KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 -- 27.7.2009)
Thắp lên ngọn nến tri ân
8:5', 27/7/ 2009 (GMT+7)

20 giờ tối qua (26.7), 650 ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn đã được những người trẻ tuổi thắp sáng bằng ngọn lửa tri ân những lớp người đi trước đã ngã xuống để có đất nước hôm nay...

 

Tối qua (26.7) những ngọn nến tri ân đã được thắp lên tại Nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu

 

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Vũ Hoàng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng 650 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thuộc Thành đoàn Quy Nhơn, các trường Đại học, Cao đẳng, các đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn.

Sau phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và ĐVTN lần lượt dâng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm.

Và trong buổi tối đầy ý nghĩa tại nghĩa trang mênh mang nhang khói, ĐVTN đã được gặp gỡ, giao lưu với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Thái Anh Kia, Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Thanh Hòa (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) và bạn Nguyễn Văn Hoàng (SN 1981), Thượng úy, Chính trị viên Đại đội Đ30.

Những câu chuyện một thời xông vào trận địa cứu đồng đội, cấp cứu rồi chữa bệnh cho đồng đội giữa chiến trường của anh hùng Thái Anh Kia làm cho người nghe như được sống lại một thời hào hùng của đất nước. Hòa bình, người anh hùng này vẫn miệt mài công việc tìm mộ đồng đội và làm những việc có ích cho đời. Mọi người không cầm nổi nước mắt khi nghe câu chuyện cảm động của mẹ Hòa. Người con duy nhất của mẹ, liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Bích (SN 1953), đã ra đi khi vừa tròn 21 tuổi, trước khi đám cưới chị được tổ chức chỉ có vài ngày. Lau vội giọt nước mắt, những người tham gia buổi lễ lại dấy lên lòng tự hào về tấm gương nỗ lực vươn lên, quyết tâm theo đuổi con đường chọn đứng vào hàng ngũ Quân đội, hết mình phục vụ đất nước của Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng.

Từng bó hương, ngọn nến được đốt lên làm cả khu vực tượng đài liệt sĩ trở nên lung linh và tôn nghiêm, huyền ảo. Ngọn nến hồng còn thắp sáng nhiệt huyết và lời hứa quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay sẽ nối tiếp truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm học tập và rèn luyện để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng quê hương.

Cùng giờ, hơn 10.000 ĐVTN trong toàn tỉnh đã tề tựu về các nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương, thắp nến tri ân và kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những người đã khuất, những liệt sĩ đã yên nghỉ vì Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: “Máu đào của họ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói”, “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Đó là những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, có người ngã xuống, có người mang thương tật suốt đời.

Là lớp thanh niên trưởng thành trên miền đất quê hương của cách mạng, tuổi trẻ Bình Định luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng trong chiến đấu, kiên cường trong đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu. Trước những giọt nước mắt chảy từ trong sâu thẳm tấm lòng của người anh hùng, người mẹ mất con giữa hàng trăm nấm mộ trong ánh nến, những bạn trẻ càng cảm nhận được giá trị của cuộc sống hôm nay.

Trong những năm qua, tuổi trẻ Bình Định đã có nhiều việc làm thiết thực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: hoạt động “Áo lụa tặng bà”, tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa, tổ chức hành quân về nguồn, hành trình “Thắp lửa truyền thống”; chăm sóc, giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ và tham gia quy tập mộ liệt sĩ… Qua các hoạt động trên, ĐVTN thấm thía sâu sắc hơn giá trị của hòa bình và ý thức được trách nhiệm, vai trò của mình rằng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”.

  • H.Y

Tri ân người đi trước

Hôm nay (27.7) chúng ta kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, để một lần nữa nhắc nhớ rằng, nhiều người đã anh dũng ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu của mình để đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), CLB Doanh nhân Đất Võ đã đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Mười (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn). Ảnh: H.Y

 

* Nỗi đau còn lại

Giữa tháng 7 này, Báo Bình Định nhận được thư của ông Phan Hải Lý (43 Nguyễn Du, TP Quy Nhơn) kể về nỗi day dứt đã 15 năm nay của ông, về việc ông liên quan đến một vụ nhầm lẫn trong bốc mộ liệt sĩ, dù ông không hề có lỗi.

Chuyện xảy ra vào đầu những năm 1970, tại thôn Trung Thuận, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ. Trên đường đi công tác, ông Lý tình cờ gặp một người quen là bộ đội bị thương, sau đó đã hy sinh. Ông Lý đã cùng mọi người chôn cất anh. Sau chiến tranh, ông đã hướng dẫn gia đình liệt sĩ ấy đi bốc mộ. Tuy nhiên, tại nơi cũ lại có thêm một ngôi mộ liệt sĩ khác. Dù vậy, ông Lý đã được gia đình sở hữu mảnh vườn có mộ liệt sĩ xác định ngôi mộ của người quen ông. Một thời gian sau, ông Lý được thân nhân liệt sĩ ấy báo là họ đã bốc nhầm hài cốt người thân, dựa vào đặc điểm bị thương đặc trưng của liệt sĩ ấy. Trong khi đó, hài cốt liệt sĩ còn lại cũng được gia đình đưa về quê ở Phù Cát và họ không thể đổi hài cốt được vì không có địa chỉ cụ thể của gia đình kia. Qua Báo Bình Định, ông Lý tha thiết được thông tin về địa chỉ của liệt sĩ quê ở Phù Cát để hai gia đình liệt sĩ đều có được xương cốt của người thân mình.

Một câu chuyện sau chiến tranh 34 năm, nhưng vẫn thấm đẫm nỗi đau của những người đã ngã xuống, cả nỗi đau của những người ở lại. Và còn bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc vẫn chưa được đưa về nơi chôn nhau cắt rốn của mình?

Ông Đinh Bá Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, người đóng góp rất nhiều trong công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, kể về một lần ông làm chủ tang, cùng các sư thầy chùa Thiên Đức (Phước Hưng, Tuy Phước) rước hương hồn 150 liệt sĩ (hầu hết là bộ đội miền Bắc) hy sinh ở Hang Đá Bàn (Mỹ An, Phù Mỹ) về chùa để thờ cúng. Nói là rước hương hồn, vì các liệt sĩ hy sinh trong hang đá sâu, hiểm trở, hài cốt phân tán, không thể nào cất bốc được. 

Nỗi đau do chiến tranh gây ra, ngoài những mất mát về xương máu, có khi còn là những nỗi đau rất đời, rất thực. Ông Đinh Bá Lộc kể, ngày ấy, sau khi thoát ly gia đình lên núi tham gia cách mạng, một người đồng chí của ông là Võ Lai (liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân) tối nào cũng khóc vì thương vợ, nhớ vợ. Nỗi niềm thương nhớ ấy xuất phát từ một chuyện rất cảm động, rằng để an toàn cho gia đình sau khi mình đi, anh phải kiếm cớ ghen tuông, đánh mắng vợ, rồi “bỏ nhà đi”. Mà chuyện ấy, mãi sau này vợ anh mới được biết.

* Đền ơn đáp nghĩa

Để tưởng nhớ công ơn của những người đã ngã xuống và cống hiến xương máu, công sức cho đất nước có ngày hôm nay, trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm.

Sau 3 năm (2006-2008) triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tỉnh ta đã lập thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 11.720 trường hợp; lập thủ tục trình các cấp có thẩm quyền xác nhận 69 trường hợp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 trường hợp là liệt sĩ, 418 trường hợp là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 35 trường hợp là người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, thực hiện chế độ điều dưỡng cho 25.360 người có công. Hiện cả tỉnh có hơn 40.200 người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng mức chi trả là hơn 20 tỉ đồng/tháng.

Phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa người có công với cách mạng cũng không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu, đa dạng về nội dung, hình thức. Các cơ quan, đơn vị đã nhận phụng dưỡng đến cuối đời Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp các gia đình chính sách cải tạo nhà ở; hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp người có công có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập; chăm sóc, đỡ đầu thương binh, thân nhân liệt sĩ neo đơn...

5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 5 tỉ đồng, để hỗ trợ 371 hộ gia đình người có công cải thiện nhà ở và thăm hỏi tặng quà người có công trong các dịp lễ, Tết, hỗ trợ khi gặp khó khăn, đầu tư nâng cấp một số nghĩa trang liệt sĩ.

62 năm trước, khi quyết định lấy ngày 27.7 là Ngày Thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”. Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng là không chỉ chúng ta tri ân những người cống hiến cho đất nước mà còn góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

  • Nguyên Sương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện “cổ tích” của Võ Ngọc Anh  (26/07/2009)
Những hoạt động nghĩa tình của Công an Bình Định  (26/07/2009)
“Làm tình nguyện đâu phải để được tôn vinh!”  (26/07/2009)
Đêm ca nhạc gây quỹ “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Bình Định”  (26/07/2009)
Hơn 650 lượt người đến tìm kiếm thông tin  (26/07/2009)
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân ngày 27.7  (26/07/2009)
Mít-tinh trọng thể Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam  (26/07/2009)
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào thăm KKT Nhơn Hội và Cảng Quy Nhơn  (25/07/2009)
Thăm, tặng quà các đối tượng chính sách nhân ngày 27.7  (25/07/2009)
Đại hội đại biểu lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh  (25/07/2009)
Bình Định hỗ trợ xây dựng Trường Hữu nghị Việt - Lào  (24/07/2009)
Những đối tượng nào được xét đặc xá?  (24/07/2009)
20 triệu đồng hỗ trợ cho 4 hộ ngư dân có tàu bị chìm  (24/07/2009)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh thăm các gia đình chính sách  (24/07/2009)
Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Lào  (24/07/2009)