lo cho người nhà… “Ơn này, vợ chồng tui không biết bao giờ trả nổi” - anh Tới nói.

Còn Ngọc Anh thì cho biết: “Bây giờ, tôi ngủ và ăn uống còn ít, chỗ vết mổ vẫn nhức. Do vết mổ quá lớn nên bác sĩ vẫn cho thuốc kháng sinh về tiếp tục uống… Sức khỏe chưa hồi phục, nhưng tôi đi lại đã nhanh nhẹn, nhẹ nhàng hơn”... Cho chúng tôi xem vết mổ, Ngọc Anh nói thêm: “Tôi chỉ mong mau lành bệnh, đủ sức khỏe để tiếp tục đi làm, tự kiếm sống cho cha mẹ bớt gánh nặng, bớt khổ; và để những người tốt như bác Chi và các bác sĩ ở Viện Quân y 103 cũng không phải lo lắng cho tôi nữa…”.

Ngày 2.6, Võ Ngọc Anh được nhập viện vào khoa A7 (khoa điều trị các bệnh về máu và xạ trị cho những di chứng về chất độc dioxin). 2 tuần sau các bác sĩ tiến hành hội chẩn, xét nghiệm lâm sàng và tiến hành thắt vi mạch để ngăn không cho khối u trên cánh tay phát triển. Ngày 18.6, Ngọc Anh được thắt vi mạch lần 2. Đến ngày 24.6, Ngọc Anh được chuyển sang khoa B1 để dưỡng sức. 9 giờ sáng ngày 26.6, kíp mổ của khoa Ngoại thần kinh, do GS-TS Trần Đình Chiến làm phẫu thuật viên chính, đã tiến hành ca mổ đến 12 giờ trưa cùng ngày. Ông Chiến cho biết, đây là u xơ thần kinh nên vẫn có tỉ lệ tái phát, nhưng nhanh hay chậm là do cơ địa và chế độ dinh dưỡng.

  • Q.Hoa - T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những hoạt động nghĩa tình của Công an Bình Định  (26/07/2009)
“Làm tình nguyện đâu phải để được tôn vinh!”  (26/07/2009)
Đêm ca nhạc gây quỹ “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Bình Định”  (26/07/2009)
Hơn 650 lượt người đến tìm kiếm thông tin  (26/07/2009)
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân ngày 27.7  (26/07/2009)
Mít-tinh trọng thể Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam  (26/07/2009)
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào thăm KKT Nhơn Hội và Cảng Quy Nhơn  (25/07/2009)
Thăm, tặng quà các đối tượng chính sách nhân ngày 27.7  (25/07/2009)
Đại hội đại biểu lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh  (25/07/2009)
Bình Định hỗ trợ xây dựng Trường Hữu nghị Việt - Lào  (24/07/2009)
Những đối tượng nào được xét đặc xá?  (24/07/2009)
20 triệu đồng hỗ trợ cho 4 hộ ngư dân có tàu bị chìm  (24/07/2009)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh thăm các gia đình chính sách  (24/07/2009)
Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào  (24/07/2009)
Chung tay giúp người nghèo an cư  (24/07/2009)