Vấn nạn tự tử ở An Lão
9:4', 29/7/ 2009 (GMT+7)

Trước đây, huyện vùng cao An Lão từng nhức nhối với nạn cầm đồ thuốc độc và tự tử trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, nạn cầm đồ thuốc độc đã giảm hẳn nhưng số vụ tự tử lại tăng nhanh, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

 

Lãnh đạo xã, huyện thường xuyên phối hợp với già làng giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn và tuyên truyền pháp luật nhằm ngăn chặn nạn tự tử. Ảnh: Y.T

 

* Bỗng dưng... muốn chết

Theo thống kê của Công an huyện An Lão, trong năm 2008 toàn huyện đã xảy ra 5 vụ tự tử. 6 tháng đầu năm 2009, đã xảy ra 4 vụ. Đáng chú ý, riêng thôn 3, xã An Quang đã có 3 người chết do tự tử. Nạn nhân của các vụ tự tử hầu hết là người H’rê và không chỉ là dân thường, có trình độ dân trí thấp, mà còn có cả cán bộ xã. Ngày 17.1.2009, anh Đinh Văn Thiết, sinh năm 1985, Công an viên xã An Quang, dùng dây thắt cổ tự tử trước sự bất ngờ của gia đình và hàng xóm. Trước đó, Thiết không mâu thuẫn gì với bất cứ ai.

Song, vụ tự tử của anh Đinh Văn Hùng ngày 27.4 mới thật sự gây chấn động. Anh Hùng là Phó Bí thư Đảng ủy xã An Quang. Cha anh, ông Đinh Văn Nháo cũng là một già làng rất có uy tín trong cộng đồng H’rê. Trước khi dùng dây treo cổ tự vẫn, hầu như anh không có mâu thuẫn hay bị sức ép nào từ phía cơ quan và gia đình. Tối 27.4, sau khi nhậu vui vẻ cùng bạn bè, anh trở về nhà. Vợ anh chẳng nói gì, xem xong tivi rồi vào giường nằm, còn anh đi ra vườn. Lâu không thấy chồng vào ngủ, chị ra vườn tìm thì thấy chồng đã treo cổ chết từ bao giờ. Cái chết của anh Hùng không những gây bao đau khổ cho người thân, mà còn gieo nỗi thắc mắc, hoài nghi cho dân làng…

Chưa hết, giữa tháng 7.2009, người dân An Lão lại tiếp tục bàng hoàng với hai vụ tự tử xảy ra trong ba ngày. Tối 18.7, gia đình phát hiện xác em Đinh Văn Nhít (ở thôn 1, xã An Trung) trong góc nhà. Cha mẹ em kể, trước khi tự tử, gia đình không hề la mắng gì. 3 ngày sau, đến lượt Đinh Văn Quang, sinh viên Trường Cao đẳng Bình Định, thường trú thôn 2, thị trấn An Lão tự tử, để lại tiếc thương cho gia đình, bạn bè.

Một điểm chung đáng chú ý là người tự tử thường dùng ruột dây thắng xe đạp (để làm bẫy thú) hoặc dây dừa để thắt cổ. Số vụ tự tử bằng thuốc độc như trước đây rất hạn hữu. Người tự tử thường chọn thời điểm giữa trưa, chiều tối, ở những nơi vắng vẻ, ít người để ý và sau khi đã uống rượu.

 

Là già làng có uy tín, ông Đinh Văn Nháo đau xót khi con trai là Đinh Văn Hùng tự tử. Ảnh: C.T

 

* Cần có những giải pháp thiết thực

Theo Trung tá Võ Biên Cương, Phó Trưởng Công an huyện An Lão, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tự tử ở An Lão là do đặc điểm tâm lý của người H’rê. Họ có sự tự ti, tự ái cao, lại hay nghĩ quẩn. Hành động tự tử thường mang tính tức thời, đôi khi chỉ cần một tác động nhỏ, như bị ai đó khích bác hay lỡ lời chê bai. Như trường hợp của Đinh Văn Quang 3 năm liền thi rớt tốt nghiệp, không ra trường được, trong lúc nhậu bạn bè lỡ lời, vậy là Quang tự tử. Song, đa phần các vụ tự tử không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Ông Võ Văn Quá, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão, cho biết: “Từ năm 2000, Hội đồng nhân dân khóa 6 của huyện An Lão đã thành lập Ban chỉ đạo 138 xây dựng 2 đề án: đề án số 01 về phòng, chống tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào thiểu số; đề án số 02 về phòng chống nạn tự tử. Sau đó, thành lập cả Ban chỉ đạo ở các xã để thực hiện hai đề án này”.

Từ thời điểm đó đến nay, việc triển khai thực hiện đề án số 01 rất hiệu quả. Tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã giảm hẳn, phần lớn nhờ thực hiện có hiệu quả công tác vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, việc thực hiện đề án số 02 vẫn chưa mang lại hiệu quả. Các vụ tự tử gia tăng đang là một vấn đề đau đầu của lãnh đạo huyện. Người tự tử gồm nhiều thành phần xã hội, đủ mọi lứa tuổi, làm sự việc ngày càng khó kiểm soát.

Theo ông Võ Văn Quá, trước mắt giải pháp cơ bản nhất vẫn là tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận của các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Khi các tổ chức này hoạt động tích cực sẽ hướng đồng bào vào những sinh hoạt lành mạnh, tránh được những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Đặc biệt, Huyện ủy, UBND huyện sẽ chỉ đạo Công an huyện, các già làng có uy tín tiếp tục tham mưu các biện pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu đang diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng người H’rê.

Sắp tới, Huyện ủy An Lão sẽ tổ chức một hội nghị bàn về vấn nạn tự tử. Hy vọng hội nghị này sẽ đề ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực mang tính lâu dài để ngăn chặn nạn tự tử một cách hữu hiệu.

  • Yến Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chàng thủ khoa mê nghề giáo  (29/07/2009)
Thành lập Trung tâm Quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành tại Quy Nhơn  (29/07/2009)
Nhiều hoạt động Chào mừng 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam   (28/07/2009)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP Quy Nhơn   (28/07/2009)
Công đoàn tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa   (28/07/2009)
Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày 27.7  (27/07/2009)
Thắp lên ngọn nến tri ân  (27/07/2009)
Chuyện “cổ tích” của Võ Ngọc Anh  (26/07/2009)
Những hoạt động nghĩa tình của Công an Bình Định  (26/07/2009)
“Làm tình nguyện đâu phải để được tôn vinh!”  (26/07/2009)
Đêm ca nhạc gây quỹ “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Bình Định”  (26/07/2009)
Hơn 650 lượt người đến tìm kiếm thông tin  (26/07/2009)
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân ngày 27.7  (26/07/2009)
Mít-tinh trọng thể Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam  (26/07/2009)
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào thăm KKT Nhơn Hội và Cảng Quy Nhơn  (25/07/2009)